Chuyên canh cây ăn quả: Còn manh mún

04:03, 23/03/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Được kỳ vọng sẽ là sản phẩm hàng hóa mang lại thu nhập cao cho nông dân, nhưng hiện nay, việc trồng cây ăn quả vẫn mang tính nhỏ lẻ, manh mún nên hiệu quả mang lại chưa như mong đợi.

Đầu ra dồi dào

Với giá bán chính vụ ở mức 40.000 – 50.000 đồng/kg và trái vụ có giá 80.000 – 100.000 đồng/kg, bưởi da xanh được xem là một trong những loại cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao nhất hiện nay. Theo tính toán của ông Phan Hai, chủ vườn bưởi da xanh ở thôn Long Bình, xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành) thì với diện tích 1ha, nếu trồng keo, cứ 4 năm sau có thể kiếm được 50-70 triệu đồng, nhưng nếu trồng bưởi da xanh, số tiền thu được sẽ gấp đôi, gấp ba con số trên. Lý do là bưởi da xanh ít tốn chi phí đầu tư cũng như công chăm sóc, trong khi giá bán lại ổn định ở mức cao. Thế nên, thay vì xen canh chôm chôm và sầu riêng như nhiều hộ khác, ông Hai chỉ trồng duy nhất 400 cây bưởi da xanh trên diện tích 1ha đất đồi của mình.

Sau 3 năm chăm sóc, vườn bưởi da xanh của ông Phan Hai, ở xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành) đã bắt đầu ra hoa kết trái.
Sau 3 năm chăm sóc, vườn bưởi da xanh của ông Phan Hai, ở xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành) đã bắt đầu ra hoa kết trái.


Còn ông Huỳnh Văn Thân, thôn Khánh Giang, xã Hành Tín Đông cũng đầu tư trồng 1ha bưởi da xanh thông qua sự hỗ trợ của Dự án Ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất cây ăn quả hàng hóa huyện Nghĩa Hành, giai đoạn 2013 – 2016 (Dự án). Sau 3 năm, hiện bưởi đã bắt đầu cho quả. Theo đánh giá của ông Thân, chất lượng bưởi da xanh trên đất Nghĩa Hành không hề thua kém các nơi khác, tép đỏ mọng nước, vị chua dịu, bưởi ngọt thanh.

Khi đề cập đến đầu ra, cả ông Hai và ông Thân đều khẳng định: Khác với cảnh “được mùa, rớt giá” của một số loại trái cây khác, bưởi da xanh đúng loại vẫn bị “cháy” hàng ngay cả thời điểm chính vụ. Thậm chí, thương lái còn tranh nhau đặt nhà vườn trước cả tháng để cung ứng cho bạn hàng. “Hơn 10 năm buôn trái cây nhưng chưa bao giờ tôi thấy bưởi da xanh bị ế”, chị Trần Thị Hồng Hạnh, thương lái ở chợ Gò Quán, TP. Quảng Ngãi chia sẻ.

Đầu vào hạn hẹp

Cùng với bưởi da xanh, nông dân huyện Nghĩa Hành cũng bước đầu thành công với cây chôm chôm. Tại xã Hành Thiện, cây chôm chôm được người dân tận dụng trồng quanh vườn nhà. Chẳng biết vì “hợp” đất, hay do được chăm sóc kỹ mà chôm chôm ở đây rất sai quả. Khi chín, vỏ quả có màu đỏ tươi rất đẹp, cơm giòn, vị ngọt thanh nên được bạn hàng ưa chuộng. Những lúc cao điểm, giá mỗi ký chôm chôm đạt mức 25.000 – 30.000 đồng. “Một cây chôm chôm có thể cho cả tạ quả. Mỗi nhà chỉ cần vài cây là không lo thiếu tiền đi chợ rồi”, bà Nguyễn Thị Mai, thôn Phú Lâm, xã Hành Thiện cho hay.

Dù mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng hiện giờ diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún và chưa thoát cảnh “nông hộ”. Nghĩa là nông dân trồng cây ăn quả với tâm lý “thêm tiền đi chợ”, chứ chưa mạnh dạn đầu tư sản xuất theo hướng chuyên canh hàng hóa để làm giàu. Ngay như huyện Nghĩa Hành, địa phương được Sở KH&CN chọn triển khai thực hiện Đề tài "Bình tuyển cây đầu dòng và thực hiện nhân giống vô tính một số cây ăn quả sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh tại huyện Nghĩa Hành” từ năm 2009, nhưng hiện giờ, diện tích trồng cây ăn quả cũng chỉ dừng lại ở con số 23ha, lại phân bổ rải rác ở 12 xã, thị trấn (bình quân 1,9ha/xã) nên chưa tạo được sự liên vùng. Hơn nữa, diện tích vườn trồng cây ăn quả chỉ có 500m2 (nếu hai hộ liền kề) hoặc 1.000m2/hộ được đánh giá là “quá nhỏ lẻ”.

Theo kỹ sư Lê Văn Chính - Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện Nghĩa Hành thì: “Hạn hẹp về diện tích chính là rào cản lớn nhất hiện nay của cây ăn quả”. Để khắc phục điều này, Dự án khuyến khích các hộ hoặc liên hộ có diện tích vườn dưới 5.000m2 thì nên trồng một loại cây để tạo sự tập trung, thuận lợi trong thu hoạch. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài, muốn thu lợi bền vững từ cây ăn quả, kỹ sư Lê Văn Chính cho rằng “nhất thiết phải mở rộng quy mô bằng cách tích tụ diện tích; đồng thời khuyến khích sản xuất theo hướng trang trại”.  
 

Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.