Xây dựng nông thôn mới: Kinh nghiệm 5 năm

02:01, 06/01/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bên cạnh những kết quả nổi bật, việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011 – 2015 trên địa bàn tỉnh bộc lộ nhiều tồn tại, khiếm khuyết cần sớm tháo gỡ, giải quyết...         

TIN LIÊN QUAN

Một số tiêu chí chưa phù hợp   
                                            

“Thời gian tới, các địa phương cần tập trung rà soát, quy hoạch, bổ sung để kiến nghị tỉnh, Trung ương điều chỉnh một số tiêu chí như chợ nông thôn, điện, cơ sở vật chất văn hóa... cho phù hợp với nhu cầu thực tế, tránh lãng phí”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình NTM tỉnh Phạm Trường Thọ khẳng định.

 Nhà máy sản xuất gạch không nung Phú Điền tại xã Hành Minh (Nghĩa Hành).
Nhà máy sản xuất gạch không nung Phú Điền tại xã Hành Minh (Nghĩa Hành).


Thực tế sau 5 năm xây dựng NTM, một số tiêu chí chưa phù hợp với yêu cầu. Ví dụ như cơ sở vật chất văn hóa. Theo đó, mỗi xã phải có một nhà văn hóa (NVH), một khu thể thao trong khi những hạng mục này đều đã có ở các thôn. Điều này khiến phần lớn NVH xã xây xong rồi... đóng cửa!. Thậm chí một số NVH “rỗng ruột”, vì xã không có kinh phí để mua sắm trang thiết bị, bàn ghế.

Đối với tiêu chí số 15 về giáo dục. Ông Đoàn Dụng - Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng, phấn đấu đạt chuẩn quốc gia ở các bậc học là cần thiết. Song, không vì mục đích đạt NTM mà thực hiện công nhận trường đạt chuẩn quốc gia diễn ra dễ dãi. Bởi, “trường đạt chuẩn quốc gia phải gắn với nâng cao chất lượng dạy và học; đầu tư hoàn thiện trang thiết bị, hạ tầng giáo dục, chứ không phải công nhận để lấy tiếng”, ông Dụng bày tỏ.

Trong khi đó, tiêu chí số 7 về chợ nông thôn đã được Chính phủ sửa đổi “chợ theo quy hoạch, đạt chuẩn theo quy định”. Nhưng Đề án xây dựng NTM của một số xã vẫn “cố” xây mới chợ dù người dân địa phương ít, thậm chí không có nhu cầu. Chia sẻ kinh nghiệm này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ cho rằng, chợ khác với trường học. Chợ to, đẹp chưa chắc người dân đã đến họp nếu không thuận lợi cho việc giao thương, buôn bán. Do đó “trước khi quy hoạch chợ, chính quyền phải lấy ý kiến người dân. Tuyệt đối không được quy hoạch cho có, rập khuôn”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ nhấn mạnh.
 

Tại buổi họp bàn kế hoạch công tác năm 2016 của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi (NTM) vào sáng 31.12.2015. 100% thành viên BCĐ đã bỏ phiếu xét công nhận xã Đức Nhuận (Mộ Đức) đạt chuẩn NTM trong năm 2015 kèm phần thưởng 1 tỷ đồng của UBND tỉnh. Mục tiêu đến cuối năm 2016, toàn tỉnh phấn đấu có 15 xã đạt chuẩn NTM.
 

Thách thức nguồn lực

Năm 2016, toàn tỉnh phấn đấu có 15 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, bình quân số tiêu chí/xã là 11 tiêu chí và không có xã nào dưới 3 tiêu chí. Để đạt mục tiêu trên, đảm bảo 15 xã về đích NTM đúng lộ trình thì nhu cầu vốn đầu tư cần đến 340 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Ban Chỉ đạo NTM tỉnh, khả năng hiện có của tỉnh chỉ 65 tỷ đồng, nghĩa là còn thiếu 275 tỷ đồng. Hơn nữa, kinh phí thực hiện cơ chế hỗ trợ xi măng là 120 tỷ đồng (tương ứng 70.000 tấn xi măng). Vấn đề này, Phó Giám đốc Sở GTVT Lê Nhân đề nghị Ban Chỉ đạo NTM cần rà soát quy hoạch, tính khả thi và cân đối nguồn lực sẵn có của các xã. Tránh tình trạng xã đăng ký ồ ạt, vượt quá khả năng, dẫn đến chuyện nhận xi măng rồi sau đó trả lại! Đơn cử như huyện Sơn Hà. Năm 2015, địa phương này đăng ký và được tỉnh phân bổ hơn 1.000 tấn xi măng, nhưng chỉ thực hiện được 50%, số còn lại trả cho Sở GTVT. “Điều này gây khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng NTM chung của toàn tỉnh”, ông Nhân cho hay.

Để tháo gỡ những khó khăn này, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình NTM giai đoạn 2016 – 2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp phải xem công tác xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và gắn với phong trào thi đua của đơn vị; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, nắm bắt đầy đủ ý nghĩa, mục đích của chương trình NTM để bà con chủ động tham gia góp sức; lồng ghép tốt các nguồn lực của Nhà nước, xã hội cũng như quan tâm bố trí ngân sách nhà nước các cấp để đầu tư xây dựng chương trình; kịp thời ban hành những cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân thi đua góp sức xây dựng NTM.

Với những kinh nghiệm có được sau 5 năm thực hiện, cùng với sự nỗ lực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hy vọng rằng giai đoạn 2016 – 2020, tiến trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh sẽ có nhiều khởi sắc hơn.


Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.