"Gieo vàng" trên núi

01:04, 13/04/2015
.

(Baoquangngai.vn) - Sau nhiều năm lặn lội mưu sinh khắp nơi, ông Đỗ Kỳ Nhuận (57 tuổi, xã Trà Bình, huyện Trà Bồng) quay về gắn bó với núi rừng. Ông chọn vùng đất trên núi Đám Ké khai hoang, lập nghiệp, gây dựng được trang trại lớn và thu về hơn 300 triệu mỗi năm.
 
Đất núi “nở hoa”
 
Cái nắng gay gắt, oi bức của những ngày đầu mùa khô như muốn đốt cháy da thịt của nhiều lão nông ở vùng cao. Tuy nhiên, khi đến với trang trại của của ông Đỗ Kỳ Nhuận dưới chân núi Đám Ké, cái oi bức như không còn. Nó mát mẻ và tươi vui không khác gì một khu du lịch sinh thái giữa đại ngàn. Xen lẫn tiếng chim hót nơi núi rừng hoang vu là tiếng kêu khá vui tai của đàn gia súc, gia cầm.
 
Dạo một vòng khu trang trại rộng đến 14ha, chúng tôi cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc và sự mãn nguyện của ông Nhuận. Xòe đôi bàn tay có phần chai sạn, ông bộc bạch: “Thành công hôm nay là cả một chặng đường dài gần 20 năm và nếm trải không ít khó khăn, thất bại. Có lúc, tôi tưởng chừng như muốn bỏ cuộc”. 
 
Thời bao cấp, ông Nhuận từng là cán bộ thương nghiệp của Công ty cấp 3 (huyện Trà Bồng). Thời ấy, với đồng lương ít ỏi, gánh nặng nghèo khó, con đông bám lấy đôi vai gầy, ông lại phải xoay sở đủ nghề để nuôi gia đình.
 
Sau 19 năm gắn bó, núi rừng như
Sau 19 năm gắn bó, núi rừng như "nở hoa" với mô hình làm kinh tế của ông.
 
Đầu tắt, mặt tối mà vẫn không thoát được đói nghèo. Ông Nhuận quyết định trở về với đất quế, sống tựa vào núi rừng. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, từ nguồn vốn vay ban đầu 5 triệu đồng, vợ chồng ông lên núi Đám Ké khai hoang 10ha và thuê thêm đất lâm nghiệp, ôm ấp hoài bão làm giàu trên chính quê hương mình với nghị lực phi thường.
 
Những ngày đầu, ông cùng vợ phải thức dậy từ 3 - 4h sáng, cơm đùm cơm gói, lội bộ lên núi cuốc đất, trồng cây. “Ngày đó vùng này hoang vu lắm. Có đêm, vừa mới đặt chân lên, thú dữ cứ gầm rú sợ đến kinh hoàng”, ông Nhuận nhớ lại tháng ngày cơ cực.
 
Thế nhưng, cái giấc mơ vực dậy từ nghèo khổ không làm chùn bước chân của của ông. Mỗi tất đất, mỗi vườn cây, luống rẫy bạt ngàn màu xanh bây giờ đều thấm đẫm mồ hôi, nước mắt của ông và vợ.
 
Khai hoang đến đâu, vợ chồng ông trồng cây ngắn ngày như lúa, bắp, mì đến đó để lấy ngắn nuôi dài. Thu hoạch xong thì đầu tư trồng cây ăn quả. Tổng diện tích đưa vào sản xuất bước đầu là 7ha, với 400 cây xoài, 200 cây nhãn, chôm chôm và 300 cam hồng. Ngoài ra, ông còn trồng xen chuối để bảo vệ cây con, trồng xà cừ và cây gió bầu, kết hợp đào 2.000m2 ao để thả nuôi 4.000 con cá giống các loại. 
 
Đất trả ơn người
 
Thành công luôn đi liền với nhiều rủi ro. Gieo trồng, thả nuôi đã khó, chăm sóc càng khó hơn. Khổ nhất là vào mùa nắng nóng hay thiếu nước, cây cối, hoa màu chậm phát triển. Có hôm, thời tiết chỉ cần trái mùa một chút là đàn vật nuôi đổ bệnh nằm la liệt. 
 
Bên cạnh việc trồng trọt, đào ao thả cá, thu nhập từ chăn nuôi gia súc, gia cầm đem lại cho gia đình ông một mức thu nhập khá lớn.
Bên cạnh việc trồng trọt, đào ao thả cá, thu nhập từ chăn nuôi gia súc, gia cầm đem lại cho gia đình ông thu nhập khá cao.
 
Ông Nhuận vẫn còn nhớ như in chuyện rủi ro cách đây chục năm về trước. Năm ấy, 9ha xoài chăm sóc mãi mà không ra trái, ông phải phá bỏ hoàn toàn, ngậm ngùi ôm cả núi nợ. 
 
May mắn thay, lúc này cây keo lai có giá. Ông liều bán tháo những cây keo trồng dọc khu trang trại mà nhà nước hỗ trợ để bảo vệ xoài và lấy vốn tiếp tục mở rộng diện tích. Chỉ sau thời gian ngắn, ông trả xong nợ và có thêm ít vốn mua cây, con giống để đầu tư cho mô hình trang trại. Kinh tế gia đình từ đây vực dậy và phát triển.
 
“Đất rừng không bao giờ phụ công những người yêu thương, gắn bó với nó. Đến bây giờ, gia đình tôi có 12 ha keo lai, gần 2.000 cây xà cừ, 1.000 cây gỗ sưa, 800 cây gió bầu. Bên cạnh đó là hàng nghìn con gia súc, gia cầm cùng rất nhiều cây ăn quả đem lại giá trị kinh tế cao”, ông Nhuận khoe.
 
Mỗi năm, trừ chi phí, ông thu về hơn 300 triệu đồng và giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương. Trong khi cuộc sống người dân ở đây còn gặp nhiều khó khăn thì ông đã sắm được cho mình đầy đủ tiện nghi, có cả xe tải chạy đường dài. Các con đều học hành đàng hoàng. 
 
Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông còn giúp đỡ người dân địa phương về nguồn vốn, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, cùng nhau làm giàu. Ông Võ Tiến Hữu, Phó Chủ tịch Hội nông dân huyện tự hào khi nói về hội viên của mình: “Ông Nhuận là tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi của huyện nhà. Bà con ở đây luôn cảm phục trước tinh thần hăng say lao động của ông”.
 
Bài, ảnh: Th.Hậu
 
 

.