"Đối thoại để lắng nghe khó khăn của nông dân"

05:03, 17/03/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là mục tiêu của chương trình “Đối thoại kỹ thuật sản xuất” được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh sáng tạo tổ chức trong vòng 2 năm qua. Thông qua đối thoại, những thắc mắc của bà con nông dân về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, về địa chỉ cung ứng giống cây trồng vật nuôi và thu mua nông sản có uy tín đã được các cán bộ chia sẻ tận tình đến từng người dân.

Kênh trao đổi thông tin hữu hiệu

Xuất phát từ tình hình sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp ngày càng phát triển, kéo theo nguồn giống cây trồng vật nuôi và vật tư nông nghiệp phát triển ngày một phong phú, đa dạng, tuy nhiên nhiều nông dân vẫn chưa có điều kiện tiếp cận, phân biệt từng loại sản phẩm. Đồng thời, thực tế sản xuất khiến bà con nông dân gặp phải nhiều trở ngại, vướng mắc nhưng không biết “tỏ cùng ai”. Vì thế, trong hai năm 2014- 2015, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh đã tổ chức gần 50 điểm đối thoại kỹ thuật sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp tại các huyện Mộ Đức, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Bình Sơn, Trà Bồng... Với sự tham gia đầy đủ của các cán bộ kỹ thuật nông lâm ngư nghiệp, bảo vệ thực vật, thú y... kể cả đại lý, doanh nghiệp trực tiếp thu mua nông sản, nên buổi đối thoại không chỉ cung cấp trực tiếp cho người dân các thông tin liên quan đến kỹ thuật sản xuất, mà ngay cả thắc mắc đầu ra cho nông sản, người dân cũng được cung cấp chi tiết, rõ ràng.

Sau khi tham gia đối thoại sản xuất, nông dân Lê Văn Danh đã mạnh dạng chuyển từ nuôi heo truyền thống sang hướng công nghiệp.
Sau khi tham gia đối thoại sản xuất, nông dân Lê Văn Danh đã mạnh dạng chuyển từ nuôi heo truyền thống sang hướng công nghiệp.


 “Thấy rõ nông dân không chỉ thiếu những thông tin liên quan đến kỹ thuật mà còn rất cần những địa chỉ uy tín, chất lượng giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Nên trước khi tổ chức đối thoại, chúng tôi đều rà soát, thống kê chi tiết thông tin về các đại lý cung ứng giống cũng như thu mua nông sản có uy tín tại địa phương tổ chức hội thảo hoặc nơi gần nhất để cung cấp cho người dân”, bà Phạm Thị Lệ Quyên - Trưởng Phòng Thông tin tuyên truyền  của Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh cho biết.

Theo thống kê của Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh, tại các buổi đối thoại, những vấn đề chính thường được người dân quan tâm, yêu cầu giải đáp là cách chọn giống gia súc, gia cầm phù hợp với mục đích kinh doanh; cách lựa chọn được giống tôm khỏe mạnh có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; các loại thức ăn trong chăn nuôi giúp việc chăn nuôi đạt được hiệu quả cao nhất... Đồng thời, việc phải trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp với điều kiện đất đai, địa hình tại từng địa phương cũng là một trong các vấn đề “nóng” được người dân quan tâm.
 

Giải đáp mọi thắc mắc qua điện thoại


Ông Ngô Hữu Hạ - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh cho biết: "Sau khi cung cấp số điện thoại của tôi và các cán bộ kỹ thuật trung tâm cho bà con nông dân tại các buổi đối thoại, người dân đã giữ liên lạc và thường xuyên trực tiếp điện thoại cho chúng tôi để xin tư vấn, giải đáp các thắc mắc phát sinh trong quá trình sản xuất. Tôi cùng các cán bộ trung tâm luôn cố gắng giải đáp những thắc mắc của người dân theo cách dễ hiểu nhất".

Tín hiệu vui sau đối thoại

Sau khi được lắng nghe tư vấn về quy trình kỹ thuật và giải đáp tỉ mỉ những thắc mắc tại buổi đối thoại, nhiều nông dân đã thay đổi suy nghĩ, cách làm và đạt được hiệu quả cao hơn. “Lần đầu tiên tham gia đối thoại là vào năm 2014, lúc đó tôi được nghe cán bộ trung tâm giới thiệu về quy trình nuôi heo công nghiệp. Ấn tượng với thời gian nuôi heo theo hướng công nghiệp chỉ mất từ 3 – 4 tháng là đã có thể xuất bán, trong khi từ trước đến giờ tôi cứ trầy trật nuôi 6 – 7 tháng thì heo mới lớn. Nên sau đối thoại, tôi liền bàn bạc với vợ con ngay.

Đến tháng 5 năm 2015, lúc cán bộ về xã đối thoại lần 2, thì tôi mạnh dạn hỏi cách thức xây dựng chuồng, kỹ thuật chăn nuôi... rồi bắt tay vào làm ngay”, ông Lê Văn Danh, ở thôn Hiệp Phổ Bắc, xã Hành Trung (Nghĩa Hành) kể. Sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng, ông Danh liền đầu tư 90 triệu đồng để xây dựng chuồng trại chăn nuôi theo hướng công nghiệp. Con giống, thức ăn chăn nuôi, quy trình nuôi... đôi lúc quên, ông đều có thể điện thoại cho các cán bộ để xin tư vấn thêm. Nhờ đó, dù chỉ mới chân ướt chân ráo tiếp cận với cách nuôi heo công nghiệp, nhưng sau 7 tháng thả nuôi, ông Danh đã xuất bán hai lứa heo thịt.

Còn đối với các hộ dân quan tâm đến vấn đề chăn nuôi bò vỗ béo ở Hành Nhân, Hành Thiện, Phổ Hòa, Đức Hòa… việc Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh mời trực tiếp các đại lý thu mua bò uy tín đến đối thoại cùng người dân, đã mở hướng cho nông dân tiếp cận với địa chỉ vừa cung cấp giống chất lượng vừa trực tiếp thu mua bò giá cao cho người dân. “Nhờ được thông tin về các địa chỉ thu mua này, mà nông dân chúng tôi lại có nhiều sự lựa chọn hơn. Quyền lợi cũng vì thế mà đảm bảo hơn, không lo bị thương lái ép giá”, ông Võ Thường, nông dân xã Hành Thiện bày tỏ.

Bài, ảnh: Ý THU


 


.