Điểm tựa của phụ nữ nghèo

10:09, 04/09/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tạo mọi điều kiện để nhiều người có công ăn việc làm và sẵn sàng “làm ngân hàng” không lấy lãi để giúp đỡ những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Đó là việc làm hay, hành động đẹp của chị Từ Thị Thanh Tân ở xã Bình Châu và chị Cao Thị Hương ở xã Bình Thới (Bình Sơn). Việc làm của các chị đã trở thành điểm tựa cho rất nhiều chị em phụ nữ nghèo ở nông thôn.

TIN LIÊN QUAN


“Ngân hàng” của phụ nữ nghèo

Ở bến cá Bình Châu, hình ảnh người phụ nữ ngoài 54 tuổi với nước da đậm vị biển Từ Thị Thanh Tân đã trở nên quá đỗi quen thuộc với mọi người. Công việc hằng ngày của chị là chuyên thu mua cá, nhưng đối với người dân nơi đây, nhất là hơn 60 phụ nữ được chị tạo cho công ăn việc làm thì hình ảnh chị Tân rất đỗi thân thương.

Cơ sở may của chị Hương đã giúp nhiều phụ nữ có công ăn việc làm ổn định.
Cơ sở may của chị Hương đã giúp nhiều phụ nữ có công ăn việc làm ổn định.


Chị Nguyễn Thị Sáu, xã Tịnh Kỳ (Sơn Tịnh) vẫn chưa hết xúc động về những tình cảm mà chị Tân đã dành cho chị. Chị Sáu kể, cách đây hơn 3 năm, chồng chị bị tai nạn khi đi biển, bỏ lại cho chị và năm đứa con. Một mình chị phải chạy ngược chạy xuôi cũng không đủ lo cho các con. Biết đến hoàn cảnh khó khăn của chị, chị Tân đã sẵn sàng giúp đỡ, cho chị mượn tiền để trang trải, đồng thời nhận đỡ đầu để đứa con út của chị được tiếp tục đến trường. “Nếu không nhờ chị Tân chắc đứa con út của tôi đã phải nghỉ học giữa chừng, cuộc sống gia đình tôi cũng còn khổ miết”, chị Sáu nhớ lại.

Không chỉ tạo điều kiện cho các chị em có công ăn việc làm ổn định, mà chị Tân còn là “ngân hàng” giúp nhiều chị em phụ nữ ở vùng biển này vượt qua khó khăn, có tiền để nuôi con ăn học. Chị Nguyễn Thị Trân, xã Bình Châu chia sẻ: “Chồng tôi mất sớm, bỏ lại hai đứa con nhỏ, bản thân tôi lại bị bệnh nên sức khỏe giảm sút. Vậy mà chị Tân đã nhận tôi vào làm việc ở bến cá của chị, còn cho tôi mượn tiền để trang trải những lúc ốm đau. Nhờ vậy mà bây giờ tôi đã thoát được nghèo, các con tôi cũng tiếp tục học hành”.

Giờ đây cuộc sống gia đình chị Tân đã đủ đầy. Con trai lớn của chị đã trở thành giảng viên trường đại học. Con trai út đang học chuyên toán, Trường THPT Lê Khiết. Thế nhưng chị Tân vẫn chưa chịu nghỉ ngơi, vì nếu như chị làm ít lại thì hơn 60 phụ nữ làm việc ở bến cá sẽ không có thu nhập. Chị Tân tâm sự: “Công việc ở bến cá  tùy thuộc vào việc đánh bắt của các tàu cá. Thế nhưng mỗi lao động nữ làm việc ở đây cũng có thu nhập từ 2,5 – 6 triệu đồng/tháng. Đồng thời chỉ cần không còn chị em nào nằm trong danh sách hộ nghèo nữa là tôi vui rồi”.

Bà Tiêu Thị Thu – Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Châu cho biết: “Chị Từ Thị Thanh Tân là một tấm gương phụ nữ tiêu biểu ở địa phương. Hầu hết những người được chị giúp đỡ đều đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định. Chị là tấm gương để nhiều người noi theo”.

Tạo điều kiện tốt nhất cho chị em

Mặc dù cơ sở may còn nhỏ lẻ, nhưng chị Cao Thị Hương ở xã Bình Thới đã trở thành điểm tựa của 15 lao động nữ ở địa phương. Và cũng chính nhờ cơ sở may này mà nhiều chị em phụ nữ có được nguồn thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo và nuôi con ăn học.

Cơ sở may của chị chuyên về đồng phục học sinh nên đơn đặt hàng lúc nào cũng dồn vào những tháng hè và đầu năm học mới. Do đó, để có công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho nhân công, chị Hương đã nhận thêm hàng ở Sài Gòn về để may gia công. “Tuy nhận may gia công mình không có lãi bao nhiêu, nhưng được cái chị em lao động sẽ có thu nhập ổn định. Mình tạo điều kiện tốt cho mọi người thì công việc của mình mới thuận lợi”, chị Hương chia sẻ.

Không chỉ tạo điều kiện để nhiều phụ nữ có công ăn việc làm, chị Hương còn tạo điều kiện để cho chị em vừa hoàn thành chỉ tiêu công việc, vừa chăm lo được cho gia đình. Chị Bùi Thị Nguyệt, xã Bình Thới chia sẻ: “Hầu hết những chị em may ở cơ sở của cô Hương đều đã gắn bó với cô từ rất lâu rồi, nên rất gần gũi. Bản thân tôi cũng đã làm việc cho cô được 12 năm. Lúc trước cuộc sống gia đình tôi còn nhiều khó khăn, cũng nhờ có cơ sở may của cô mà tôi đã có công việc ổn định, cuộc sống gia đình đỡ vất vả hơn. Cái thuận lợi nữa là tôi được làm ở gần nhà, điều kiện đi lại thuận lợi, lại có thể đưa đón con đi học và chăm sóc gia đình”.

  Bà Phạm Thị Lan – Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Bình Sơn cho rằng, trước thực trạng chị em phụ nữ vùng nông thôn có hoàn cảnh khó khăn, không có đất sản xuất nông nghiệp, không có công ăn việc làm ổn định thì những mô hình làm kinh tế như chị Hương, chị Tân đã trở thành điểm tựa, góp phần giải quyết được nhiều lao động, giúp nhiều chị em phụ nữ có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

Bài, ảnh: HỒNG HOA
 


.