Đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, việc nên làm

03:06, 04/06/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp do “quên” không đăng ký quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) dẫn đến các doanh nghiệp bị thua thiệt khi trên thị trường xuất hiện hàng nhái sản phẩm doanh nghiệp đó sản xuất nhưng không thể kiện để lấy lại thương hiệu được do không đăng ký quyền SHTT.
 

Tự đánh mất quyền làm chủ

Theo quy định của Luật SHTT thì một khi người sáng chế, doanh nghiệp đã hoàn thành việc đăng ký và được cơ quan chức năng có thẩm quyền xác nhận và bảo hộ sản phẩm, bảo hộ trí tuệ thì sản phẩm ấy mới thực sự gọi là độc quyền và toàn quyền sản xuất, sử dụng. Còn không khi sản phẩm bị “nhái” lại thì họ không có quyền kiện thưa bởi họ không đăng ký quyền SHTT đối với sản phẩm, nghiên cứu của mình. Hoặc có lấy lại thì cũng rất vất vả.
 
 Sản phẩm Quế Trà Bồng đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Sản phẩm Quế Trà Bồng đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Trường hợp thương hiệu cơm Cây Gòn là một ví dụ. Đây là cái tên rất thu hút khách. Và thế là kế bên cạnh cũng xuất hiện một biển hiệu “quán cơm Cây Gòn”. Chỉ đến khi xảy ra tranh chấp về biển hiệu chủ cửa hàng trên mới “té ngửa” khi không đăng ký  bảo hộ nhãn hiệu dẫn đến thương hiệu bị làm nhái. Và phải có sự can thiệp của các cấp chính quyền và chủ thương hiệu này đăng ký quyền bảo hộ SHTT thì mới chấp dứt tình trạng thương hiệu bị đánh cắp.

 Theo bà Võ Thị Thúy Nga- Phó trưởng Phòng Quản lý Công nghệ và SHTT (Sở KH&CN), việc người dân không chủ động, hoặc thiếu thông tin không đến đăng ký quyền SHTT sẽ gây ra rất nhiều phiền hà cho chính bản thân doanh nghiệp hoặc sản phẩm trí tuệ của họ. Bởi nếu không đăng ký, khi có tranh chấp xảy ra sẽ khiến cho việc phân xử rất khó khăn. “Khi có sản phẩm, thương hiệu hay sáng kiến chế tạo nào thì cá nhân, doanh nghiệp nên đăng ký ngay quyền SHTT để đảm bảo chắc chắn sản phẩm của mình không bị người khác chiếm mất tên tuổi, thương hiệu. Ngoài ra trong thời buổi khoa học phát triển như hiện nay sáng kiến của mình rất dễ bị “lộ” ra bên ngoài và người khác có thể lấy sáng kiến hay sản phẩm của mình đăng ký quyền SHTT thì khi đó chính chúng ta mất quyền làm chủ của mình” – bà Nga nói.

Lợi đôi đường

Việc đăng ký quyền SHTT là điều cần thiết. Theo bà Nga, khi đăng ký quyền SHTT thì bản thân doanh nghiệp cá nhân sẽ lợi đôi đường. Khi đó, họ có quyền được độc quyền sở hữu, sử dụng, khai thác, phát triển và được bảo hộ. Dù về nghĩa vụ, Nhà nước không bắt buộc doanh nghiệp phải đăng ký bảo hộ quyền SHTT, sở hữu công nghiệp (SHCN). Tuy nhiên nếu doanh nghiệp, cá nhân không lập thủ tục đăng ký thì sau khi đã đầu tư về người và của vào sản phẩm để tạo ra tài sản trí tuệ thì rất có thể doanh nghiệp khác đã tiến hành thực hiện đăng ký trước chính các đối tượng SHCN mà doanh nghiệp đã sáng tạo ra. Trong trường hợp như vậy, doanh nghiệp bắt buộc phải ngừng sử dụng, khai thác các đối tượng SHCN đó hoặc tiến hành các thủ tục đòi lại quyền lợi hợp pháp của mình không phải là dễ dàng.

Bên cạnh tự làm chủ trí tuệ của mình nghiên cứu ra thì chính bản thân doanh nghiệp, cá nhân còn có quyền sử dụng, khai thác và nhượng quyền.

Ngoài ra, việc sản phẩm được đăng ký và có nhãn hiệu sẽ tạo ra được sự thu hút của khách hàng, đối tác và là tiền đề để khẳng định uy tín sản phẩm của mình trên thị trường cũng như để khách hàng có thể phân biệt được sản phẩm của mình với doanh nghiệp khác.     

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC

 

.