Cuộc "cách mạng" trên đồng ruộng

08:03, 10/03/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Diện tích ruộng liên vùng, liên thửa được mở rộng. Hệ thống giao thông, thủy lợi từng bước hoàn thiện. Nông dân mạnh dạn sử dụng giống chất lượng, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất... Những yếu tố này đã góp phần rất lớn trong tăng năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm cũng như thu nhập cho nông dân.

TIN LIÊN QUAN


Năng suất tăng, công sức giảm

“Làm nông thì phải nhọc công. Nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ làm ruộng lại khỏe như bây giờ khi mà mọi việc đã có máy móc, mình chỉ tốn ít công chăm sóc, trông nom thôi!”, ông Phạm Ngọc Kim, ở thôn Phước Lập, xã Đức Phú (Mộ Đức) bộc bạch. Theo lời ông Kim, cánh đồng xã miền núi Đức Phú vốn gồ ghề, nơi cao chỗ thấp, việc sản xuất lại phụ thuộc vào nước hồ chứa nên công nhiều nhưng nhiều thời điểm lúa thu được chẳng bao nhiêu. Tuy nhiên, trong vòng ba năm trở lại đây, nhiều cánh đồng bậc thang, chi chít bờ vùng, bờ thửa đã bằng phẳng, liên hoàn; hệ thống giao thông, kênh mương được mở rộng, cấp phối và bố trí xung quanh đã giúp ruộng thoát cảnh nắng khát, mưa úng... Sự thay đổi này không chỉ giúp năng suất lúa tăng, mà còn giảm đáng kể sức lao động của nông dân. Bởi, sau khi được chỉnh trang, dồn điền đổi thửa (DĐĐT) thì số thửa ruộng giảm, giúp bà con nông dân đỡ tốn công thăm nom và giảm chi phí sản xuất.

Cơ giới hóa trong sản xuất được xem là yếu tố tạo nên cuộc
Cơ giới hóa trong sản xuất được xem là yếu tố tạo nên cuộc "cách mạng" trên đồng ruộng.


Trong khi đó, nông dân xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh) cũng phấn khởi khi canh tác trên những cánh đồng lúa “bờ ít, diện tích nhiều”. Ở một số cánh đồng như Mã Vôi, Hóc Nhỏ, Thổ Nhự hay Thổ Tình... không còn cảnh nông dân vác lúa, gánh rạ xa hàng trăm mét. Bởi từ hai năm nay, công việc nặng nhọc này đã có máy móc đảm nhận.

Xuất phát từ tình trạng đồng ruộng có quá nhiều thửa nhỏ, lại thiếu nước tưới nên việc canh tác bấp bênh, năng suất phụ thuộc vào thời tiết... nên nhiều năm qua, chính quyền và nhân dân xã Tịnh Trà quyết tâm thay đổi. Qua việc DĐĐT, đầu tư chỉnh trang hạ tầng giao thông, ứng dụng cơ giới hóa cũng như sử dụng giống chất lượng vào sản xuất... đã giúp năng suất lúa ở các cánh đồng “mới” của Tịnh Trà không ngừng tăng, trong khi chi phí sản xuất lại giảm. Theo hạch toán của ông Tuấn thì trước kia, đám ruộng 1.200m2 mang về cho ông 17 – 18 bao lúa khô/vụ. Thế nhưng sau khi DĐĐT, dù diện tích giảm 300m2 nhưng năng suất lúa vẫn vậy. “Ruộng nhỏ, ít tốn công băm, tiền gặt nhưng lúa thu được có khi lại tăng. Vậy là mình có lãi rồi”, ông Tuấn cho biết.

Để niềm vui trọn vẹn

Không chỉ những cánh đồng ở 7 huyện đồng bằng, thành phố mà ở các địa phương miền núi, đồng ruộng cũng có sự “lột xác”. Những hình ảnh nông dân lom khom cấy mạ hay tự tay thu hoạch lúa đang dần vắng bóng một khi bà con đồng bào dân tộc thiểu số đã thuần thục kỹ thuật gieo sạ, sử dụng máy móc từ khâu làm đất đến thu hoạch. Năng suất lúa vì thế cũng không ngừng được cải thiện. Tuy nhiên, theo ông Lê Minh Chí - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Minh Long thì: “Để niềm vui của nông dân được trọn vẹn, đồng ruộng đang rất cần được “trợ sức” rất lớn từ các nguồn lực”. Bởi, không riêng Minh Long mà đồng ruộng ở các huyện miền núi trong tỉnh đều ở dạng bậc thang nên muốn cải tạo, chỉnh trang để được liên vùng liên thửa thì tốn rất nhiều kinh phí. Nhưng vì nguồn lực hạn hẹp, nên việc trên dường như chưa được các địa phương thực hiện. Điều này đã cản trở việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất – vốn được xem là khâu quan trọng trong việc nâng cao năng suất cũng như giải phóng sức lao động cho nông dân.      

Trong khi đó, ông Lê Thanh Tân - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ cho rằng, việc DĐĐT, ứng dụng khoa học kỹ thuật hay sử dụng giống mới vào sản xuất đã tạo cuộc “cách mạng” cho đồng ruộng trong giai đoạn hội nhập và phát triển. Tuy nhiên, cuộc “cách mạng” này vẫn còn nhiều khiếm khuyết. Đó là tiến độ DĐĐT chậm vì “vướng” kinh phí. Giống lúa thuần chất lượng cao ngày càng khan hiếm. Chất lượng vật tư nông nghiệp chưa được kiểm soát... đã khiến nông dân hoài nghi, không mặn mà, gắn bó với đồng ruộng.

Để khắc phục tình trạng trên, lãnh đạo nhiều địa phương cho rằng, cần phải thực thi đồng bộ những chính sách nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp mạnh mẽ hơn.


Bài, ảnh: MỸ HOA



 


.