Doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng cao

02:08, 22/08/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những tháng đầu năm 2015 số lượng doanh nghiệp (DN) đăng ký mới khá nhiều. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại số DN tuyên bố giải thể, tạm ngừng hoạt động, hoặc tự động, bỏ địa chỉ kinh doanh cũng tăng cao.


Doanh nghiệp thành lập mới và dừng hoạt động đều tăng

Theo số liệu của Cục thống kê tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn tỉnh có gần 300 DN đăng ký thành lập mới, tăng hơn 43% so với cùng kỳ với tổng vốn đăng ký hơn 1.000 tỷ đồng, nâng tổng số DN trên địa bàn tỉnh lên hơn 5.200 DN. Đây là một con số rất khả quan. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, có đến 564 DN dừng mọi hoạt động sản xuất, bỏ địa chỉ kinh doanh; 569 DN giải thể và 43 DN tạm ngừng hoạt động.

Một doanh nghiệp tại cụm công nghiệp La Hà (Tư Nghĩa) đóng cửa ngừng hoạt động sản xuất.
Một doanh nghiệp tại cụm công nghiệp La Hà (Tư Nghĩa) đóng cửa ngừng hoạt động sản xuất.

Qua một tháng, áp dụng Luật DN mới (có hiệu lực từ 1.7.2015) đã có 11 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động; 10 doanh nghiệp giải thể tự nguyện; 52 doanh nghiệp, chi nhánh bỏ địa chỉ kinh doanh.

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, con số DN giải thể, tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh trong những tháng qua là do việc đầu tư, sản xuất kinh doanh và hướng đi của DN chưa hiệu quả và hầu hết hoạt động ở các lĩnh vực thương mại, xây dựng... Đối với số DN bỏ địa chỉ kinh doanh sẽ gây rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý cũng như thu thuế. Do đó, đơn vị này đã ghi cảnh báo trên Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp Quốc gia.

Công khai “sức khỏe” DN trên cổng thông tin điện tử. Nhằm tăng cường công tác quản lý DN trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, vào ngày 5 hằng tháng, Sở KH&ĐT sẽ công khai danh sách các DN đăng ký thành lập mới, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký DN; danh sách DN tạm ngừng hoạt động và danh sách các DN giải thể trên trang Web của Sở tại địa chỉ http://skhdt.quangngai.gov.vn,
Vì đâu nên nỗi?

Để tạo đà cho định hướng đưa Quảng Ngãi trở thành tỉnh công nghiệp, điều quan trọng trước hết là nền kinh tế của tỉnh phải thực sự khỏe mạnh. Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, việc DN tự giải thể, dừng hoạt động sản xuất kinh doanh là điều tất yếu trong quy luật đào thải của thị trường. Song, với một tỉnh như Quảng Ngãi mà chỉ sau 7 tháng cả nghìn DN ngừng hoạt động thì phải có vài nghìn thậm chí cả chục nghìn người rơi vào cảnh thất nghiệp.

Theo ông Nguyễn Cao Phúc- Giám đốc  Sở KH&ĐT, có nhiều nguyên nhân dẫn đến DN phải “đóng cửa”. Trong đó, hầu hết là DN vừa và nhỏ vốn đăng ký ít và hoạt động sản xuất kinh doanh cũng chỉ ở mức vừa phải nên một khi có tác động mạnh từ thị trường, các DN này có sức chống chọi kém. Đặc biệt là các ông chủ DN rất dễ buông xuôi, bởi tâm lý sợ thiệt hại nặng nếu cố “gỡ gạc” nên số lượng DN tạm dừng, giải thể tăng cao.

Theo thống kê của Sở KH&ĐT, trong số những DN giải thể trong tháng 7 vừa qua, bên cạnh những DN hoạt động xây dựng, buôn bán nhỏ cũng có những DN kinh doanh vàng, bạc. Thậm chí, có DN trong những năm qua hoạt động rất mạnh trên nhiều lĩnh vực như Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại Lập Đông, chuyên sản xuất sản phẩm plastic, sản xuất và buôn bán bao ni-lon tại cụm Công nghiệp La Hà (Tư Nghĩa) phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động sản xuất. Hay Công ty tư vấn Xây dựng Thương mại Bình An đăng ký kinh doanh tại số nhà 17, Hai Bà Trưng (TP.Quảng Ngãi) nhưng không hoạt động tại trụ sở dẫn đến cơ quan thuế không biết đâu mà thu thuế.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, thì cũng có nhiều nguyên nhân chủ quan, đó là các DN này “chủ động” tự giải thể sau ba năm hoạt động để tránh thuế, sau đó lại xin giấy phép thành lập DN mới. Cũng có những DN làm ăn theo kiểu chụp giật.

Việc số DN vừa và nhỏ ra đời rồi sau đó lại phá sản sẽ để lại nhiều hệ lụy khó lường. Do đó, quá trình cấp phép cho DN hoạt động cần phải được “siết chặt” để loại bỏ những DN “ma” làm ảnh hưởng đến định hướng phát triển kinh tế của tỉnh.

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC


 


.