Ngành nông nghiệp: Tiềm năng dồi dào, phát triển ì ạch (kỳ 1)

02:12, 19/12/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đảng và Nhà nước ta xác định: “Nông nghiệp là “bệ đỡ” của nền kinh tế”. Đối với Quảng Ngãi, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX cũng nhấn mạnh: “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của 5 năm đến”. Đáp lại sự quan tâm và kỳ vọng ấy, ngành nông nghiệp cả nước nói chung, Quảng Ngãi nói riêng đã gặt hái nhiều thành quả. Song sự phát triển của nông nghiệp vẫn chưa tạo được đột phá mạnh mẽ để bắt nhịp với quá trình hội nhập kinh tế vùng và quốc tế.

TIN LIÊN QUAN

Kỳ 1: Chính sách nhiều, sản phẩm ít


Trong 3 năm (2013 – 2015), Trung ương và tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành hàng loạt cơ chế chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, nhiều chính sách trong số này chưa phù hợp với điều kiện thực tế, quá trình thực thi bộc lộ bất cập, gây khó khăn cho đối tượng thụ hưởng.

 

 

“Cái vướng ở đây chính là chính sách có nhưng không có giải pháp thực thi. Nhiều chính sách ra đời nhưng thiếu sự kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức thực hiện của các cơ quan hữu quan. Hơn nữa, việc thực thi chính sách gắn liền với công tác quy hoạch trong sản xuất. Nhưng quy hoạch thế nào, ai thực thi nó, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đến đâu thì chưa được bàn bạc, mổ xẻ. Đã thế, các địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác quy hoạch nên mới xảy ra tình trạng quy hoạch “vênh” với thực tế. Ví như dưa hấu không được quy hoạch, nhưng nông dân vẫn ồ ạt trồng; còn bắp, lúa thì được khuyến khích, quy hoạch nhưng mãi không thấy vùng tập trung chuyên canh”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ khẳng định.

Chính sách “vênh” thực tế

Một trong những nguyên nhân khiến chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn (NNNT) chưa đi vào cuộc sống là do sự bất nhất giữa các đơn vị liên quan. Đơn cử như Nghị định 55 của Chính phủ về Chính sách tín dụng phục vụ phát triển NNNT. Điều 9 của Nghị định này ghi rõ: “Tổ chức tín dụng được xem xét cho khách hàng vay trên cơ sở có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản theo quy định của pháp luật… Các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTX), chủ trang trại hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp được vay tối đa 1 tỷ đồng”. Quy định thế, nhưng thực tế ngược lại. Khi các HTX “gõ cửa” ngân hàng để vay vốn, họ bắt buộc phải có tài sản thế chấp. Mà tài sản của HTX gồm máy móc, trang thiết bị, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì ngân hàng không chấp nhận thế chấp. Do đó để có vốn mở rộng quy mô hoạt động, không ít HTX phải huy động xã viên… vay giúp! “Bất đắc dĩ mới làm vậy. Bởi vay kiểu này lãi suất rất cao, hoạt động của HTX vì thế cũng kém hiệu quả”, ông Nguyễn Hùng Cường - Giám đốc HTX Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh) bày tỏ.

Đối với Quyết định 34 của UBND tỉnh về Chính sách hỗ trợ khuyến khích thực hiện dồn điền đổi thửa (DĐĐT) đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2013 – 2020, chính quyền các địa phương cho rằng “một số nội dung chưa phù hợp với điều kiện thực tế”. Đó là mức hỗ trợ thực hiện DĐĐT thấp (7 triệu đồng/ha); hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng sau DĐĐT không được hỗ trợ kinh phí để kiên cố hóa... “Điều này vừa cản trở tiến độ thực hiện DĐĐT, vừa khiến cánh đồng DĐĐT ít phát huy hiệu quả. Vì đường đất, kênh đất thì làm sao đảm bảo năng lực tưới tiêu, ứng dụng cơ giới hóa để nâng cao hiệu quả sản xuất”, ông Vũ Nhân- Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức khẳng định.

