"Siêu thị" vùng cao

09:08, 31/08/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Những túp lều nhỏ bán đặc sản núi rừng của bà con dân tộc Cor trên đỉnh đèo Eo Chim ở huyện vùng cao Tây Trà được khách đi đường thường xuyên qua lại nơi đây gọi vui là “siêu thị” cùng cao.

TIN LIÊN QUAN

Mỗi nhà một “siêu thị”

Buổi trưa thứ sáu, các “siêu thị” mini của bà con người dân tộc Cor ở thôn Trà Dinh sinh sống dọc con đường độc đạo từ huyện Tây Trà về Trà Bồng tấp nập kẻ bán người mua chẳng thua kém gì một quày hàng ở thành phố.

“Mua đi cháu”- lời mời của bà Hồ Thị Làng, còn anh Nguyễn Văn Linh, một cán bộ đang công tác tại huyện Tây Trà đáp: “Cho con một túi dưa leo với một bó khổ qua”. Nói rồi anh Linh nhanh tay nhận túi hàng và đưa cho bà Linh 20.000 đồng mà không cần hỏi giá.

Cứ nhẹ nhàng trao đổi với nhau như thế, không xô bồ, bon chen, như thường thấy như ở các chợ. Những người thường xuyên qua lại trên tuyến đường này khá quen thuộc với cách buôn bán này.

 

Người bán rất vui vẻ.
Người bán rất vui vẻ.

 

Anh Linh giãi bày: Mọi người ví von là “siêu thị” vì cách buôn bán rất thật. Người đồng bào rất chân chất mộc mạc, bán giá rất rẻ, nói giá nào bán giá ấy, không thách lấy một xu, chỉ vài nghìn một món hàng và quanh năm cũng có một giá, không cần thách trả giá. Người bán luôn vui vẻ và nở nụ cười tươi trên môi, còn người mua cũng rất vui khi không phải dè chừng, cò kè trả giá bớt một thêm hai.

Hầu hết các món hàng chỉ có giá vài nghìn đồng, chẳng hạn như một túi dưa leo tới 10 trái chỉ có 10.000 đồng, 3.000 đồng/bắp chuối, 2.500 đồng/bó rau má, 10.000 đồng/bó khổ qua, chè uống nước 5.000 đồng/bó, một nải chuối giá 3.000 đồng …

Cẩn thận nhúng từng bó khổ qua rừng vừa hái được trong rừng vào chậu nước, đôi tay còn lấm lem, xanh lè, chị Hồ Thị Thuyên cười tươi kể: Trước kia bà con chưa bao giờ nghĩ đến chuyện mở sạp để bán những sản phẩm mình kiếm được, chỉ là bán cho thương lái mua rồi bán lại cho khách hàng dưới xuôi.

 

"Siêu thị" được dựng ngay trước cổng nhà.


Bán cho thương lái họ ép giá, muốn mua thì mua không thì thôi nên bà con mới rủ nhau mở sạp để bán trực tiếp. Suy nghĩ thế nên đồng bào rủ nhau dựng những túp liều nhỏ chừng vài mét vuông, lợp bằng lá trước cổng nhà để vừa tiện làm việc nhà, vừa tiện cho việc buôn bán.

Từ một vài túp lều, bây giờ dọc con đường độc đạo này có tới vài chục túp liều, mỗi nhà sở hữu một “siêu thị” quanh năm bày bán đặc sản phong phú mà họ kiếm được từ núi rừng để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Không sợ ế

Không chỉ yên tâm về giá cả, người mua cảm thấy rất yên tâm về chất lượng hàng hóa, vì đều là những sản phẩm sạch, nên các sản phẩm mà bà con bày bán rất đắt khách.

 

Các sản phẩm đều sạch và chất lượng.
Các sản phẩm đều sạch và chất lượng.

 

Chị Hồ Thị Thuyên cho biết, nếu bán cho thương lái chỉ thu về được một nửa tiền, còn mình bán trực tiếp được giá cao. Các loại rau, quả, cây trái đều được bà con thu hoạch trong rẫy, rừng sâu, bà con kiếm được thứ gì bán nấy.

Dù các loại nông sản này còi cọc so hơn cùng loại dưới xuôi, nhưng khi chế biến thành thức ăn đều cảm nhận được hương vị rất ngọt và đậm đà. Quan trọng nhất, chúng rất “sạch” nên đây là lý do bất kỳ ai cũng ghé vào mua nếu có dịp đi ngang qua, vì thế mà “siêu thị” của bà con không sợ ế.

Theo bà con, mỗi ngày họ kiếm được 70.000- 80.000 đồng, còn đến thứ Sáu khi cán bộ sau một tuần làm việc ở huyện Tây Trà trở về xuôi nghỉ ngơi cuối tuần đồng nghĩa với lượng khách hàng tăng vọt, số tiền kiếm được có thể lên tới 300.000- 400.000 đồng. Bấy nhiêu với họ là quá “ổn”.

Tùy theo từng mùa, khách qua đường có thể tìm thấy bắp, mật ong, dưa leo, cà tím, cà trắng, ớt sim, chuối, đặc biệt là các loại rau rừng. Ai đến với “siêu thị” có thể cảm nhận được nét văn hóa đặc trưng ẩn chứa trong đó, rất mộc mạc, giản dị như con người vùng cao.

 

Bài, ảnh: Ái Kiều
 


.