Trồng rừng theo chuẩn quốc tế

09:12, 26/12/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Từ chỗ trồng rừng theo kiểu mạnh ai nấy làm, bán keo khi chưa đủ tuổi nhiều người dân đã kiên trì chăm sóc, tuân thủ theo tiêu chí, tiêu chuẩn, quy định của chứng chỉ FSC (chứng chỉ đạt tiêu chuẩn quốc tế về quản lý rừng bền vững).

TIN LIÊN QUAN

10 nguyên tắc và 56 tiêu chí

Chiều muộn, khu rừng rộng hàng trăm héc ta trồng theo chứng chỉ FSC thuộc khu vực thôn Tú Sơn 1, xã Đức Lân (Mộ Đức) vẫn đông người phát dọn thực bì. Cả khu rừng rộn ràng tiếng hót của bầy chim quyện vào như một bản hòa âm.

Trước mắt là những rừng keo, bạch đàn thẳng đều tăm tắp, cây to, thực bì được phát dọn sạch sẽ. Trồng rừng theo chứng chỉ FSC, người trồng rừng đã thay đổi hẳn tập quán trồng rừng theo kiểu cũ.

Dẫn chúng tôi đi tham quan rừng keo, ông Nguyễn Văn Đình- Trưởng nhóm FSC của xã Đức Lân chia sẻ: “Trồng rừng FSC tiêu chí đầu tiên là phải nói không với lửa, nghĩa là cấm đốt thực bì. Đây là tiêu chí nghiêm ngặt nhất, ai không tuân thủ sẽ bị loại ra khỏi Dự án”.

Tỏ vẻ khá am tường về kỹ thuật trồng rừng FSC, ông Nguyễn Văn Lai- một người trồng rừng nói chen vào: “Trước kia khai thác xong là đốt, giờ tuyệt đối không được đốt, phát dọn thực bì rồi trồng theo hố trồng. So với cách làm cũ, tui thấy cách này hay thiệt, vừa giữ ẩm cho cây, tốt cho đất, vừa không gây xói mòn, cây lớn nhanh thấy rõ”.

Trồng rừng theo chuẩn quốc tế là mục tiêu của Dự án WB3 được triển khai từ năm 2005 tại nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có Quảng Ngãi. Tại Quảng Ngãi, Dự án trồng 13.800ha rừng ở 5 huyện Ba Tơ, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Trà Bồng, Bình Sơn và thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ kỹ thuật đem lại lợi ích thiết thực cho các hộ dân tham gia.

 

Cánh rừng được công nhận chuẩn quốc tế tại xã Đức Lân.
Cánh rừng được công nhận chuẩn quốc tế tại xã Đức Lân.

 

Người dân khi tham gia Dự án được tập huấn rất kỹ, từ khâu trồng, chăm sóc đến khai thác đều phải bảo đảm các tiêu chuẩn nghiêm ngặt dưới sự giám sát, kiểm tra, đánh giá của các chuyên gia của FSC. Để đạt tiêu chuẩn FSC hoàn toàn không dễ. Người trồng phải cam kết và tuân thủ 10 nguyên tắc và 56 tiêu chí nghiêm ngặt về lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội.

Trong đó, có những tiêu chí nghiêm ngặt như: Hàng cách hàng 2-3 mét, cây cách cây 2m, không được đốt thực bì, bảo vệ được dòng chảy tự nhiên, không được sử dụng hóa chất, không được sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học gây hại môi trường, cấm săn bắt động vật hoang dã.

Không được dùng máy cày, san ủi đất vì như thế sẽ ảnh hưởng đến thực bì, làm nghèo chất dinh dưỡng trong đất, giữ lại trên 5% cây bản địa; không được để lại dấu tích của xe cộ khi khai thác.

Không sử dụng lao động dưới 18 tuổi, bảo đảm an toàn lao động. Các lô rừng này không xâm hại đến lợi ích của người khác,… Đặc biệt, rừng phải khai thác đúng thời hạn cam kết, bảo đảm nguyên tắc không khai thác quá 10ha mỗi lần và gỗ phải bán cho các doanh nghiệp được FSC cấp chứng chỉ thu mua nhằm sản xuất những mặt hàng xuất khẩu.

Lợi kép

Sau 10 năm triển khai thực hiện, Dự án đã chính thức khép lại. Hiện toàn tỉnh có 315ha rừng của hơn 100 hộ dân được cấp chứng chỉ FSC. Chứng chỉ FSC được xem là giấy thông hành cho sản phẩm, hình thành chuỗi liên kết, kết nối các khu rừng với thị trường nội thất gỗ toàn cầu, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và môi trường rừng.

 

Cùng với trồng rừng nguyên liệu, bà con còn trồng những loài cây gỗ quý ven đường biên.
Cùng với trồng rừng nguyên liệu, bà con còn trồng những loài cây gỗ quý ven đường biên.


“Không riêng gia đình tôi mà các hộ tham gia dự án đều nhận thấy được lợi rất lớn từ việc tham gia trồng rừng có chứng chỉ FSC đem lại, vừa có thu nhập cao, vừa bảo vệ môi trường”- ông Lê Văn Lai nói.

So với trồng rừng bình thường, cây bán gỗ dăm khoảng 1-1,1 triệu đồng/tấn thì trồng rừng đạt chứng chỉ FSC có lợi hơn nhiều, gỗ có đường kính 10- 15cm được bán với giá 1,4 triệu đồng/tấn; từ 15- 20cm có giá 1,8 triệu đồng/tấn và đường kính hơn 20cm có giá 2,5 triệu đồng/tấn.

Ông Đình cho hay, gia đình ông có 6 ha keo trồng từ năm 2005 đến năm 2013 thu hoạch, mặc dù rừng ở độ dốc lớn, nhưng vẫn thu hoạch được tới hơn 700 tấn, so với trồng rừng kiểu cũ tăng khoảng 30%. Song với trồng rừng nguyên liệu, ông còn trồng cây lim xanh ở đường biên để nâng cao giá trị trên cùng một đơn vị diện tích.

Ông Nguyễn Tươi- Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án WB3 cho biết, dù Dự án đã kết thúc, nhưng với những kết quả đạt được đã giúp người dân thấy được hiệu quả. Hiện nay, các hộ trồng rừng đang tiếp tục chuyển đổi mô hình trồng rừng gỗ nhỏ sang mô hình trồng rừng gỗ lớn theo chuẩn quốc tế. Đây là hướng đi mới trong tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.

Bài, ảnh: Ái Kiều
 


.