Những "triệu phú" trên cánh đồng "vàng"

11:04, 11/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhờ chính quyền và người dân chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, nhiều cánh đồng ở huyện Mộ Đức những năm gần đây liên tục cho thu nhập cao.

TIN LIÊN QUAN

Nhìn mấy sào ớt chi chít quả của mình trên cánh đồng Mẫu Trại, nông dân Lê Tuấn Triển, ngụ thôn Thanh Long, xã Đức Thắng cười nói: “Chỉ mấy sào đất vậy thôi, mỗi năm mang về đôi ba trăm triệu đấy”. Được biết, anh Lê Tuấn Triển cũng là người “mát tay" nhất trong trồng trọt ở xã Đức Thắng. Anh Triển tâm sự: Lúc đầu loay hoay lắm vì mình lấy vợ về mà không có nghề gì trong tay. Thôi thì có mảnh ruộng 2 sào cha mẹ cho, nên tôi quyết định bắt đầu khởi nghiệp từ đó.

Anh Lê Tuấn Triển bên ruộng ớt của mình.
Anh Lê Tuấn Triển bên ruộng ớt của mình.


Năm ấy, anh Triển thấy bà con trong vùng chuyên canh các loại rau màu có hiệu quả nên học tập làm theo. Thế là trên mảnh ruộng 2 sào đó, cứ quanh năm suốt tháng, lúc thì anh trồng ớt, khi thì trồng xà lách, rau muống, khổ qua, dưa leo... Những năm gần đây, anh Triển thuê thêm đất để mở rộng diện tích trồng trọt. Anh Triển nhẩm tính: Chỉ với 3 tháng trồng rau muống, mình đã thu về 20 triệu đồng/sào, 1 sào dưa leo trồng vào tháng Tết thu 40 triệu đồng. Năm nào trồng các loại rau màu vừa trúng mùa, vừa được giá thì 1 sào đất ở Mẫu Trại có thể “đẻ” cho mình 50 triệu đồng. Với 6 sào đất mà hiện tại mình sở hữu, trừ chi phí, trung bình mang về khoảng 200 triệu đồng/năm.
 

Huyện Mộ Đức đã xây dựng được 26 cánh đồng doanh thu cao với tổng diện tích 215ha, chuyên canh các loại như: Khổ qua, dưa leo, bí đao, ớt... Năm 2015, có hơn 200ha cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; trong đó đặc biệt là cánh đồng Mẫu Trại (Đức Thắng) cho doanh thu 340 triệu đồng/ha/năm và cánh đồng Gò Chụp (Đức Chánh) cho doanh thu trên 250 triệu đồng/ha/năm.

Khi chúng tôi bày tỏ sự ngưỡng mộ, vì đối với người nông dân không phải dễ gì có được con số thu nhập “khủng” như vậy, anh Triển nói: “Nhờ chính quyền thường xuyên cử người hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, với lại mình còn sức trẻ nên dễ dàng tiếp thu. Nói thật là mình cũng không dám tin chỉ từ đôi bàn tay trắng, mình lại có cơ ngơi như ngày hôm nay đâu”.

Không luân phiên trồng nhiều loại rau như anh Triển, tại cánh đồng Gò Chụp, hơn 15 hộ gia đình thôn 1, xã Đức Chánh chỉ độc canh cây rau hẹ. Nông dân Nguyễn Đệ vừa vào phân cho mấy luống hẹ xanh um, vừa chỉ tay về phía vợ đang cắt hẹ sửa soạn cho thương lái đến thu mua, nói: “Với 4 sào đất, cứ thu hoạch theo kiểu cuốn chiếu, mỗi ngày gia đình tôi xuất 50kg hẹ với giá bán trung bình 10.000 đồng/kg, khi cao điểm lên đến 25.000 đồng/kg. Trồng loại này chăm sóc nhẹ nhàng nên có thời gian nuôi thêm con bò, con heo mà lại có đồng tiền “tươi” mỗi ngày nên phấn khởi lắm”.

Trước đây vì cuộc sống của gia đình ông Đệ quá khó khăn, nên vợ chồng ông đành phải mỗi người một nơi, người ở lại chăm sóc mấy sào lúa với đàn con thơ, người vào tận TP. Hồ Chí Minh mưu sinh với nghề bán trái cây dạo. Sau này khi có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại cánh đồng Gò Chụp, ông Đệ mới thuê đất rồi gọi hẳn vợ về cùng trồng dưa hấu, bí đao, khổ qua, đậu... rồi ba năm trở lại đây mới chuyển sang trồng hẹ.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của địa phương. Nhờ có hướng đi đúng đắn này mà ở Mộ Đức ngày càng có nhiều nông dân được gọi với danh xưng “triệu phú” sinh ra từ làng.

Bài, ảnh: THU HIỀN


 


.