Trong khi đó, Nghị định 42 của Chính phủ về Chính sách hỗ trợ để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa được nhiều HTX phản ánh là “không phát huy tác dụng, gây lãng phí ngân sách”. Bởi theo ông Hồ Thế Vinh- Giám đốc HTX Tịnh Bắc (Sơn Tịnh), mức hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm là quá thấp nên người dân không mặn mà. Thậm chí nhiều hộ không đến HTX nhận tiền vì... không đủ ngày công!. Do đó, “UBND tỉnh nên kiến nghị Trung ương xem xét thay đổi cách hỗ trợ bằng cách đầu tư vào mô hình sản xuất hay giao phần kinh phí này cho HTX mua sắm máy móc phục vụ sản xuất cho nông dân”, ông Vinh đề xuất.

Với Quyết định 45 của UBND tỉnh về Chính sách hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp (DN), HTX đầu tư vào NNNT trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2015 – 2020 chỉ hướng đến đối tượng DN, HTX nên dù làm ăn hiệu quả, nhiều chủ trang trại vẫn ngậm ngùi đứng ngoài cuộc. “Tôi kiến nghị UBND tỉnh nên nghiên cứu mở rộng, bổ sung đối tượng thụ hưởng theo Quyết định 45 là các tổ, đội sản xuất. Có như vậy mới giúp nông dân dễ dàng tiếp cận chuỗi sản xuất từ khâu cung ứng đến tiêu thụ, tiến tới hình thành vùng sản xuất tập trung”, ông Võ Việt Chính- Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh bày tỏ.

Thiếu sản phẩm chủ lực

Quảng Ngãi không thiếu đặc sản để phát triển thành sản phẩm chủ lực, mang tính hàng hóa. Từ tỏi Lý Sơn, cá bống Sông Trà, muối Sa Huỳnh đến quế Trà Bồng... Tất cả đều đã được công nhận thương hiệu. Thậm chí quế Trà Bồng còn vươn ra thế giới khi được Tổ chức kỷ lục Châu Á công nhận giá trị đặc sản quà tặng Châu Á. Tuy nhiên, điểm chung của các sản phẩm trên là sau khi được vinh danh, chúng phải loay hoay tìm chỗ đứng. Đơn cử như muối Sa Huỳnh, sau 6 năm mang “Thương hiệu quốc gia”, muối Sa Huỳnh cùng diêm dân vẫn chưa thoát cảnh lênh đênh, lắm lúc còn bi đát khi bị chính “người nhà” của mình là Nhà máy chế biến muối tinh Sa Huỳnh chê!.

Sau 6 năm được công nhận
Sau 6 năm được công nhận "Thương hiệu quốc gia", muối Sa Huỳnh vẫn "đắng" vì không có đầu ra.


Rồi Dự án Phát triển tổng thể đồng muối Sa Huỳnh với chi phí lên đến 50 tỷ đồng nhằm “hiện đại hóa quy trình sản xuất muối, nâng cao chất lượng muối Sa Huỳnh” vẫn còn nằm trên giấy sau 4 năm ra đời. Với quế Trà Bồng, trước khi Công ty CP tinh dầu quế Quảng Ngãi (Công ty) ra đời thì số phận của nó cũng lận đận không kém muối Sa Huỳnh. Đó là giá bán thấp, sâu bệnh hoành hành (đặc biệt là bệnh tua mực) khiến người dân nản, diện tích cây quế vì thế giảm chỉ còn 1.600ha. Nhưng từ tháng 5.2015, Công ty tổ chức thu mua nguyên liệu (vỏ, cành, lá) với giá cao, ổn định thì cây quế được “hồi sinh”. Diện tích quế vì thế cũng mở rộng thêm gần 4.000ha. Bởi “cái gì của cây quế cũng bán được. Đến cành, lá quế mà cũng có giá 2.800 đồng/kg thì còn gì bằng. Giờ bà con không chặt bỏ quế, ai cũng cố trồng thêm để có nhiều tiền hơn”, ông Hồ Văn Lâm, thôn 2, xã Trà Thủy (Trà Bồng) cho biết.

