"Xóm Lý Sơn" ở đất liền

02:08, 22/08/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đi lập nghiệp ở vùng kinh tế mới theo chủ trương của Nhà nước từ năm 1980, với đức tính cần cù, chịu thương chịu khó, người dân đất đảo Lý Sơn nhanh chóng thích nghi và vươn lên làm giàu trên vùng đất gò đồi của xóm Bá Lăng, thôn Mỹ Long, xã Bình Minh (Bình Sơn). Người miệt biển quây quần, cưu mang cùng nhau vươn lên và tên gọi “xóm Lý Sơn” cũng xuất hiện từ đó.

Từ những cư dân xứ đảo, quanh năm quen với ruộng tỏi, ruộng hành và nghề đánh lưới, người Lý Sơn nơi đây đã cần cù, chịu khó thích nghi với cuộc sống mới, công việc mới.

Dân biển lên rừng làm giàu

 Kể về gian khó những ngày đầu, ông Nguyễn Thanh Tấn, một trong những hộ nông dân sản xuất giỏi của “xóm Lý Sơn” tâm sự: “Lúc mới đến lập nghiệp, mấy mươi hộ dân chỉ có mình tôi có chiếc xe máy 67. Bởi vậy, chiếc xe của tôi đảm đương nhiệm vụ là “xe cấp cứu”. Bởi ai ốm đau là tôi lại mang xe đến chở đi trạm xá. Còn giờ, đời sống ai cũng đổi thay rồi”. Sự đổi thay mà ông Tấn nói chính là những cánh rừng cao su thẳng tắp cùng rừng keo, rẫy mì… trải dài đến hút mắt. 42 nóc nhà ở “xóm Lý Sơn”, nhà nào cũng có từ 2-5ha cao su và keo. Có năm cao su được giá, người dân “xóm Lý Sơn” thu về trên 20 tỷ đồng nhờ vào tiền bán mủ. Còn cây mì thì được người dân linh hoạt trồng thêm để lấy ngắn nuôi dài.

Những khoảnh sân trồng toàn hoa sứ đỏ của người dân ở “xóm Lý Sơn”.
Những khoảnh sân trồng toàn hoa sứ đỏ của người dân ở “xóm Lý Sơn”.


Ông Trần Đạo, một trong những bậc “già làng trưởng bản” của “xóm Lý Sơn” cho biết: “Khi còn ở Lý Sơn, nhà tôi có đến 7 khẩu, nhưng chỉ có 2 sào đất để trồng tỏi. Vì vậy, năm 1980, tôi cùng vợ và 5 con vào đây phát triển kinh tế. Được Nhà nước hướng dẫn và hỗ trợ kinh phí trồng cao su theo dự án trồng rừng 327, cuộc sống của gia đình tôi khấm khá lên nhiều. Bởi vào những năm 1992-1994, giá mủ cao su lên tới 20.000 nghìn đồng/kg”.

Có được sức bật từ dự án rừng 327, người dân “xóm Lý Sơn” tiếp tục mạnh dạn khai hoang, mở rộng diện tích đất trồng keo và chăn nuôi bò lai. Không bị bó hẹp diện tích đất sản xuất như khi còn ở đảo Lý Sơn, mọi người bắt đầu tận dụng lợi thế ở vùng đất mới là đất rộng để trồng trọt, chăn nuôi “đa cây, đa con”. Nhờ đó, “xóm Lý Sơn” không còn bó hẹp chỉ người Lý Sơn làm kinh tế mới, xóm Lý Sơn bây giờ trở thành vùng đất “lành” cho các hộ dân đến học hỏi cách làm kinh tế rừng. Từ 42 hộ dân gốc Lý Sơn ban đầu, “xóm Lý Sơn” giờ nâng lên thành 70 hộ. Chí thú làm ăn trên vùng đất mới, nên “xóm Lý Sơn” năm nào cũng có rất nhiều hộ gia đình đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi của xã Bình Minh. Nông dân Nguyễn Thanh Tấn, Trần Đạo, Lê Hoanh, Trương Đình Tuyển, Lâm Ngọc Thọ… đều là những người dân đất đảo tiên phong vào đất liền và đã vươn lên làm giàu nhờ vào kinh tế lâm nghiệp.

“Chất” Lý Sơn còn mãi…

Không chỉ đặc biệt khi người miền biển lại lên rừng làm giàu, “xóm Lý Sơn” còn gây ấn tượng khi giữa vùng đất bán sơn địa như xóm Bá Lăng, một bên là thác Vực Bà, một bên giáp với xã Trà Giang (Trà Bồng) lại có một xóm nói giọng luyến láy, đặc sệt miền biển.

 Bà Trần Thị Châu (70 tuổi) tâm sự với với chúng tôi: “Không chỉ bản thân mình giữ nguyên giọng nói đặc trưng của Lý Sơn, mà chúng tôi còn dạy cho con mình đừng đổi giọng, để con không bị mất gốc, không quên quê hương. Người Lý Sơn là thế, dù đi đâu cũng vẫn giữ nguyên giọng nói của quê hương”.

Đâu chỉ là tiếng nói quê hương, trong những ngôi nhà của người dân “xóm Lý Sơn” nơi đất liền, hầu như nhà nào cũng có tủ trưng bày các loại vỏ ốc, san hô hệt như các làng chài miền biển. Trong sân nhà, ngoài những loại cây cảnh trên đất liền, họ vẫn lặng lẽ dành một góc cho hoa sứ đỏ- loại hoa đặc trưng của đất đảo mà họ lặn lội mang về từ đảo Lý Sơn trong những lần về thăm quê. Có lẽ, với họ, đó là cách để giữ lại hồn quê ở vùng đất mới.
 

Bài, ảnh: Ý Thu
 


.