Khép lại gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng

10:04, 08/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù đến ngày 1.6 mới kết thúc gói tín dụng 30 nghìn tỷ của Chính phủ, nhưng theo Ngân hàng nhà nước, ngày 31.3 gói tín dụng này đã khép lại vì số tiền cam kết cho vay của các ngân hàng đối với khách hàng đã vượt quá hạn mức của gói hỗ trợ. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn rất nhiều người có thu nhập thấp, nhưng vẫn chưa thể tiếp cận được gói hỗ trợ này.

TIN LIÊN QUAN

Nơi mặn mà, chỗ thờ ơ

Một trong những ngân hàng tiên phong, cởi mở với gói 30 nghìn tỷ nhất trên địa bàn tỉnh là Vietinbank Quảng Ngãi. Anh P.D, phường Trương Quang Trọng (TP. Quảng Ngãi) cho biết: “Tôi làm hồ sơ xin vay vốn gói tín dụng này ở một số ngân hàng, nhưng thấy họ không mặn mà, lại còn "lái" tôi sang các gói vay thương mại khác. Có ngân hàng thì bắt buộc phải cung cấp hóa đơn đỏ mới giải ngân... Trong lúc ngao ngán với gói 30 nghìn tỷ, thì nhân viên Ngân hàng Vietinbank Quảng Ngãi chủ động gọi điện hướng dẫn làm các thủ tục, sau đó giải ngân cho tôi vay 700 triệu đồng. Mọi thủ tục ngân hàng cũng làm rất nhanh và thuận lợi”.

Gói 30 nghìn tỷ ra đời đã giúp nhiều người có điều kiện làm nhà.
Gói 30 nghìn tỷ ra đời đã giúp nhiều người có điều kiện làm nhà.


 Bà Phạm Thị Thu Hương – Phó Giám đốc Vietinbank Quảng Ngãi cho biết: Chúng tôi luôn chủ động đối với cho vay gói 30 nghìn tỷ và giao chỉ tiêu cho từng cán bộ ngân hàng. Chỉ cần khách hàng thuộc đối tượng gói 30 nghìn tỷ có hồ sơ xin vay, là chúng tôi hướng dẫn và tư vấn cho vay ngay, không để khách hàng phải chờ đợi lâu. Đặc biệt là sau khi có công văn kết thúc gói 30 nghìn tỷ, số lượng khách hàng đến vay tăng đột biến, nhưng ngân hàng cũng đã cố gắng giải quyết nhu cầu của người vay. Do đó, kết thúc gói 30 nghìn tỷ, Vietinbank Quảng Ngãi đã ký hợp đồng với 244 khách hàng với 110 tỷ đồng cam kết cho vay và đã giải ngân 105 tỷ đồng.

Qua trao đổi với phóng viên, tất cả các ngân hàng cho vay gói 30 nghìn tỷ trên địa bàn tỉnh đều khẳng định: “Đối với những khách hàng đã ký hợp đồng vay, nhưng chưa giải ngân hết thì sẽ được tiếp tục giải ngân theo mức lãi suất của gói 30 nghìn tỷ. Còn hợp đồng nào ký sau ngày 31.3.2016 sẽ được tính theo lãi suất như các gói thương mại khác”.

Bên cạnh một số ngân hàng tích cực cho vay gói 30 nghìn tỷ, cũng có rất nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đăng ký tham gia giải ngân gói 30 nghìn tỷ, nhưng chỉ để “khuếch trương” chứ thực chất không mặn mà cho vay. Bởi lợi nhuận thu về từ gói tín dụng này thấp hơn nhiều so với các gói vay thương mại.

Chị Đ.T.T.D ở TP. Quảng Ngãi dù đã nhiều lần đến ngân hàng đặt vấn đề vay gói 30 nghìn tỷ, nhưng cuối cùng quá ngán ngẩm với các đòi hỏi về thủ tục của ngân hàng, nên chị đành “bấm bụng” vay gói thương mại khác. “Bây giờ không vay thì không đủ tiền làm nhà để ở, còn vay gói 30 nghìn tỷ thì bị đẩy qua đẩy lại với  cả đống thủ tục rườm rà. Đúng là có chính sách mà thấy xa vời quá!”. Đây cũng là nỗi bức xúc của rất nhiều người đã từng hỏi vay gói 30 nghìn tỷ.

Người thu nhập thấp vẫn khó có nhà

Tuy gói 30 nghìn tỷ ra đời từ ngày 1.6.2013 nhưng mãi đến năm cuối 2014, các ngân hàng thương mại mới bắt đầu triển khai cho vay. Đến nay, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ và Thông tư số 11, các ngân hàng thương mại tỉnh đã ký hợp đồng cho vay khoảng 427  khách hàng với số tiền cam kết cho vay trên 201 tỷ đồng và đã giải ngân trên 180 tỷ đồng.

Theo một số chuyên gia kinh tế, gói hỗ trợ tín dụng 30 nghìn tỷ được xem như “một mũi tên trúng hai đích” khi vừa là liều thuốc “cấp cứu” cho thị trường bất động sản đang bị đóng băng, vừa hỗ trợ người thu nhập thấp có điều kiện sở hữu nhà. Về chính sách, chủ trương, mục đích rất đúng, rất hợp lòng dân, nhưng qua thực tế triển khai thực hiện lại bộc lộ khá nhiều “nút thắt”. Trong đó, bất cập rõ nhất là chính sách này dành cho người có thu nhập thấp, nhưng trên thực tế lại dành cho người có thu nhập cao nhiều hơn.

Bởi lẽ, nếu chiếu theo những điều kiện phía ngân hàng đưa ra, thì đối tượng thụ hưởng chính là người thu nhập thấp rất ít tiếp cận được, mà chủ yếu là những người thu nhập trung bình khá mới vay xây nhà hoặc mua được nhà. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh không có dự án nhà ở xã hội với những căn hộ nhỏ giá tầm 400-500 triệu đồng để hỗ trợ người nghèo, người thu nhập thấp. Thực tế toàn tỉnh chỉ có dự án nhà ở thương mại của An Phú Sinh là đáp ứng được yêu cầu để khách hàng cá nhân vay gói 30 nghìn tỷ mua nhà. Tuy nhiên, nếu là người có thu nhập thấp thì cũng “chưa dám mơ” đến những ngôi nhà trị giá trên 750 triệu đồng này.

Gói 30 nghìn tỷ đồng đã khép lại. Tuy nhiên, chính sách tín dụng để phát triển nhà ở xã hội cũng như chính sách tín dụng hỗ trợ cho người thu nhập thấp, không nên là chính sách có tính “thời vụ” mà cần xây dựng chính sách này có tính chiến lược, lâu dài hơn. Đồng thời, rút kinh nghiệm từ những bất cập còn tồn tại qua quá trình thực tế triển khai gói 30 nghìn tỷ, mong rằng những chính sách, gói tín dụng hỗ trợ tiếp theo sẽ  thực sự đến được với đối tượng cần thụ hưởng.

Bài, ảnh: HỒNG HOA

 


.