Hy vọng "mùa vàng"

05:02, 25/02/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau Tết, bà con nông dân lại rộn ràng ra đồng. Trên gương mặt mỗi người ánh lên niềm tin vào một mùa vàng bội thu. Không khí Tết được bà con nông dân chuyển dần từ nhà ra đồng.

Chăm bón lúa trong ngày Tết

Bước vào sản xuất vụ đông xuân 2014 - 2015, nông dân trong tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn về thời tiết và giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao… Thế nên, ngay trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, bà con nông dân đã cùng nhau xuống đồng, chăm sóc lúa với nguyện ước cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

 Nghỉ Tết nhưng nông dân vẫn không quên thăm dồng, chăm sóc lúa.
Nghỉ Tết nhưng nông dân vẫn không quên thăm dồng, chăm sóc lúa.


Mặc dù đang nghỉ Tết, nhưng vợ chồng bà Võ Thị Dung, xã Bình Nguyên (Bình Sơn) vẫn không quên việc thăm đồng. Bà Dung chia sẻ: “Tranh thủ thời tiết nắng ấm, vợ chồng tôi mang ít phân rải cho ruộng. Đến kỳ mà không bón phân là lúa sẽ không nở và xanh tốt được. Mình là nông dân, làm ruộng là chính nên dù nghỉ Tết nhưng vẫn phải thường xuyên ra đồng. Cũng nhờ thăm đồng thường xuyên mà mấy đám ruộng của tôi mới không bị chuột, ốc bươu vàng và cua đồng cắn phá đấy!”.

Còn đối với nông dân Hồ Vững, xã Bình Trung (Bình Sơn) thì việc thăm đồng là “chuyện thường ngày”.  Vậy nên, trong những ngày Tết, dù không rải phân, bơm thuốc nhưng ông vẫn ra đồng. “Nông dân vui buồn, sướng khổ đều nhờ cây lúa, nên vui chơi Tết chỉ vài ba ngày lại ra đồng rồi, có đi đâu xa dài ngày cũng không an tâm”, nông dân Hồ Vững cho biết.    

Theo ông Đàm Bàng - Trưởng Phòng NN & PTNT huyện Nghĩa Hành, so với mọi năm, vụ đông xuân năm nay có nhiều thuận lợi hơn. Mặc dù thời điểm mới xuống giống, thời tiết lạnh kéo dài nên cây lúa chậm phát triển. Tuy nhiên, trong những ngày nghỉ Tết, thời tiết thuận lợi, nắng ấm nên cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Hơn nữa trong những ngày qua nông dân trong huyện có nhiều hoạt động vui Xuân, đón Tết nhưng vẫn không quên công việc ruộng đồng. Họ thường xuyên kiểm tra đồng ruộng nên đã kịp thời phát hiện và phòng trị sâu bệnh hiệu quả.

Ông Dương Văn Tô – Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Để người dân vui Tết nhưng không quên ruộng đồng, ngành nông nghiệp đã thành lập các ban chỉ đạo sản xuất ở các địa phương để theo dõi và kịp thời hướng dẫn bà con nông dân cách điều trị bệnh cho lúa theo đúng quy trình kỹ thuật. Do đó, tình hình sâu bệnh, dịch hại cũng như nước tưới được đảm bảo. Hiện tại toàn bộ diện tích lúa đông xuân 2014-2015 đang trong giai đoạn đẻ nhánh, phát triển tốt”.

Mong lúa được mùa, được giá

Năm 2014 là một năm đầy khó khăn đối với ngành nông nghiệp do hậu quả của sa bồi thủy phá, kênh mương hư hỏng, tình trạng thiếu nước tưới… Tuy nhiên, vượt qua tất cả, nông dân trong tỉnh đã có một năm đầy thắng lợi với niềm vui lúa được mùa - được giá. Do đó, trong năm mới Ất Mùi 2015 này, nông dân trong tỉnh tiếp tục hy vọng vào một năm mưa thuận gió hòa để mùa màng tươi tốt, bội thu...

Bà Lê Thị Liên, xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh) trăn trở: “Làm nông rất vất vả. Bao nhiêu thứ đều trông chờ vào cây lúa. Thế nên năm nào trời không thương làm cho trận lũ, hoặc hạn hán là coi như mất trắng. Còn năm nào được mùa nhưng giá lúa hạ thì cũng lỗ vốn. Chỉ cầu mong sao, trong năm mới này người nông dân sẽ bội thu, lúa đầy bồ, thóc đầy sân để con cái có tiền ăn học...”.

Đông xuân là vụ sản xuất chính trong năm. Vì vậy, để có một vụ mùa bội thu cả về năng suất, sản lượng và chất lượng, bên cạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, người nông dân phải dầm mưa dãi nắng, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Tuy nhiên, điều mà người nông dân lo ngại không phải là sự vất vả mà chính là lúa có được mùa, được giá hay không. Nỗi lo này luôn thường trực và xuyên suốt đối với những người nông dân chân lấm tay bùn. Hy vọng vụ đông xuân này, nông dân Quảng Ngãi sẽ gặt hái mùa vàng.


Bài, ảnh: HỒNG HOA


 


.