Trở lại Bãi Ri

01:03, 02/03/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bãi Ri - một địa danh nổi tiếng thuộc xã Ba Thành (Ba Tơ) nằm bên sông Liêng. Tại nơi đây, tháng 4.1930, Chi bộ cộng sản đầu tiên của huyện Ba Tơ được thành lập, do đồng chí Trần Toại làm bí thư, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng ở Ba Tơ. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Bãi Ri trở thành nơi chở che cho phong trào cách mạng.

Chuyện xưa

Mùa xuân. Dòng nước sông Liêng trong xanh. Chúng tôi vượt qua cầu Tân Long Thượng về thôn Bãi Ri. Bãi Ri được bao bọc bởi những cánh đồng lúa xanh non mơn mởn. Làng xóm hiện ra với màu cờ đỏ tung bay trên những nóc nhà. Già Phạm Văn Gun cùng con cháu quây quần bên ché rượu cần, tự hào kể câu chuyện ngày xưa mà già đã được nghe ông cha mình kể.

Đó là câu chuyện về Bí thư chi bộ Trần Toại quê ở làng Thi Phổ Nhất, từng tham gia cuộc vận động yêu nước những năm đầu thế kỷ XX, theo anh ruột lên đây lập trại chăn nuôi tằm, dạy học. Khi tổ chức đảng ở Quảng Ngãi ra đời, đồng chí được kết nạp vào Đảng. Tháng 4.1930 đồng chí Nguyễn Nghiêm lên Ba Tơ kiểm tra công việc chuẩn bị và quyết định thành lập Chi bộ Bãi Ri gồm các đồng chí Trần Hàm, Trần Toại, Nguyễn Quang Mao, Nguyễn Du, Huỳnh Cư, Huỳnh Châu, Huỳnh Mau và Nguyễn Thị Thảng. Cũng từ đó phong trào cách mạng ở Ba Tơ phát triển mạnh, góp phần đáng kể trong việc vận động quần chúng nhân dân nổi dậy kết hợp với những chiến sĩ cách mạng trung kiên ở Căng An Trí Ba Tơ, theo chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Quảng Ngãi làm nên cuộc khởi nghĩa Ba Tơ oai hùng.  

Thời chống Mỹ, mỗi nóc nhà nơi đây trở thành nơi che giấu bộ đội. Đàn ông cầm súng chiến đấu, thanh, thiếu niên đưa thư, tham gia văn công, đàn bà chăm lo sản xuất cung cấp lương thực. Người già trong làng vẫn còn nhớ tấm lòng của vợ chồng già Phạm Văn Vạch và Phạm Thị Kéo (là cha mẹ của già Gun), vợ chồng già Phạm Văn Văn và Phạm Thị Tía tuy không trực tiếp cầm súng nhưng chuyên cần sản xuất lúa nước, hằng năm đóng góp hàng trăm ang thóc để nuôi quân.  

Ở Bãi Ri thời ấy có nhiều chàng trai cô gái tham gia thanh niên xung phong. Vít một hơi rượu cần, già Phạm Thị Dì nghêu ngao câu hát: “Đi chiến trường, đi mở đường, bao gian lao vẫn không chùn bước...”. Ký ức về một thời hoa lửa của già Dì lại ùa về: “Tuổi đôi mươi, đâu kể thiệt hơn. Cứ thấy quê hương mình bị đàn áp, bị dày xéo là xung phong góp sức đánh giặc”. Cha mẹ già cũng như bao người trong làng không cầm súng chiến đấu thì chuyên cần sản xuất và huy động đồng bào góp lương thực cho bộ đội.  

Chuyện nay

Cuộc sống của người dân Bãi Ri đã phát triển, nhiều gia đình đã sắm được các vật dụng đắt tiền để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Cuộc sống của người dân Bãi Ri đã phát triển, nhiều gia đình đã sắm được các vật dụng đắt tiền để nâng cao chất lượng cuộc sống.


Trong chiến tranh dân làng Bãi Ri ở bên núi, bên đồng và bên sông Liêng, nhưng sau khi hòa bình dân số phát triển làng trở nên chật chội. Theo nguyện vọng của hơn 30 hộ dân ở Bãi Ri cũ được xã chuyển đến vùng kinh tế mới cách làng cũ hơn 1km. Bà con nơi đây lập làng trở thành Bãi Ri mới. Bãi Ri mới nằm bên sông Liêng, đất đai phù sa màu mỡ nên trồng cây gì cũng tươi tốt. Trong cách suy nghĩ và mọi tập tục của bà con ở Bãi Ri vẫn được gìn giữ. Mùa xuân về bà con vệ sinh đường làng, cổng ngõ, tiếng chiêng, tiếng cồng đây đó vang lên. Già Phạm Văn Gun bộc bạch: “Ở xóm mới này vui lắm. Đường làng sạch sẽ dễ đi lại. Đất ở, đất sản xuất đều rộng rãi thoải mái, làm ăn thuận lợi hơn nơi ở cũ. Hồi trước, đêm về muốn đến nhà bà con chòm xóm thăm chơi cũng khó, vì đường bờ ruộng, cách trở...”.

Ở Bãi Ri mới bây giờ nhà nhà trồng keo, trồng mía và sản xuất lúa nước. Nhà già Gun nhờ trồng keo, trồng mía mà đã xây dựng được nhà mới, sắm được các vật dụng trong gia đình. Già Gun bật chiếc tivi, mở các chương trình Tết, khoe: “Cũng nhờ tận dụng đất núi trồng keo, đất nà trồng mì và trồng mía nên có năm gia đình thu nhập hàng chục triệu đồng, mới có tiền sắm các thứ này... Hồi ở nơi cũ chỉ có làm ruộng đủ gạo nấu thôi”.

Ở cách nhà già Gun không xa, chị Phạm Thị Chá đang chuẩn bị cỏ cho đàn trâu ăn trong dịp Tết. Chị cho hay: “Nhà nuôi được 8 con trâu. Mấy năm trước, Tết về trâu thả núi, nhưng bây giờ, núi trồng keo. Nếu lùa lên núi xa thì sợ trâu không chịu nổi không khí lạnh nên Tết này phải nhốt chuồng để có thời gian thăm bà con và tiếp bạn bè, người thân. Ngoài nuôi trâu, chị đã trồng được 2 rẫy keo, nhiều ruộng mía, nên gia đình chị đã xây dựng được ngôi nhà khang trang. Chỉ về ngôi nhà xây dựng theo kiểu mới, chị Chá bộc bạch: “Ngôi nhà này nhờ bán keo, bán trâu được gần 100 triệu đồng để xây dựng”.

Ở Bãi Ri mới hôm nay nhà xây, lợp ngói khá nhiều. Đường vào làng rộng, thoáng đãng là điều kiện cho dân đi lại phát triển sản xuất và chăn nuôi. Mùa xuân về trên Bãi Ri- nơi vùng quê cách mạng, người lớn hòa trong âm thanh của tiếng cồng, tiếng chiêng, trẻ em tung tăng tay cầm bóng bay nô đùa giữa đất trời nơi rừng núi xanh thẳm bên sông Liêng. Chúng tôi hiểu, Bãi Ri vùng quê cách mạng hôm nay đã đổi thay.
 

Bài, ảnh: MAI HẠ
 


.