Trong khi người trồng quế phấn khởi thì ông Nguyễn Khắc Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty lại trăn trở, lo lắng vì nguồn nguyên liệu cung ứng cho Nhà máy tinh dầu quế Trà Bồng hiện đang hẹp, trong khi thị trường tiêu thụ chuỗi sản phẩm quế như tinh dầu, bột nhang và phân hữu cơ lại rất rộng. Mâu thuẫn này theo ông Thịnh là vì diện tích quế trong dân mang tính tự phát, chưa có vùng tập trung chuyên canh; rẫy quế lại ở sâu trong rừng, đường sá khó khăn, bà con phải đi bộ nên mỗi ngày chỉ mang về được 30 – 35 kg/cành, lá quế; thu nhập chưa đến 100.000 đồng/ngày, thấp hơn làm keo nên nhiều hộ nản.

Cùng với các sản phẩm đã có thương hiệu thì heo Kiềng Sắt, gà Re hay thủy sản được đánh giá là “thừa điều kiện xuất ngoại” nhưng đến giờ vẫn chưa tìm được chỗ đứng cho riêng mình. “Gà Re Quảng Ngãi ngon không kém gà đồi Yên Thế của tỉnh Bắc Giang. Nhưng gà đồi Yên Thế đứng vững trên thị trường với giá bán khá cao, còn gà Re thì vẫn trong giai đoạn... nghiên cứu, bảo tồn! Điều này rất đáng tiếc”, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Liên- Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế bày tỏ.

Sự “chậm tiến” của gà Re có thể viện lý do là đối tượng này kén điều kiện và môi trường nuôi dưỡng, khó nhân giống, nhưng còn thủy sản thì sao? Dù sở hữu đội tàu hùng hậu với 5.400 chiếc, tổng công suất hơn 1 triệu CV, sản lượng đánh bắt hàng năm dẫn đầu cả nước – trên 160.000 tấn, nhưng khi nhắc đến Quảng Ngãi, nhiều người nghĩ ngay đến những đôi tàu giã cào đánh bắt ở các vùng biển gần bờ chứ không phải là sản phẩm thủy sản đặc trưng nào đó! Trong khi tỉnh Bình Định đứng sau chúng ta về quy mô, sản lượng đánh bắt, nhưng đã và đang nức tiếng với cá ngừ đại dương xuất sang Nhật Bản, giá bán tính bằng đô la, cuộc sống của ngư dân Bình Định vì thế có cơ hội phát triển. Còn với ngư dân Quảng Ngãi, sản phẩm bán thô nay đây mai đó; giá cả phụ thuộc vào thương lái nên dù tàu bội thu, lợi nhuận vẫn thấp. “Mọi người nghe tàu này thuyền kia trúng biển, kiếm bạc tỷ nhưng họ không biết chi phí cho mỗi phiên biển rất lớn, giá bán lắm lúc rẻ mạt. Đó là chưa kể chủ tàu còn phải trả lãi cao cho đầu nậu vì vay nóng tiền đầu tư”, ngư dân Tiêu Viết Hồng, xã Bình Châu (Bình Sơn) chia sẻ.

Ngành nông nghiệp tuy nhận được rất nhiều sự quan tâm của hệ thống chính trị thông qua sự ra đời của các chính sách khuyến khích nhưng vì chưa xây dựng, hình thành các sản phẩm chủ lực đã khiến nông dân trong tỉnh chịu nhiều thua thiệt, còn ngành nông nghiệp vì thế cũng lu mờ, chưa tạo được dấu ấn riêng cho mình.

Bài, ảnh: MỸ HOA

------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
*Kỳ 2: Hạ tầng thiếu, liên kết yếu



 


.