Thương lái, doanh nghiệp hưởng lợi, người dân chịu thiệt

09:02, 22/02/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù giá xăng dầu đã giảm mạnh, song giá cước vận tải lại giảm… rất nhẹ. Theo tính toán của nhiều chuyên gia kinh tế, việc chậm “xử lý” các doanh nghiệp vận tải, các đầu mối cung cấp hàng hóa chây ì để trục lợi từ giá xăng dẫn đến người tiêu dùng chịu nhiều thiệt thòi.

TIN LIÊN QUAN

Giảm nhỏ giọt

Giá xăng dầu giảm mạnh trong thời gian qua, nhưng các doanh nghiệp vận tải vẫn “rên siết” trong việc giảm giá cước và cho rằng việc tiếp tục giảm sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Thậm chí có doanh nghiệp còn cho rằng việc giảm giá như hiện nay đã là sát sườn và phải biết… tiết kiệm thì mới có lãi, còn không thì chỉ huề vốn, thậm chí là lỗ.

Doanh nghiệp vận tải vẫn chưa muốn giảm giá cước theo giá xăng, dầu.
Doanh nghiệp vận tải vẫn chưa muốn giảm giá cước theo giá xăng, dầu.
Trong ảnh: Một xe tải đang xuống lô hàng hoa xuân.     Ảnh: LÊ ĐỨC


Theo báo cáo của Đoàn kiểm tra liên ngành về việc kê khai và thực hiện giá cước vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh, theo Quyết định số 1602/QĐ-SGTVT ngày 8.12.2014 của Giám đốc Sở GTVT tại 17 đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh cho thấy, có 15 đơn vịkinh doanh vận tải đã thực hiện kê khai giảm giá cước đúng  quy định. Trong đó, có 12 đơn vị kinh doanh vận tải tham gia vận chuyển khách theo tuyến cố định liên tỉnh được kiểm tra thực hiện giảm giá cước với tỷ lệ giảm từ 2,5% - 14,7%; 3 đơn vị kinh doanh vận tải bằng taxi giảm giá cước từ 2,9% -  27,5%.

Một doanh nghiệp vận tải hành khách cho biết, hiện nay giá vé đã giảm rất mạnh. Trong đó, giá vé tuyến Quảng Ngãi-TP.HCM đang bằng với giá tuyến Phú Yên-TP.HCM. Do đó, việc tiếp tục giảm giá cước nữa là rất khó. Cũng cùng chung ý kiến, là các doanh nghiệp vận tải hàng hóa khi cho rằng, việc bắt doanh nghiệp chạy theo giá xăng, dầu chẳng khác nào đẩy doanh nghiệp rơi vào thế bị động.

“Một tháng giá xăng dầu trồi lên, sụt xuống vài lần buộc kế toán công ty phải liên tục báo giá khác nhau cho khách hàng. Chỉ cần thay đổi thế cũng đủ mệt rồi. Ngoài ra, giá bảo hiểm, giá lốp xe, thiết bị và cả tiền lương lái xe đều tăng. Trước đây, khi chưa siết tải trọng chúng tôi chở quá tải còn có lãi, nay dù bị kiểm soát tải trọng nhưng giá cước vẫn chừng ấy. Nếu chúng tôi tiếp tục giảm giá cước theo giá xăng thì chỉ có nước ngừng hoạt động” – đại diện một doanh nghiệp vận tải lý giải.

Người dân chịu thiệt

Trong khi người tiêu dùng đang phải chịu thiệt thòi, thì các doanh nghiệp vận tải vẫn khẳng định là đã “chốt” giá và không thể giảm được vì nếu giảm nữa sẽ lỗ. Tại chợ đầu mối Gò Quán (phường Nghĩa Chánh, TP.Quảng Ngãi), thương lái nhập hàng rau, củ, quả từ Đà Lạt về cho biết, giá xăng dầu giảm không phải là yếu tố để quyết định giá cả mà tùy vào tình hình sức mua, lượng hàng ở chợ mới quyết định được giá.

Giá xăng giảm mạnh, trong khi đó giá hàng hóa thực phẩm ngoài chợ vẫn tăng vào dịp cuối năm.
Giá xăng giảm mạnh, trong khi đó giá hàng hóa thực phẩm ngoài chợ vẫn tăng vào dịp cuối năm.


Tại chợ Quảng Ngãi, theo khảo sát của chúng tôi, giá các mặt hàng như súp lơ, su hào, cà rốt, mồng tơi… vẫn được bán bằng với giá cách đây một tháng. Lý giải điều này, chị Thu Hoài, cho biết do nhập vào giá cao nên mình phải bán vậy, ngoài ra đưa hàng về chợ phải chịu thêm tiền vận chuyển, hao hụt nên phải bán với giá cao mới có lãi.

Theo ông Nguyễn Vỹ Đại, cách lý giải của doanh nghiệp vận tải, thương lái bán sỉ như vậy là đang “ép phe” để móc túi người tiêu dùng. Ví dụ một chuyến xe 10 tấn chở rau xanh từ Đà Lạt về Quảng Ngãi có giá vào tháng 7.2014 là 900.000 đồng/tấn, thì nay chỉ còn dao động ở mức 700-750.000 đồng/tấn. Tính ra, 10 tấn hàng thương lái và nhà bán lẻ hưởng lợi khoảng 2 triệu đồng.

 Tiếp đến là nhà xe, cũng chở 10 tấn rau từ Đà Lạt về Quảng Ngãi cả đi và về, tiêu tốn khoảng trên 250 lít dầu. Như vậy giá dầu giảm từ 22.820 đồng/lít đầu tháng 7 còn 15.170 đồng/lít, tương đương giảm được 7.650 đồng/lít. Nhờ đó, hãng xe tiết kiệm được khoảng 2 triệu đồng tiền dầu. Xe 10 tấn trước đây lấy cước khoảng 9 triệu đồng/chuyến, nay chỉ giảm khoảng 700.000 đồng/chuyến, còn 8.300.000đ. Như vậy, nhà xe hưởng lợi từ giá dầu giảm là 1.300.000 đồng/chuyến.

Như vậy có thể thấy, một xe 10 tấn chở rau quả từ Đà Lạt về Quảng Ngãi, thương lái và nhà xe cùng hưởng lợi. Đó chính là khoảng tiền mà người tiêu dùng phải chịu thiệt. Theo ông Nguyễn Vỹ Đại - Chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, việc chậm giảm giá các mặt hàng theo giá xăng đã mang lại cho doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp vận tải những món lợi lớn. Trong khi người tiêu dùng đang phải chịu thiệt thòi khi phải mua hàng hóa với giá cao.

Trước tình trạng trên, để đảm bảo quyền lợi của người dân, Sở Tài chính đã ban hành Công văn số 101/STC-QLGCS ngày 14.1.2015 yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải tiếp tục tính toán lại giá thành để điều chỉnh giảm giá cước vận tải cho phù hợp với giá nhiên liệu giảm theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính và UBND tỉnh.


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC

 


.