Cần bảo tồn và phát triển cây dược liệu

12:04, 02/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vùng núi của Quảng Ngãi là nơi có nhiều loại cây dược liệu quý, không chỉ có ý nghĩa về mặt y học mà còn mang lại giá trị kinh tế cao. Song, do chưa được quy hoạch, bảo tồn nguồn gen; nên diện tích cây dược liệu đang dần thu hẹp, nhiều loại còn bị khai thác cạn kiệt...

Cây dược liệu dần biến mất khỏi tán rừng

Đến huyện miền núi Minh Long, hỏi về cây sa nhân - một loại cây dược liệu đặc trưng của miền núi Quảng Ngãi. Các cán bộ của Ban quản lý rừng phòng hộ Minh Long “mách nước” rằng, bây giờ ở Minh Long may ra chỉ xã Long Môn là còn loại cây quý này.
 

 

Hạt khổ sâm  (cứt chuột) là một loại dược liệu quý đang được thương lái lùng mua với giá cao.
Hạt khổ sâm (cứt chuột) là một loại dược liệu quý đang được thương lái lùng mua với giá cao.

Long Môn là xã xa xôi nhất của huyện Minh Long, có mật độ dân số thưa thớt nhất của huyện. Theo những già làng nơi đây kể lại, ngày trước, cây sa nhân không chỉ mọc tự nhiên dưới tán rừng Long Môn, mà còn được người dân mang về vườn nhà trồng làm thuốc chữa bệnh. Song, những năm trở lại đây, khi thấy cây keo có giá trị kinh tế cao, mọi người bắt đầu dành hết đất để trồng keo. Cây sa nhân vì thế mà mất dần vị thế. Nhắc đến cây sa nhân, bà Đinh Thị Có, thôn Làng Giữa chia sẻ: “Ngày trước, sa nhân mọc dưới tán rừng nhiều lắm. Rồi không chỉ sa nhân, mà còn có cây mật nhân và một số loại cây thuốc khác nữa. Chỉ cần đến bìa rừng tìm là có, nhưng giờ thì đi mỏi chân cũng chẳng thấy”.

Ưu tiên phát triển cây dược liệu gắn với nhu cầu thị trường

"Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ chọn cây dược liệu chủ lực quốc gia còn các địa phương phải chọn cây dược liệu phù hợp với địa phương mình và ưu tiên phát triển trên cơ sở căn cứ từ nhu cầu thị trường”.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát chỉ đạo tại Hội nghị phát triển cây dược liệu Việt Nam vào cuối tháng 2.2016.

Không riêng gì các loại cây dược liệu được xếp vào hàng quý hiếm, mà ngay cả những loại cây thuốc thông thường như cây hương nhu, cỏ tranh, ngũ gia bì... ngày trước vẫn thường mọc khá nhiều ở vùng đồi núi Quảng Ngãi, giờ cũng đã thưa vắng dần. “Trước đây, cây ba kích (dân gian gọi là dây ruột gà) - một loại dược liệu rất tốt cho thận, mọc dại ở hầu hết các vùng ven đồi của tỉnh. Giá mỗi ký ba kích cách đây khoảng 5 – 7 năm chỉ vào khoảng 100 nghìn đồng. Còn giờ, giá đã lên đến gần 1 triệu đồng, mà đặt mua chưa chắc đã có. Phần vì việc phát triển vùng keo nguyên liệu khiến đa dạng sinh học tại các vùng đồi núi đang dần mất đi. Phần vì thương lái ồ ạt tận thu các loại dược liệu khiến cây thuốc quý bị người dân khai thác triệt để”, ông Hạ Thế Phong - Chủ tịch Hội Đông y tỉnh nhận định.

Đừng để mất nguồn tài nguyên quý giá

Trước thực trạng nguồn tài nguyên dược liệu đang dần cạn kiệt, Sở KH&CN đã thực hiện Đề án Phát triển cây sa nhân tím dưới tán rừng phòng hộ ở Ba Tơ. Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh cũng bắt đầu trồng thử nghiệm 1ha cây sa nhân tại Sơn Hà. Còn Trà Bồng thì phát triển Đề án Vùng chuyên canh quế - một loại cây vừa làm thuốc, vừa là nguyên liệu cho nghề thủ công – mỹ nghệ... Song, các đề án trên vẫn còn mang tính riêng lẻ theo từng địa phương. Trong khi đó, không gian sống của các loại cây dược liệu trong tự nhiên ngày càng bị thu hẹp. Nhiều loại cây còn bị người dân khai thác theo kiểu tận diệt. Chẳng hạn như cây mật nhân, do bị thổi phồng về công dụng nên 2 năm trước đây, đoạn mật nhân dài chưa đến một gang tay đã được thương lái ngã giá hơn 100 nghìn đồng. Rồi hạt khổ sâm (cứt chuột), củ đinh lăng... cũng bị thương lái lùng mua ráo riết.

Đề xuất hướng bảo vệ, phát triển cây dược liệu sau những kết quả khả quan đã đạt được khi nhà nông gắn kết được với doanh nghiệp trong trồng cây dược liệu cà gai leo ở Minh Long, ông Đào Minh Hường- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng: "Phát triển sản xuất cây dược liệu là hướng đi quan trọng, vừa giúp đa dạng hóa các mặt hàng nông nghiệp, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân; vừa bảo vệ, bảo tồn được các loại cây thuốc quý. Nhưng để làm được điều đó, cần phải có sự liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp để ổn định được đầu ra cho sản phẩm".  
 
Bài, ảnh: Ý THU


 

.