Cận Tết, lãi suất ngân hàng đua nhau tăng

03:01, 15/01/2016
.

Nhằm thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong nhân dân, nhiều ngân hàng thương mại đã tiếp tục tăng lãi suất huy động thêm 0,1 – 0,2%/năm ở nhiều kỳ hạn khác nhau.
 
Đến hẹn lại lên, mỗi khi vào dịp sát Tết, lãi suất huy động tại các ngân hàng lại được điều chỉnh tăng. Động thái này được xem là nhằm thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong nhân dân để đáp ứng nhu cầu vốn cuối năm của các doanh nghiệp.
 


Theo đó, Ngân hàng Bản Việt (VietCapitalBank) vừa công bố bảng lãi suất mới với mức tăng từ 0,1 – 0,2%. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 6, 7, 8 tháng tăng lên 6,7%; kỳ hạn 9 - 11 tháng lên 6.9%. Riêng các kỳ hạn khác tiếp tục được giữ nguyên như mức cũ.
 
Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng công bố triển khai chương trình khuyến mãi “Gửi dài lâu, thêm tài lộc” dành riêng cho khách hàng gửi tiền VNĐ từ 15 tháng với lãi suất lên đến 7,6%/năm.
 
Trong đó, với khoản tiền dưới 1 tỷ áp dụng cho kỳ hạn 15 và 18 tháng sẽ có lãi suất là 7,2%/năm; 24 và 36 tháng là 7,3%. Từ 1 tỷ - dưới 10 tỷ là 7,4% cho kỳ hạn 15 – 18 tháng; 7,5%/năm áp dụng cho kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng.
 
Trước đó, trong ngày đầu tiên của năm mới, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cũng tăng lãi suất huy động thêm 0,2%/năm. Cụ thể, kỳ hạn 1 tháng tăng từ mức 4,18% lên 4,38%, kỳ hạn 3 tháng cũng tăng từ 4,54% lên 4,74%.
 
Cùng với LienVietPostBank, Ngân hàng Phát triển TPHCM (HDBank) cũng công bố lãi suất huy động mới áp dụng từ ngày đầu tiên năm 2016. Trong đó, lãi suất huy động kỳ hạn 1, 2 tháng tăng thêm 0,1%, lên mức tương ứng là 5,08% và 5,06%; kỳ hạn 3 tháng tăng 0,09%/năm, từ mức 5,04% lên 5,13%; kỳ hạn 4, 5 tháng tăng 0,1% lên tương ứng 5,11% và 5,09%.
 
2016: Lãi suất sẽ "đi ngang"?
 
Mặc dù lãi suất huy động những tháng cuối năm đang có xu hướng đi lên, nhưng theo các chuyên gia, mặt bằng lãi suất của năm 2016 sẽ không có nhiều biến động.
 
Theo ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia tài chính ngân hàng, trong năm 2016 mặt bằng lãi suất cơ bản sẽ đi ngang, có nghĩa là khả năng tăng và giảm không cao.
 
Lý giải về lập luận này, ông Lực cho rằng, có 3 lý do chính để nhận xét mặt bằng lãi suất sẽ đi ngang trong năm 2016. Trong đó, áp lực lạm phát có thể tăng trở lại và có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào, trong bối cảnh giá cả thế giới với sự phục hồi kinh tế thế giới năm tới tốt hơn. Giá cả hàng hóa thế giới trong năm tới có thể tăng trở lại, trong đó có cả  giá dầu. Điều này sẽ tạo áp lực lạm phát trong nước.
 
Theo ông Lực, trong năm 2015, lượng vốn cung ứng cho nền kinh tế khá nhiều, cả tín dụng, đầu tư, rõ ràng độ trễ cho năm tới sẽ áp lực lên lạm phát. Cùng với đó, đồng đô la Mỹ vẫn tiếp tục được dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, kể cả năm 2016.
 
“Một số tổ chức quốc tế đã dự báo rằng đồng nhân dân tệ năm 2016 có thể mất giá 5%, thậm chí là hơn một chút. Điều này sẽ gây áp lực tỷ giá đối với hệ thống tài chính của Việt Nam. Không những thế, khi mà Trung Quốc quốc tế đồng nhân dân tệ thì họ sẽ phải điều chỉnh tỷ giá linh hoạt hơn nữa, khi đã điều chỉnh linh hoạt thì chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng đến thị trường tài chính của Việt Nam, trong đó có tỷ giá”, ông Lực chia sẻ.
 

Theo Yến Nhi (VnMedia)

 


.