Bảo vệ đất trồng lúa: Chính sách chưa đồng bộ với thực thi

08:01, 05/01/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chính sách quản lý và sử dụng đất trồng lúa được quy định rõ và có hiệu lực thi hành từ năm 2012. Tuy nhiên, việc thực thi chính sách này đến nay vẫn chưa có chuyển biến tích cực.

TIN LIÊN QUAN

Đất trồng lúa hẹp dần

Hiện Quảng Ngãi có khoảng 38.000ha đất trồng lúa. Trong cơ cấu kinh tế, ngành nông nghiệp chỉ chiếm 14 - 15% và theo định hướng phát triển kinh tế của tỉnh, nông nghiệp không phải là mũi nhọn. Tuy nhiên, việc bảo vệ đất trồng lúa đóng vai trò đặc biệt quan trọng, nhằm đảm bảo an ninh lương thực cho hơn 1,2 triệu dân trong tỉnh.

Mùa gặt trên cánh đồng Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi).
Mùa gặt trên cánh đồng Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi).


Trước yêu cầu phải dành đất cho hoạt động chỉnh trang đô thị, phát triển hạ tầng, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa... thì đất trồng lúa đang bị mất dần. Theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các địa phương, thời gian đến mỗi năm có khoảng 400 - 500ha đất trồng lúa sử dụng cho mục đích khác. Ðất trồng lúa thu hẹp đã và đang tác động lớn đến đời sống nông dân.

Các khu công nghiệp được đầu tư xây dựng vừa phục vụ phát triển dân sinh, vừa thu hút đầu tư đã giải quyết việc làm cho lao động nông nghiệp, giảm sức ép dư thừa trong lao động ở nông thôn. Nhờ đó, đời sống người dân dần nâng lên, diện mạo nông thôn có những thay đổi. Tuy nhiên, việc chuyển đổi ồ ạt đất trồng lúa sang mục đích khác đang bộc lộ nhiều hạn chế. Ông Lê Trung Thành - Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa cho biết: "Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đi qua địa phận Tư Nghĩa có trên 1.600 hộ dân bị ảnh hưởng, hàng trăm hécta đất nông nghiệp, đất trồng lúa phải nhường cho dự án. Thế nhưng bài toán ổn định chỗ ở, tìm việc làm cho số nông dân không còn đất... vẫn còn chưa đâu vào đâu. Huyện lo lắm!".

Chính sách phải gắn với đời sống

Không phủ nhận việc chuyển đổi đất trồng lúa đã tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, phá thế độc canh cây lúa, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân vùng nông thôn. Ðáng chú ý là, việc chuyển đất trồng lúa sang mục đích phi nông nghiệp đã góp phần nâng giá trị sử dụng đất lên hàng chục, thậm chí hàng trăm lần. Thu nhập từ đất trồng lúa bình quân chỉ khoảng 10 triệu/ha, nhưng đất khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có thể tạo ra giá trị hàng trăm triệu đồng, thậm chỉ cả tỷ đồng mỗi hec-ta. Tuy nhiên, việc tính toán đến cuộc sống của những nông dân sống dựa vào ruộng đồng nay không còn ruộng nữa thì vẫn chưa được giải quyết thấu đáo, đặc biệt là tạo việc làm cho người mất đất.

Sau 3 năm thực hiện Quyết định số 52/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh mới  đào tạo nghề cho 138 lao động, giải quyết việc làm cho 150 lao động thuộc hộ bị thu hồi đất tại các địa phương Bình Sơn, Sơn Tịnh - nơi có Khu Kinh tế Dung Quất và Khu Công nghiệp VSIP. Còn lại các dự án như đường, trường, trạm triển khai thực hiện ở trong các khu dân cư nông thôn thì hiện chưa có thống kê chính thức.

Việc nông dân sau khi nhường đất cho dự án, không còn tư liệu sản xuất, nhưng không thể tìm được việc làm trong các nhà máy, xí nghiệp tọa lạc trên đất cũ của mình có nhiều nguyên nhân. Trong đó do họ có tuổi cao, không trình độ; nhưng cũng có cả lý do thiếu trách nhiệm của chính quyền và chủ dự án.

Đối với đất trồng lúa, việc thực hiện chính sách "hỗ trợ 500.000 đồng/ha" theo Nghị định 42/2012/NĐ-CP của Chính phủ, có hiệu lực thi hành từ 1.7.2012 đến nay vẫn chưa thực hiện. Khi chính sách này ban hành, nông dân trong tỉnh rất hồ hởi đón đợi. Song, sau hơn 3 năm, việc hỗ trợ vẫn chỉ là... quy định trong văn bản. Tại nghị định này còn quy định, để bảo vệ đất lúa nghiêm cấm hành vi bỏ hoang đất trồng lúa nước từ 12 tháng trở lên, nếu không phải do thiên tai bất khả kháng. Vậy nhưng, hiện tại ở Quảng Ngãi có không ít diện tích đất trồng lúa bỏ hoang rất nhiều năm mà chẳng ai nhắc nhở.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng đã ban hành văn bản thúc đẩy thực hiện quy hoạch sử dụng đất cho công trình, dự án năm 2016. Trong đó có điểm mới và đang được kỳ vọng là sẽ tạo ra bước đột phá trong bảo vệ đất nông nghiệp. Đó là lập đề án việc làm cho người bị thu hồi đất ngay khi hình thành và đưa vào dự án để triển khai đồng bộ. Đồng thời, ngoài hỗ trợ đào tạo nghề, chủ dự án còn phải đóng một khoản tiền để thực hiện chính sách bảo vệ đất nông nghiệp, trong đó có đất trồng lúa. Đó là việc cần làm để thiết thực đưa chính sách bảo vệ đất trồng lúa đi vào thực tế cuộc sống.

Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.