Thị trường gỗ nguyên liệu: Cung chưa đủ cầu

02:08, 10/08/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vào năm 2009, Quảng Ngãi mới có 4 nhà máy sản xuất dăm gỗ tại Khu Kinh tế Dung Quất thì đến nay, toàn tỉnh có đến 21 nhà máy hoạt động trong lĩnh vực này. Trong khi nhu cầu gỗ nguyên liệu tăng nhanh thì vùng nguyên liệu gỗ của tỉnh vẫn chưa đáp ứng đủ. Và 5 năm tới, dự báo nguồn cung vẫn thiếu hụt.

TIN LIÊN QUAN

Các nhà máy dăm gỗ hiện được phân bổ ở hầu hết các huyện, nhưng nhiều nhất vẫn tập trung tại Khu Kinh tế Dung Quất, với 12 doanh nghiệp. Trong những năm qua, thị trường tiêu thụ dăm gỗ của các nhà máy ở Quảng Ngãi chủ yếu dựa vào thị trường Trung Quốc và Nhật Bản nên giá cả phụ thuộc rất lớn vào các đối tác này. Vì thế, chuyện các đối tác “ép giá” với những lý do khác nhau cũng là điều không khó hiểu.

Xuất khẩu gỗ dăm tại cảng Gemadept Dung Quất.                                                Ảnh: H.T
Xuất khẩu gỗ dăm tại cảng Gemadept Dung Quất. Ảnh: H.T


Giá mua lên xuống thất thường, khiến hoạt động của các doanh nghiệp chế biến dăm gỗ luôn bị động. Hiện giá thu mua dăm gỗ đạt khoảng 128-129 USD/tấn, nhưng với mức giá này nhiều doanh nghiệp vẫn bị thua lỗ. Gỗ dăm rớt giá, không chỉ doanh nghiệp khó khăn mà người trồng rừng cũng lâm cảnh khốn đốn, bởi giá thu mua gỗ nguyên liệu cũng sụt giảm theo.

Điểm yếu của các doanh nghiệp chế biến dăm gỗ ở tỉnh ta hiện nay là thiếu phương án khảo sát thị trường, chưa chủ động được nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng. Trong khi đó, các nhà máy chế biến dăm gỗ hình thành ồ ạt không theo quy hoạch dẫn đến tình trạng nguồn cung nguyên liệu gỗ dăm không đáp ứng cho nhu cầu của các nhà máy...

Trong vòng 10 năm trở lại đây, ngành lâm nghiệp Quảng Ngãi đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp về công tác tổ chức, quản lý, sản xuất kinh doanh lâm nghiệp nhằm bảo vệ và phát triển rừng theo quy hoạch của tỉnh.  Trong đó, các chính sách giao đất, giao rừng, cùng với các chương trình đầu tư trồng rừng của Nhà nước và của các tổ chức, cá nhân... đã góp phần đưa diện tích rừng trồng trên địa bàn tỉnh tăng lên nhanh chóng. Công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu vì thế cũng phát triển mạnh, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập của người dân, giúp xóa đói giảm nghèo bền vững...

 Theo số liệu của ngành lâm nghiệp Quảng Ngãi thì, đến năm 2014 diện tích có rừng trên địa bàn tỉnh đã đạt trên 290 nghìn ha, trong đó rừng trồng sản xuất đạt gần 115 nghìn ha. Trong giai đoạn 2011-2014, diện tích khai thác ước đạt gần 38 nghìn ha, với tổng sản lượng gỗ ước đạt gần 2,7 triệu m3 (trung bình mỗi năm sản lượng khai thác đạt hơn 600.000 m3-PV). Trong khi đó, nhu cầu chế biến dăm gỗ của các nhà máy trên địa bàn tỉnh cần phải có khoảng 1,5 triệu tấn gỗ tươi/năm. Điều này cho thấy, nguồn gỗ nguyên liệu của tỉnh hiện cung cấp cho các nhà máy trong những năm gần đây mới chỉ đáp ứng được hơn 1/3 nhu cầu của các nhà máy chế biến dăm gỗ.

Hiện nay, Sở NN&PTNT đang thực hiện Dự án điều chỉnh bổ sung quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp đến năm 2020 trên 285 nghìn ha. Trong đó, nâng diện tích rừng sản xuất lên gần 160 nghìn ha, còn lại là rừng phòng hộ. Dự kiến, đến năm 2020, ít nhất có từ 5-10% diện tích đất có rừng trồng sản xuất sẽ được cấp chứng chỉ rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC, qua đó nâng cao giá trị của rừng khi khai thác.

Tuy nhiên, theo kế hoạch, giai đoạn 2016-2020 sẽ có 53.377ha rừng đưa vào khai thác, với sản lượng gỗ khai thác trên 5,4 triệu m3. Tính ra, bình quân mỗi năm cũng chỉ cung cấp được khoảng 1 triệu m3 gỗ, nên vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu chế biến gỗ dăm của các nhà máy trên địa bàn tỉnh. Do đó, cùng với việc quản lý tốt hơn công tác quy hoạch, phát triển lĩnh vực chế biến dăm gỗ, các doanh nghiệp chế biến gỗ cần chủ động chuyển hướng, đầu tư chế biến sâu để vừa nâng giá trị gia tăng, vừa tránh việc cạnh tranh không lành mạnh ngay trên sân nhà, chỉ vì thiếu nguồn nguyên liệu.
 

Nguyễn Khâm
 


.