Nợ tạm ứng các dự án tăng cao

09:12, 29/12/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đến 31.10.2015, tổng dư nợ tạm ứng trên địa bàn tỉnh lên đến gần 900 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ quá hạn gần 77 tỷ đồng. Vì sao dư nợ tạm ứng lại tăng trong khi các công trình, dự án đầu tư đều được kiểm soát chặt chẽ?

TIN LIÊN QUAN

Nợ tăng do đâu?

Việc tập trung vốn để đầu tư các công trình xây dựng cơ bản (XDCB) trong thời gian qua là cần thiết. Tuy nhiên, công tác quản lý vốn đầu tư cũng như mời gọi nhà thầu chưa được giám sát chặt chẽ, dẫn đến nguồn vốn đầu tư bỏ ra nhiều, nhưng nhiều công trình dang dở, các nhà thầu thi công cầm chừng, không đáp ứng tiến độ.

Các dự án giao thông miền núi là những công trình có tỷ lệ nợ tạm ứng quá hạn cao.
Các dự án giao thông miền núi là những công trình có tỷ lệ nợ tạm ứng quá hạn cao.


Theo thống kê, toàn tỉnh có 163 dự án nợ tạm ứng với số tiền lên đến gần 900 tỷ đồng. Trong đó, các huyện nợ gần 144 tỷ đồng với 63 dự án, còn lại là của các Sở, ngành với 100 dự án, với tổng vốn dư nợ tạm ứng gần 755 tỷ đồng. Trong số các huyện nợ tạm ứng trong XDCB chiếm tỷ lệ lớn thì Tây Trà nợ hơn 14 tỷ đồng; Sơn Tây 12 tỷ đồng; Lý Sơn hơn 21 tỷ đồng. Đặc biệt, huyện Sơn Tịnh hơn 36 tỷ đồng. Còn với các sở ngành, Sở NN&PTNT hơn 12 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi hơn 22 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV ĐTXD&KDDV Quảng Ngãi hơn 34 tỷ đồng; Ban Quản lý KKT Dung Quất hơn 363 tỷ đồng.

Lý giải việc tổng dư nợ tạm ứng trong đầu tư XDCB năm 2015 tăng hơn 328 tỷ đồng so với năm 2014, ông Đặng Xuân Đồng - Phó Giám đốc Sở Tài chính cho rằng, nguyên nhân là do tổng kế hoạch vốn đầu tư XDCB năm 2015 tăng 23,9%. Ngoài ra, thực hiện Nghị định số 37/2015/NĐ-CP và công văn hướng dẫn của Bộ Tài chính khi mức tạm ứng được quy định tối đa là 50% giá trị hợp đồng ký kết.
 

Giải pháp giảm dư nợ tạm ứng


“Để giảm dư nợ tạm ứng cũng như thu hồi nợ cần phải đưa nội dung thực hiện công tác thu hồi vốn tạm ứng làm cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và bình xét thi đua, khen thưởng đối với cá nhân, tập thể. Đối với những dự án vi phạm và nhà thầu ứng vốn thi công, nhưng không hoàn trả đúng hạn theo quy định hiện hành sẽ công khai trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, cũng như kiên quyết không cho các nhà thầu tham gia dự thầu các công trình mới cho đến khi hoàn trả hết vốn tạm ứng quá hạn”, ông Đặng Xuân Đồng - Phó Giám đốc Sở Tài chính nói.

Lỗi do chủ đầu tư

Theo thống kê, dư nợ tạm ứng quá hạn trong những năm trước để lại đến nay gần 77 tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ tạm ứng. Trong số các dự án có nợ tạm ứng quá hạn tồn tại nhiều năm, vi phạm thời gian hoàn ứng phải kể đến là: Dự án đường Trà Phong-Gò Rô-Trà Bung (Tây Trà); thực hiện bồi thường GPMB để xây dựng Nhà máy thép Quảng Liên hơn 1,1 tỷ đồng; hồ chứa nước Hố Lã (Đức Phổ) hơn 8,5 tỷ đồng…

Theo Sở Tài chính, nguyên nhân là do trong quá trình triển khai dự án vướng mặt bằng thi công; năng lực nhà thầu yếu. Nợ tạm ứng quá hạn trong công tác bồi thường là do chủ đầu tư thực hiện rút kinh phí, hoặc chuyển kinh phí bồi thường cho cơ quan thực hiện công tác bồi thường chưa căn cứ vào sự chấp thuận của đối tượng được bồi thường, mà dựa trên kế hoạch vốn được bố trí và phương án bồi thường được phê duyệt, dẫn đến nhiều khoản kinh phí rút tạm ứng qua nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện chi trả. Một số chủ đầu tư chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước trong việc bảo lãnh tạm ứng hợp đồng XDCB.

Ngoài ra, nhiều chủ đầu tư quyết định mức tạm ứng cho nhà thầu, đơn vị bồi thường giải phóng mặt bằng và không làm hết trách nhiệm của mình, thiếu kiểm tra tình hình thực hiện vốn tạm ứng đối với các nhà thầu trước cũng như sau khi thực hiện ứng vốn, để xảy ra chậm thu hồi hoàn ứng, nợ quá hạn hoặc không thu hồi được vốn.

Làm gì để giảm dư nợ tạm ứng?

Việc các công trình, dự án đầu tư đến nay vẫn chưa hoàn thành việc hoàn nợ tạm ứng không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng đầu tư mà còn ảnh hưởng đến kế hoạch bố trí vốn đầu tư và xoay vòng vốn trong quá trình đầu tư. Do đó, việc siết chặt công tác đầu tư, đánh giá năng lực nhà thầu cần phải thực hiện một cách nghiêm túc để tránh gặp phải những nhà thầu có năng lực kém.

Theo ông Đặng Xuân Đồng - Phó Giám đốc Sở Tài chính, để giảm dư nợ tạm ứng cũng như không xảy ra việc nợ tạm ứng quá hạn tăng, các chủ đầu tư, đặc biệt là các đơn vị có dư nợ tạm ứng cần xây dựng kế hoạch và có giải pháp tổ chức thực hiện thu hồi dứt điểm các khoản ứng quá hạn của các dự án hiện nay còn tồn đọng. Đồng thời, Kho bạc Nhà nước Quảng Ngãi thường xuyên đôn đốc các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án thực hiện đúng quy định về tạm ứng và thu hồi tạm ứng, phối hợp với chủ đầu tư thực hiện kiểm tra vốn đã tạm ứng để thu hồi những khoản tạm ứng tồn đọng chưa sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích.

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC


 


.