Đồng hành cùng doanh nghiệp

07:01, 12/01/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2015 khép lại, Quảng Ngãi đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội. Những kết quả trên có sự đóng góp rất lớn từ các doanh nghiệp (DN) đóng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở KKT Dung Quất và các KCN của tỉnh. Về phía lãnh đạo tỉnh và các sở, ban ngành cũng hết sức quan tâm và luôn đồng hành cùng DN trong quá trình phát triển.

TIN LIÊN QUAN

 

Bài, ảnh: PHẠM DANH   Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng tặng quà cho doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 2015.
Bài, ảnh: PHẠM DANH Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng tặng quà cho doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 2015.

 

“Chủ động gõ cửa các nhà đầu tư có tiềm năng”

“Chúng ta không phải chờ nhà đầu tư tìm tới mà phải chủ động tìm đến các nhà đầu tư. Bởi chúng ta biết rõ quy hoạch ngành nào, nghề nào, lĩnh vực nào cần có ưu tiên; đồng thời hướng đến hình thành các cụm ngành. Ở KKT Dung Quất chúng ta đã có Nhà máy lọc dầu, nên cần thêm các sản phẩm phát triển sau lọc dầu. Rồi trong tương lai ở đây sẽ có dự án đưa khí vào bờ, thì phát triển các sản phẩm hóa khí, để qua đó thành lập các cụm ngành về lọc dầu, khí, công nghiệp nặng... Do đó chúng ta phải chủ động gõ cửa các nhà đầu tư, DN có khả năng tham gia các cụm ngành này để tạo ra chuỗi giá trị gia tăng cao”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Như Sô, nói.

Vượt khó

Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng và Kinh doanh dịch vụ Quảng Ngãi (QISC) trước đây là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ban Quản lý KKT Dung Quất. Đây là đơn vị chuyển đổi thí điểm trong cả nước từ đơn vị sự nghiệp sang DN (từ tháng 1.2010); sau đó tiếp tục hợp nhất hai công ty phát triển hạ tầng các KCN Quảng Ngãi và KKT Dung Quất thành QISC như hôm nay.

Ông Nguyễn Xuân Vinh - Phó Giám đốc QISC cho biết: Quá trình hợp nhất hai công ty và tiếp nhận thêm hàng chục người từ Ban quản lý dự án tỉnh, Công ty gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, ở Phân khu công nghiệp Sài Gòn - Dung Quất nhiều nhà đầu tư hoạt động cầm chừng, nên một số dịch vụ ở phân khu không hiệu quả. Để giải quyết khó khăn trên, QISC đã nhạy bén chuyển đổi hoạt động và sử dụng số lao động hợp nhất một cách hiệu quả. Công ty đã xây dựng kế hoạch 5 năm trình chủ sở hữu duyệt để thực hiện. Ngoài hoạt động ở khu công nghiệp, đơn vị còn tăng cường lĩnh vực thi công xây lắp. Đến nay, công ty đã có năng lực kinh nghiệm và có thể nhận những công trình xây lắp 50 -70 tỷ đồng.  Đặc biệt, thời gian gần đây QISC tiếp tục mở rộng mạng lưới hoạt động, phát triển kinh doanh xăng dầu và khí hóa lỏng. Trong 6 tháng gần đây, đã cho ra thương hiệu khí hóa lỏng LPG, nhãn hiệu là Hoàng Sa gas. Nguồn gas lấy từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Kết quả đạt được là QISC đã bảo toàn được vốn của Nhà nước tại công ty và hoàn thành các chỉ tiêu UBND tỉnh giao. Sau khi hợp nhất, từ năm 2012 - 2015, nhờ phát triển những ngành nghề kinh doanh mới, nên tăng trưởng của Công ty gấp 3,5 lần. Các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách năm sau luôn cao hơn năm trước.

Ngoài QISC còn có rất nhiều DN Quảng Ngãi đã nỗ lực vượt khó để đạt được thành công, nhất là các DN đứng chân trên địa bàn KKT Dung Quất. Tại đây, các DN đã sản xuất ra các sản phẩm hóa dầu, sau hóa dầu, cơ khí, gỗ dăm, gỗ tinh chế, viên nén sinh học, gia công và sửa chữa tàu biển, dịch vụ cảng, vận chuyển, kho bãi, nhà hàng, khách sạn... Linh kiện nhập khẩu để sản xuất và xuất bán sản phẩm chủ yếu sang thị trường các nước ở Đông Bắc Á, Châu Âu, Mỹ... Đặc biệt trong năm 2015, một số dự án thứ cấp đầu tư tại KCN VSIP Quảng Ngãi đã đi vào vận hành, bước đầu cho ra một số sản phẩm mới như giày da, dệt, nhuộm, nước uống đóng chai đã mở ra diện mạo mới tại KKT Dung Quất.

Sát cánh với doanh nghiệp

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Như Sô cho biết, trong năm 2015, các DN trong tỉnh phải đối diện với nhiều khó khăn. Theo báo cáo của cơ quan thuế, đến nay toàn tỉnh có 5.325 DN đăng ký hoạt động, trong đó có 3.757 DN hoạt động. Nhưng năm 2015 có 72 DN tạm dừng hoạt động, 71 DN tự giải thể và 180 DN bỏ địa chỉ kinh doanh. Những con số ấy cho thấy, DN của Quảng Ngãi chủ yếu là DN nhỏ và vừa, đang hết sức khó khăn.

Trong báo cáo đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2015, cũng đã rút ra những bài học kinh nghiệm hết sức sâu sắc trong quá trình hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN. Và trong 9 nhóm giải pháp thuộc lĩnh vực kinh tế tỉnh đề ra năm 2016, có giải pháp là tiếp tục “đổi mới cơ chế xúc tiến đầu tư; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và hỗ trợ phát triển DN”.  

Với đổi mới xúc tiến đầu tư, tỉnh sẽ chú trọng các nhà đầu tư (NĐT) hiện có ở KKT Dung Quất và các khu, cụm công nghiệp của tỉnh. Tạo điều kiện cho các NĐT này phát triển sản xuất, mở rộng sản xuất và là đầu tàu để lan tỏa kêu gọi các NĐT khác. Với cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI): Năm 2013, Quảng Ngãi xếp ở vị trí thứ 7, nhưng đến năm 2014 tụt xuống thứ 20. Do đó cần phải cải thiện các tiêu chí bị sụt giảm, như tiêu chí về tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, chi phí không chính thức; tính năng động và cạnh tranh bình đẳng. Vấn đề đặt ra là phải thu hẹp khoảng cách giữa các cơ quan quản lý nhà nước và DN. Còn đối với vấn đề hỗ trợ DN, yêu cầu đặt ra là phải cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính. Đây cũng là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh đặt ra trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.

Cùng với cải cách thủ tục hành chính, về mặt cơ chế chính sách thì phải phát huy tối đa những cơ chế chính sách thuộc thẩm quyền của tỉnh. Như nhóm cơ chế về đất đai, chúng ta tạo ra quỹ đất sạch để giao cho các NĐT, giảm thiểu thời gian tiếp cận đất đai của NĐT. Hoặc nhóm cơ chế chính sách hỗ trợ sau đầu tư, như hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, lao động cho các DN. Ngoài ra còn phải đồng hành với DN trong xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại và tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho NĐT, DN.


 


.