"Sóng cả không ngã tay chèo"

01:01, 14/01/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Khép lại một năm ra khơi đầy sóng gió,  hiểm nguy của năm cũ… Niềm tin, hy vọng về năm mới cá đầy khoang, sóng hiền hòa…lại tiếp tục hiện lên trên những gương mặt dày dạn gió sương.

TIN LIÊN QUAN

Tháng 5 năm ngoái, tàu cá QNg 90045TS của chủ tàu kiêm thuyền trưởng Võ Bá Nha, xã Bình Châu (Bình Sơn) cập cảng Tịnh Kỳ trong tình trạng rệu rã sau gần nửa tháng bị tàu nước ngoài rượt đuổi. Tàu của ngư dân Nguyễn Văn Quang, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu cũng vào bờ trong tình trạng vỡ cabin, trên tàu có hai ngư dân bị thương nặng…

Ngư dân Võ Văn Lựu cùng ngư dân Võ Nhị đồng hành vươn khơi.
Ngư dân Võ Văn Lựu cùng ngư dân Võ Nhị đồng hành vươn khơi.


Gương mặt sạm đen vì nắng gió của ngư dân Nguyễn Văn Quang chợt buồn, khi kể về những sóng gió đã phải trải qua. Tài sản trên tàu bị đập phá, cabin vỡ nát. Thuyền viên thì bị đánh trọng thương, phải nhập viện…Toàn bộ tiền tổn lên đến hơn 200 triệu đồng cho phiên biển coi như mất trắng. Tiền sửa chữa tàu cũng ngót nghét 300 triệu đồng. Cùng gặp hoàn cảnh như ông Quang, ngư dân Võ Văn Lựu cũng đượm buồn khi nhớ lại phiên biển hồi tháng 3 năm ngoái. Toàn bộ ngư lưới cụ cùng 5 tấn hải sản đều bị cướp sạch. Trở về sau phiên biển trắng tay cùng 13 thuyền viên trên tàu, ông Lựu gần như quỵ ngã khi thử nhẩm tính chi phí sửa chữa, mua lại ngư lưới cụ lên đến gần 400 triệu đồng…
 

Đồng hành cùng ngư dân, ông Phan Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Năm 2014 tỉnh đã phân bổ gần 40 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân theo chính sách hỗ trợ nhiên liệu đánh bắt vùng biển xa. Bên cạnh đó, Quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh cũng đã hỗ trợ đối với các tàu bị nạn hàng chục tỷ đồng (tối đa 700 triệu đồng/tàu).

Nhưng đó chỉ là tâm sự của mùa biển cũ. Những “vết thương” trên mạn tàu, thân tàu, cabin giờ đã “liền sẹo” khi được ngư dân đầu tư tu sửa, phủ lên một lớp sơn mới. Cập bờ sau hơn 2 tháng đánh bắt ở ngư trường Trường Sa đúng dịp đầu năm mới, ngư dân Nguyễn Văn Quang phấn khởi khoe: “Thường thì mỗi phiên biển chỉ kéo dài từ 20 ngày đến 1 tháng. Nhưng đợt rồi, tàu tôi đi 2 tháng tròn. Đi dài ngày, đánh bắt nhiều để bù cho những tổn thất trong năm”. Như đáp đền lại quyết tâm bám biển của ông chuyến biển thuận buồm, xuôi gió đã mang về cho ông hơn 800 triệu đồng.

Gặt hái được nhiều sau chuyến biển bình an, nhưng với ông Quang, điều mà ông vui nhất lại chính là việc thuyền trưởng trẻ tuổi Nguyễn Tấn Hải, dù mới xuất viện sau đợt bị đánh trọng thương, nhưng vẫn quyết định cùng ông lênh đênh 60 ngày trên sóng nước. “Người trẻ còn quyết tâm bám biển, là mình còn mừng. Bởi mình già rồi, nếu ngư dân trẻ mà chùn bước, mà bỏ biển, thì gay go”, ông Quang bảo.  

Còn với ngư dân Võ Nhị- một trong những ngư dân can trường của làng chài Châu Thuận Biển, Bình Châu không may có tàu bị phá nước rồi chìm trong năm 2014, cũng khấp khởi vui mừng khi đầu năm 2015 này, bằng số tiền do phía bảo hiểm tàu thuyền chi trả, ông đã vừa kịp đóng mới cho mình chiếc tàu công suất 500CV. Hạ thủy vào ngày 7.1 vừa qua, ông Nhị hy vọng: “Tàu mới sẽ có thành quả mới. Không thất bát, tai ương như năm cũ”. Vui cùng niềm vui của ngư dân Võ Nhị, ngư dân Võ Văn Lựu- người chấp nhận lỗ tổn để cứu và đưa 11 ngư dân trên tàu ông Võ Nhị về đất liền, chia sẻ: “Mới vừa bỏ ra gần 400 triệu đồng để sửa chữa lại, thì chuyến biển sau, 180 triệu đồng tiền tổn coi như tiêu tan khi quyết định cứu và đưa 11 ngư dân tàu bạn vào bờ. Mất tiền, nhưng tôi không tiếc. Bởi nếu ngư dân cùng đi trên biển, mà không cưu mang nhau, thì làm sao sống được giữa trùng khơi?”.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu cho biết: “Thông qua nguồn hỗ trợ từ Nhà nước, các cơ quan, đoàn thể cộng với sự tự lực của ngư dân, đến nay, tất cả các trường hợp tàu thuyền bị tàu Trung Quốc truy đuổi, phá hoại, tịch thu lưới cụ trong năm 2014, đều đã hoàn tất việc sửa chữa, đóng mới để vươn khơi trong năm 2015. Dù gặp không ít khó khăn trong hành trình đánh bắt, nhưng quyết tâm bám biển của ngư dân vẫn vững vàng”.


Bài, ảnh: Ý Thu


 


.