Mục tiêu tăng trưởng 6,2% năm 2015 là khả thi

02:01, 02/01/2015
.

Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, năm 2015, kinh tế nước ta sẽ tiếp tục xu thế phục hồi tăng trưởng thuận lợi hơn chủ yếu nhờ yếu tố bên trong.

Dự báo tốc độ tăng trưởng quý I/2015 sẽ là 5,4%, cao hơn cùng kỳ 2014. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong các quý tiếp theo và mục tiêu tăng trưởng 6,2% cả năm 2015 là khả thi.

Phân tích những thuận lợi, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) nhận định: Tổng cầu sẽ hồi phục trong năm 2015 do tiêu dùng phục hồi nhờ lạm phát thấp trong năm 2014 sẽ giúp cải thiện sức mua. Đầu tư tư nhân cải thiện do môi trường kinh tế vĩ mô cùng với những cải cách thể chế sẽ tạo dựng niềm tin của DN và hộ gia đình.

Cùng với đó, khả năng thu hút đầu tư nước ngoài cao hơn với triển vọng TPP được ký kết trong năm 2015. Việc sửa đổi và dự kiến sửa đổi nhiều luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Nhà ở… cũng tạo điều kiện cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam. Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng khá từ những dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và sẽ tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.

Phía tổng cung cũng được cải thiện nhờ quá trình tái cơ cấu dần phát huy tác dụng đối với năng suất của nền kinh tế. Hơn nữa, giá hàng hóa thế giới tiếp tục giảm sẽ tạo điều kiện cho DN cắt giảm chi phí sản xuất, thúc đẩy tổng cung trong nước.

NFSC dự báo giá dầu thế giới trong năm 2015 giảm 33% và giả định giá xăng dầu trong nước giảm tương ứng thì giá thành sản phẩm sản xuất trong nước sẽ giảm 3%, mặc dù có thể gây khó khăn cho nguồn thu ngân sách.

NFSC đánh giá, giá xăng dầu giảm trong năm 2015 là cơ hội thuận lợi cho DN tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí đầu vào, thúc đẩy sản xuất. Để DN tận dụng cơ hội này thì chính sách thuế nhập khẩu, phí nhập khẩu xăng dầu cần bảo đảm hài hòa giữa mục tiêu bảo đảm nguồn thu ngân sách và mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Với xu hướng giảm giá hàng hóa thế giới trong năm 2015, NFSC cho rằng, cần có các biện pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu, quản lý nhập khẩu. Bên cạnh các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu cũng cần có các biện pháp khuyến khích tiêu dùng trong nước thông qua phát triển hệ thống phân phối, đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, hỗ trợ DN tiêu thụ sản phẩm.

Mặc dù tình hình các DN nhìn chung đã được cải thiện nhưng các DN vừa và nhỏ vẫn còn khó khăn. Do đó, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia kiến nghị trong năm 2015 cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh để tăng thêm cơ hội cho các DN, nhất là việc triển khai có hiệu quả Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), đồng thời, tạo thuận lợi cho các DN vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh có hiệu quả.


Theo chinhphu.vn


.