Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5: Đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

06:07, 04/07/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện kết luận 56 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể” theo nội dung Nghị quyết TƯ 5, khóa IX, thành phần kinh tế tập thể ở Quảng Ngãi đã và đang có những tín hiệu đáng mừng trong hoạt động, sản xuất…

Theo Liên minh Hợp tác xã tỉnh, đến cuối năm 2015, Quảng Ngãi ước có 233/245 Hợp tác xã (HTX) hoạt động, 22 HTX ngừng hoạt động và 83 HTX tổ chức hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Hiện nay, mỗi HTX đạt doanh thu bình quân 1,2 tỷ đồng/năm (tăng 6%) và lãi bình quân 75,6 triệu đồng (tăng 65% so với năm 2011). Toàn tỉnh đã hợp nhất, sáp nhập 8 HTX từ 21 HTX ở huyện Đức Phổ và Sơn Tịnh.

Đa dạng hóa dịch vụ, sản xuất

Dù trên địa bàn xã Đức Phú (Mộ Đức) có đến 4 HTX nhưng HTX Đức Vĩnh được đánh giá là “mạnh dạn, tiên phong thực hiện các dịch vụ, sản xuất đạt hiệu quả thiết thực”. Đó là việc vay vốn mua máy móc nông nghiệp rồi giao khoán lại cho một số hộ sử dụng phục vụ xã viên và người dân; liên kết sản xuất giống; cung ứng vật tư nông nghiệp… Đặc biệt, HTX Đức Vĩnh còn thành lập Đội thi công gồm 8 người. Đội này đảm nhận việc phơi, chế biến và đóng gói giống cho các doanh nghiệp liên kết sản xuất; kiểm tra, khử lẫn ở các cánh đồng lúa giống, với giá 12.000 đồng/sào.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ (bên phải) kiểm tra hoạt động sản xuất của HTX nấm Đức Nhuận.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ (bên phải) kiểm tra hoạt động sản xuất của HTX nấm Đức Nhuận.


Dù mức giá trên thấp hơn các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh giống từ 7.000 – 8.000 đồng/sào, nhưng nói như Chủ nhiệm HTX Đức Vĩnh Đoàn Thanh Minh thì: “Nhiệm vụ của HTX là phục vụ nông dân nên không tính chuyện lãi, lỗ. Với mức thu trên, anh em trong Đội đã đủ chi phí đi lại”.

Còn tại HTX Nghĩa Kỳ Đông (Tư Nghĩa) lại nức tiếng với dịch vụ khuyến nông chăn nuôi. Từ năm 2009, HTX này đã mạnh dạn liên kết mở một, rồi hai trang trại chăn nuôi heo thịt hướng nạc với quy mô gần 2.000 con. Ngoài mức lãi 50 triệu đồng mỗi năm, thì kết quả lớn nhất mà HTX này có được chính là nhân rộng thành công mô hình chăn nuôi ra toàn bộ thành viên, cũng như tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm. Nhờ thế mà sau 5 năm, số lượng đàn heo của các thành viên đã tăng gấp đôi so với trang trại HTX, đồng thời tiến tới thực hiện mục tiêu chăn nuôi heo thịt theo hướng hàng hóa.

Với cách làm được đánh giá là “đột phá, hiệu quả”, HTX Nghĩa Kỳ Đông đang được Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ mở các lớp sơ cấp thú y, nhằm tạo điều kiện phát triển bền vững ngành chăn nuôi cho các thành viên HTX.

Cùng với HTX Đức Vĩnh, Nghĩa Kỳ Đông, các HTX Thọ Nam (Sơn Tịnh), Bình Thanh Đông (Bình Sơn), Thạch Trụ (Mộ Đức)…cũng mạnh dạn liên kết với doanh nghiệp và thành viên đầu tư thiết bị cơ giới nông nghiệp để vừa phục vụ nông dân, vừa duy trì hoạt động.

“Cần mạnh dạn thay đổi tư duy quản lý, hoạt động”

Đó là nhận định của Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Phạm Hoài Nam. Bởi hiện nay, các HTX đã bắt đầu tổ chức hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Do đó, bên cạnh những ưu đãi của Nhà nước thì các HTX cũng phải năng động “tìm việc mà làm”. Bởi hiện giờ, cùng với sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh thì Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đang bước vào giai đoạn nước rút nên HTX có rất nhiều việc để làm; rồi Liên minh HTX tỉnh cũng đang tạo điều kiện để HTX tiếp cận thực hiện các dự án ở địa phương mình như: Dự án của Sở KH&CN về Cơ giới hóa nông nghiệp cho cánh đồng dồn điền đổi thửa ở Bình Dương (Bình Sơn), Tịnh Trà (Sơn Tịnh); dự án Chăn nuôi bò ở Hành Dũng (Nghĩa Hành) với kinh phí hơn 2,5 tỷ đồng; dự án rừng do Phần Lan hỗ trợ, dự án Lập kế hoạch chiến lược cho HTX và gần đây nhất là Dự án do tổ chức Agriterra (Hà Lan) đang tiến hành khảo sát…  

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng thì hiện vẫn còn không ít HTX hoạt động ì ạch, thụ động nên thiếu trước hụt sau, rồi trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước với điệp khúc “thiếu vốn”. Vậy nên “suy cho cùng, những HTX làm ăn thua lỗ là do bản thân HTX đó yếu kém trong công tác quản lý, hoạt động cũng như thực hiện các dự án không đến nơi đến chốn”, ông Phạm Hoài Nam khẳng định.
    
Vấn đề nữa là hiện giờ toàn tỉnh chưa có làng nghề nào thành lập HTX, mà chỉ có HTX “khai sinh” được hai làng nghề nấm ở Đức Nhuận (Mộ Đức) và Bình Thạnh (Bình Sơn). Do đó, cùng với công tác tuyên truyền, hỗ trợ các HTX xây dựng phương án hoạt động; đào tạo nghề cho xã viên cũng như vận động các HTX thực hiện việc hợp nhất, sáp nhập thì việc “chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, đồng thời thúc đẩy việc thành lập HTX ở các làng nghề sẽ góp phần nâng cao hoạt động của loại hình kinh tế này”, ông Phạm Hoài Nam đề xuất.

Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.