Những mô hình kinh tế hiệu quả

10:05, 09/05/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân ở xã Nghĩa Hà (TP. Quảng Ngãi) đã biết làm giàu trên mảnh đất quê mình. Những mô hình chăn nuôi đơn thuần tại gia đình nhưng đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, góp phần xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

TIN LIÊN QUAN

Về thôn Hổ Tiếu, chúng tôi được người dân giới thiệu về mô hình nuôi gà Đông Tảo (còn gọi là gà Tiến Vua) của gia đình anh Trần Văn Bốn. Trong diện tích hơn 100m2 nhưng anh nuôi khoảng 300 con gà, gần 200 chim trĩ và 12 con công giống. Mô hình này được gia đình anh xây dựng cách đây hơn 3 năm và hiệu quả kinh tế mang lại rất cao. Đây là những vật nuôi mới lạ nên rất được thị trường ưa chuộng.

Anh Nguyễn Văn Anh (em của anh Bốn) cho biết: “Đây là năm thứ tư gia đình tôi thực hiện mô hình này. Sau nhiều năm, chúng tôi thấy rõ hiệu quả mà nó mang lại, đặc biệt là giống gà Đông Tảo. Bình quân, mỗi năm gia đình thu về từ 100 đến 150 triệu đồng từ việc bán gà, công và chim trĩ. Hiện tại chúng tôi đang mở rộng thêm chuồng trại và nhập thêm gà con về để nuôi”.

Mô hình nuôi gà Đông Tảo và chim công mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Mô hình nuôi gà Đông Tảo và chim công mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.


Vì đây là những giống gia cầm mới lạ nên trong quá trình chăn nuôi, gia đình anh Bốn cũng gặp không ít khó khăn, do thiếu kinh nghiệm chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho vật nuôi. Ðể có kinh nghiệm chăn nuôi, anh tự tìm hiểu các tài liệu, sách báo về kỹ thuật chăn nuôi các giống gia cầm này. Bên cạnh đó anh còn tích cực tham quan các mô hình chăn nuôi trong và ngoài xã, tham gia các lớp tập huấn do Hội Nông dân xã tổ chức để học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh. Nhờ nắm vững kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh nên đàn vật nuôi của gia đình anh Bốn luôn sinh trưởng, phát triển tốt. Lứa sau luôn cho thu hoạch ổn định và cao hơn lứa trước.

Không như gia đình anh Bốn, ông Đinh Văn Quới ở thôn Thanh Khiết chọn cho mình cách làm giàu từ việc nuôi bò. Hiện nay tổng số bò của gia đình ông gần 30 con với nhiều giống khác nhau. Quy mô nuôi nhiều và nuôi tập trung gần các bãi cỏ lớn ven sông cách xa khu dân cư nên rất thuận tiện về nhiều mặt.

Với mong muốn thoát nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê mình nên chỉ từ 3 con bò giống, ông Quới đã mạnh dạn đầu tư và phát triển đàn bò của mình như ngày hôm nay. Ông Quới chia sẻ: “Nuôi bò thì không có gì là khó, chủ yếu là phải có chuồng trại đàng hoàng, thức ăn dồi dào và tốt nhất là có nơi chăn thả. Nhà tôi gần bãi sông, có chỗ chăn thả nên rất thuận lợi cho việc nuôi bò với số lượng nhiều”.

Với đàn bò như thế, hằng năm gia đình ông Quới thu về trên 150 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình ông còn trồng gần 10 sào ớt và 10 sào sú trên đất bãi ven sông.  Từ đó việc phát triển kinh tế của gia đình ông ổn định và bền vững theo từng năm.


Còn lão nông Phạm Phẩm (80 tuổi) thôn Kim Thạch tự phát triển kinh tế gia đình mình cũng từ việc nuôi bò. Tuy tuổi đã cao, nhưng ông vẫn quyết tâm vươn lên thoát nghèo. Hiện tại gia đình ông nuôi 5 con bò giống, mỗi năm thu lãi từ  20 đến 50 triệu đồng.

Kinh tế chủ lực của xã Nghĩa Hà hiện nay là chăn nuôi. Hầu hết bà con nơi đây đã biết cách tự thành lập và phát triển các mô hình kinh tế  hiệu quả tại gia đình. Ông Nguyễn Văn Tiến – Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hà chia sẻ: “Hiện nay, kinh tế của địa phương chủ yếu là chăn nuôi. Hầu hết các hộ dân cũng tự vươn lên thoát nghèo từ các mô hình kinh tế mà họ học hỏi được. Cùng với đó, chính quyền xã, các cấp lãnh đạo huyện và tỉnh cũng có các chính sách để hỗ trợ thêm phần nào cho người dân. Đến nay, số hộ nghèo của xã chỉ còn 4,5%. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh, nhân rộng các mô hình kinh tế trong toàn xã, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo”.
 
Bài, ảnh: ĐÌNH DIỆU

 

.