Săn hàng độc chơi Tết

08:12, 30/12/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tết đến, ai ai cũng có nhu cầu mua vài chậu hoa, cây cảnh để chưng Tết. Trong đó, cúc, mai, đào là ba loài hoa phổ biến nhất. Thế nhưng, năm nay giới sưu tầm đang đi săn lùng những món hàng rất độc như gỗ lũa có hình dáng tự nhiên, đá cảnh, gỗ lũa ghép lan.

TIN LIÊN QUAN

Nếu như trước đây, gỗ lũa thường được dân chơi tuyển về để đục đẽo và chế tác ra các tác phẩm nghệ thuật như: Tượng Di lặc, Quan Thế âm Bồ tát hay các con vật để chưng trong nhà, thì nay nhiều người đang lùng mua các gốc gỗ lũa đẹp một cách tự nhiên, chứ không qua đục đẽo.

 Ông Bửu đang chăm sóc tác phẩm kỳ lân cưỡi phụng.
Ông Bửu đang chăm sóc tác phẩm kỳ lân cưỡi phụng.


Có hơn chục năm kinh nghiệm chơi gỗ lũa, ông Lê Nhất, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) bảo, để sưu tầm được những gốc đẹp, có hình thù hấp dẫn như kỳ lân hay phụng, rồng mà thiên nhiên tạo ra là rất khó kiếm. “Mốt thời thượng bây giờ là phải sưu tầm được những món “hàng độc” như vậy mới “ăn nói” được, chứ đã qua “dao, kéo” rồi thì cũng bình thường. Muốn có hàng đẹp như con kỳ lân mi ni trên bàn tôi phải lên tận Tây Nguyên sưu tầm. Hàng độc không dễ kiếm chút nào”, ông Nhất nói.

Là người có tiếng trong nghề chơi hoa, cây cảnh, nhưng theo ông Lê Minh Bửu, chủ vườn lan Thiên Hà (Nghĩa Hành), để sở hữu một gốc lũa thuộc hàng độc thì không phải chuyện đơn giản, bởi hiện nay để sưu tầm phải vào rừng sâu, tìm những gốc cây đã mục và chỉ còn mỗi lõi. Nhưng hiện nay luật pháp nghiêm cấm việc đào gốc cây lớn trong rừng cũng như vận chuyển về đồng bằng, nên ai sở hữu được gốc lũa đẹp là rất tự hào.

“Ngoài chơi gỗ lũa tạc tượng thì người chơi gỗ còn ghép thêm lan rừng để tạo ra cho tác phẩm nghệ thuật đẹp hơn nên giá gỗ lũa tăng rất cao. Ngoài ra, dòng lan nghinh xuân rừng (có tên gọi khác là ngọc điểm) cũng đang khan hàng do quá trình khai thác quá mức nên giá cũng “đội” lên khoảng 30% so với chừng này năm trước. Như những gốc lũa của tôi chủ yếu là ghép nghinh xuân có xuất xứ từ Đài Loan và Thái Lan thôi”, ông Bửu cho biết.

Cũng theo ông Bửu, bên cạnh ghép lan thì những gốc lũa có giá cao thường chỉ có dân trong nghề mới hiểu hết được giá trị của nó. Chỉ tay về phía gốc gỗ lũa được ông đặt cái tên rất… kiếm hiệp là: Chim điêu đả hổ. Nếu không được “phổ cập” tôi và những khách hàng đang đi “săn” hàng chơi Tết khó mà nhận ra bức tranh ẩn trong khối gỗ gồ ghề.

“Chơi gỗ lũa dù ghép lan hay chơi thô thì người chơi phải có tư duy trừu tượng, phải có cái nhìn khác người một tý mới nhận ra được. Bên cạnh đó, việc ghép bao nhiêu cây lan lên thân gỗ cũng phải có chút hiểu biết về phong thủy, chứ không phải thích ghép bao nhiêu lan lên là được. Do đó, nhiều người đến cửa hàng “săn” hàng thường được tôi tư vấn rất kỹ”, ông Bửu tâm sự.

Tại vườn lan của ông Bửu, có đến cả trăm gốc gỗ lũa các loại và đã ghép lan nghinh xuân, nhưng ông Bửu cho biết, 2/3 số cây đã có người mua và họ đang gửi nhờ chăm hộ gần Tết sẽ mang về chơi. Nhiều gốc lũa gỗ muồn, lim độc đáo đã có chủ, ông Bửu cho biết giá thấp nhất là 1 triệu đồng, còn cao nhất là 20 triệu đồng.

Bên cạnh chơi gỗ lũa thì hiện nay rất nhiều người đang tìm đến thú chơi mới là những bức tượng bằng đá đa màu hoặc đá sông, suối có những đường vân lạ như những bức tranh. Anh Mai Ngọc Hoàng Anh, xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) vừa hoàn thành đợt “vượt rừng” lên Tây Nguyên trở về với một bức tượng đá ba thể mã não trông rất bắt mắt. Anh cho biết, săn được hàng độc này ở huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum). “Khi chuyển xuống tới TP. Kon Tum có người đã ra giá hơn 50 triệu đồng, nhưng tôi không bán. Để sở hữu được của quý này không phải chuyện dễ. Tiền có thể làm ra, nhưng bức tranh đá này thì khó lắm”, anh Hoàng Anh nói.

Bài, ảnh:LÊ ĐỨC
 


.