Phụ nữ Nghĩa Phương giúp nhau phát triển kinh tế

10:03, 15/03/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đời sống của người dân nông thôn chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, nên để thoát nghèo, vươn lên làm giàu là một điều vô cùng khó. Hiểu rõ điều đó, nên những năm gần đây, Hội LHPN xã Nghĩa Phương (Tư Nghĩa) đã cho thí điểm và phát triển nhiều mô hình kinh tế theo hướng chăn nuôi, đặc biệt là mô hình“Nuôi chim bồ câu nhốt chuồng”. Từ đó, cuộc sống của chị em phụ nữ ngày càng được cải thiện, kinh tế gia đình khấm khá hơn.

Có được ngôi nhà khang trang, gọn gàng và các con đều đang học đại học, bà Phan Thị Kim Hoan (51 tuổi) ở thôn An Đại 1 vô cùng biết ơn sự giúp đỡ của Hội LHPN xã khi đã giới thiệu và tạo điều kiện vay vốn để gia đình phát triển mô hình nuôi chim bồ câu nhốt chuồng. “Gia đình chỉ có 5 sào lúa, hai vợ chồng lại đau ốm suốt, làm không đủ ăn lại phải nuôi 2 con ăn học, gia đình lúc nào cũng trong cảnh túng quẫn”, bà Hoan bồi hồi nhớ lại khoảng thời gian cùng cực khi chưa nuôi chim bồ câu.

Mô hình“Nuôi chim bồ câu nhốt chuồng” giúp nhiều phụ nữ xã Nghĩa Phương thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Mô hình“Nuôi chim bồ câu nhốt chuồng” giúp nhiều phụ nữ xã Nghĩa Phương thoát nghèo, vươn lên làm giàu.


Hiện nay, gia đình bà Hoan là một trong những hộ nuôi chim nhiều nhất xã Nghĩa Phương, với gần 700 con. Bà Hoan cho biết, nuôi chim bồ câu nhốt chuồng rất dễ, không lo dịch bệnh lại nhanh thu hồi vốn. Từ 35 cặp chim ban đầu, đến nay trong chuồng đã có hơn 300 cặp. Chim bồ câu là loài sinh sản nhanh, nên trung bình một tháng lại có một lứa mới. Với đầu ra ổn định, thương lái thu mua tận nhà với giá 70 nghìn đồng/cặp chim ra ràng, trung bình mỗi tháng bà Hoan bán gần 300 cặp, trừ các chi phí, thu về gần 10 triệu đồng.

Giữa năm 2012, qua thông tin trên báo đài, mạng internet, Hội LHPN xã biết đến mô hình nuôi chim bồ câu nhốt chuồng. Biết đây là cơ hội giúp các hội viên phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững. Hội nhanh chóng triển khai, tổ chức nhiều cuộc họp, đến từng nhà vận động chị em hội viên tham gia mô hình mới này, đặc biệt là các hộ nghèo. Không chỉ giới thiệu, hướng dẫn chi tiết cách dựng chuồng, trại, nuôi và chăm sóc chim bồ câu, Hội còn đứng ra vay vốn của Ngân hàng chính sách cho các hộ tham gia nuôi, giúp họ có vốn đầu tư ban đầu. Mỗi hộ tham gia mô hình sẽ được cho vay 15 triệu đồng với lãi suất thấp.

Được biết, cuối năm 2012, có 10 hộ tham gia và đến thời điểm này có 8/10 hộ đã thoát nghèo. Chị Huỳnh Thị Thanh Thỏa ở thôn An Đại 1, là một trong 10 hộ nuôi chim bồ câu đầu tiên tham gia mô hình do Hội triển khai. Giờ đây, gia đình chị Thỏa đã thoát nghèo, đời sống kinh tế ngày càng được nâng cao và mô hình nuôi chim bồ câu nhốt chuồng trở thành nghề chính của gia đình, mang lại thu nhập ổn định. Đến đầu năm 2015, đã có thêm 5 hộ tham gia vào mô hình này.

Không chỉ giúp hội viên thoát nghèo bền vững, Hội LHPN xã còn là nơi để các chị em tham gia giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế, cùng nhau vươn lên làm giàu. Bên cạnh mô hình nuôi chim bồ câu nhốt chuồng, Hội còn triển khai cho vay, phát triển nhiều mô hình như chăn nuôi bò sinh sản, ấp trứng, chăn nuôi vịt…

Toàn xã có 1.260 hội viên phụ nữ, năm 2013 có 194 hội viên là hộ nghèo nhưng đến đầu năm 2015, số hộ nghèo đã giảm chỉ còn 58 hộ. Chị Võ Thị Huệ- Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Nghĩa Phương, cho biết: Hằng tháng, hội đều tổ chức họp mặt định kỳ. Bên cạnh việc giúp nhau làm kinh tế, hội còn khuyến khích các hội viên tham gia nhiệt tình các phong trào do địa phương phát động. Đồng thời, thành lập nhiều quỹ như “vì người nghèo”, “ống tiền tiết kiệm”… để giúp đỡ các hội viên gặp khó khăn nói riêng và các gia đình nghèo trong xã nói chung. Từ những hoạt động thiết thực và sáng tạo, trong những năm qua Hội LHPN xã Nghĩa Phương đã trở thành mái nhà chung của các chị em trong xã. Hội đã góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Bài, ảnh: HIỀN THU
 


.