Minh Long: Tập trung cải tạo ruộng chua phèn

01:02, 25/02/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Áp dụng các mô hình trình diễn cải tạo ruộng chua phèn giúp người dân tăng năng suất lúa là hoạt động đã và đang được huyện Minh Long đẩy mạnh thực hiện trong vòng 5 năm trở lại đây.

TIN LIÊN QUAN

Hiệu quả rõ rệt

“Đất chua phèn thường tập trung ở các vùng trũng được bồi đắp bởi các lưu vực sông, suối. Vì vậy, với địa hình xung quanh là núi có độ dốc cao, còn đồng ruộng thì ở dưới thấp, nên hầu hết các diện tích ruộng trên địa bàn huyện bị nhiễm chua phèn", ông Nguyễn Linh Quý - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Minh Long chia sẻ lý do phải đẩy mạnh cải tạo ruộng chua phèn trên địa bàn huyện.

Mô hình cải tạo ruộng chua phèn đã giúp người dân miền núi Minh Long nâng cao năng suất, thay đổi tập quán sản xuất.
Mô hình cải tạo ruộng chua phèn đã giúp người dân miền núi Minh Long nâng cao năng suất, thay đổi tập quán sản xuất.


Đều đặn hàng năm, huyện Minh Long đầu tư xây dựng các mô hình trình diễn cải tạo ruộng chua phèn tại 5 xã trên địa bàn huyện với diện tích khoảng 10ha. Trong đó, phương pháp rửa chua phèn được áp dụng chủ yếu là dùng vôi và lân nên kinh phí chỉ dao động từ 15 – 17 triệu đồng/ha. Vừa cải tạo ruộng chua phèn, Trạm Khuyến nông huyện Minh Long còn kết hợp hướng dẫn cho người dân sử dụng các giống lúa phù hợp với địa hình, khí hậu của từng nơi. Đối với các xã Thanh An, Long Mai, Long Sơn, Long Hiệp, vì nhiệt độ tương đối ổn định nên cán bộ khuyến nông hướng dẫn người dân sử dụng giống lúa Khang dân đột biến. Riêng Long Môn, thì giống lúa DH 9981 được huyện khuyến cáo người dân sử dụng để thích nghi với khí hậu lạnh tại địa phương. Nhờ đó năng suất lúa tại các ruộng đã được cải tạo chua phèn tăng từ 6,4 – 13,8 tạ/ha so với năng suất lúa đại trà.

Tạo sự lan tỏa

Thấy được hiệu quả rõ rệt từ phương pháp cải tạo ruộng chua phèn, nên kể cả khi mô hình trình diễn kết thúc, có đến 80% nông dân trong nhóm cùng sở thích của các thôn trên địa bàn 5 xã nắm những kỹ thuật cơ bản về cách thức cải tạo ruộng để về áp dụng trong ruộng nhà mình.

Tại nhiều xứ đồng, mô hình trình diễn cải tạo ruộng chua phèn không chỉ nâng cao năng suất mà còn góp phần giúp người dân thay đổi hẳn tập quán sản xuất lạc hậu, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bà Đinh Thị Có, thôn Làng Giữa, xã Long Môn, phấn khởi nói:  Trước đây một sào ruộng cùng lắm gia đình tôi cũng chỉ thu hoạch được 2 – 3 bao lúa tươi. Nhưng sau khi huyện thực hiện mô hình trình diễn; cũng đám ruộng đó, mà cán bộ Trạm Khuyến nông huyện làm được năng suất cao gấp 2 – 3 lần, gia đình tôi liền học hỏi và làm theo. Nhờ đó, mà giờ với một sào ruộng tôi có thể thu hoạch được 7 bao lúa tươi.

"Nếu như nhiều năm trước, 6ha đất canh tác ở cánh đồng làng Lơn luôn nằm trong “danh sách” những xứ đồng sản xuất kém hiệu quả, thậm chí có nhiều vụ, người dân còn bỏ ruộng vì điều kiện đi lại khó khăn, năng suất lại thấp. Nhưng sau khi Trạm Khuyến nông huyện tiến hành thực hiện mô hình trình diễn sản xuất lúa nước và cải tạo ruộng chua phèn tại cánh đồng làng Lơn vào năm 2014, người dân bắt đầu thay đổi phương thức canh tác, thực hiện theo sự hướng dẫn của cán bộ trạm và khuyến nông viên của xã…", ông Đinh Công Bênh - Chủ tịch UBND xã Long Môn cho biết.

Trước những hiệu quả bước đầu từ mô hình sản xuất lúa và cải tạo ruộng chua phèn, trong thời gian đến, huyện Minh Long sẽ tiếp tục triển khai, nhân rộng mô hình nhằm giúp người dân cải thiện năng suất lúa, tăng thu nhập.
                     

   Bài, ảnh: Ý THU
 


.