Ngày Lương thực thế giới (16.10):
Phá vỡ vòng xoáy đói nghèo

02:10, 16/10/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Ngày 16.10 được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc chọn là Ngày Lương thực thế giới, nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề nghèo và đói, về sử dụng hợp lý lương thực và thực phẩm.

TIN LIÊN QUAN

Sau đổi mới, Việt Nam từ một nước thiếu lương thực phải nhập khẩu hàng năm, sản lượng lương thực của Việt Nam đã không ngừng tăng lên, đặc biệt là lúa gạo với tổng sản lượng trung bình hàng năm là 45 triệu tấn lúa (thóc).

Không chỉ đảm bảo lương thực cho hơn 90 triệu dân, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, với số lượng lương thực xuất khẩu 7- 8 triệu tấn/năm. An ninh lương thực ở nước ta đã và đang đạt được những thành công to lớn.

Mặc dù đã đạt được tiến bộ trong nỗ lực đảm bảo an ninh lương thực, xoá đói giảm nghèo nhưng Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức do khả năng tiếp cận lương thực của các hộ gia đình và sự chênh lệch giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn rất lớn.

 

Mặc dù là một trong những nước có diện tích trồng lúa, xuất khẩu gạo cao nhất thế giới, nhưng thu nhập từ nông nghiệp rất thấp.
Mặc dù là một trong những nước có diện tích trồng lúa, xuất khẩu gạo cao nhất thế giới, nhưng thu nhập từ nông nghiệp rất thấp.



Thực tế hiện nay vẫn còn trên 6% hộ đói và 11% trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng. Tại vùng sâu, vùng xa, có nơi tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi lên tới hơn 40%.

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, việc đảm bảo đủ ăn không phải là thách thức đối với Việt Nam, song việc làm thế nào để tăng thu nhập, phá vỡ vòng xoáy đói nghèo, nâng cao thu nhập cho nông dân mới là điều quan trọng nhất.

Việt Nam có khoảng 70% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng chỉ đóng góp 20% trong GDP. Thu nhập của người nông dân đã thấp lại phải trang trải các khoản ngày thường với giá đắt đỏ. Vì thu nhập thấp nên dẫn đến nhiều hệ lụy, đây là cái vòng luẩn quẩn đã nghèo lại càng nghèo của nông dân Việt Nam.

Thách thức lớn nhất mà Việt Nam đang phải đương đầu là đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, mất nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp do mực nước biển dâng cao.

 

Đói nghèo, tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở mức cao là thách thức.
Hiện nay tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng của Việt Nam vẫn còn ở mức cao.


Biến đổi khí hậu tác động đến năng suất cây trồng, làm tăng khả năng sinh bệnh. Song  song ấy, đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn lương thực cho mọi người dân cũng là thách thức không nhỏ.

Với chủ đề “An sinh xã hội và nông nghiệp: Phá vỡ vòng xoáy đói nghèo”, Ngày Lương thực thế giới năm 2015 muốn nhấn mạnh đến vai trò đặc biệt quan trọng của hệ thống an sinh xã hội trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng, cải thiện đời sống để phát triển bền vững, đặc biệt ở vùng nông thôn.

Để giúp nông dân nâng cao thu nhập từ nông nghiệp, Chính phủ đang triển khai chương trình tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Cùng với chính sách hỗ trợ đất lúa, chuyển đổi giống cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả để nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích, các giải pháp trọng tâm là thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật, tổ chức lại sản xuất chủ yếu theo hướng tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị hàng hóa, ưu đãi vay những khoản vay dài hạn lãi suất thấp để nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất,...

Mục tiêu chung là nâng cao thu nhập cho người nông dân bằng việc đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, cải thiện đời sống và giảm nghèo bền vững. Khi đời sống nông dân được nâng cao và ổn định cũng chính là đảm bảo an ninh lương thực.

 

Bài, ảnh: Ái Kiều
 


.