Mua hàng qua mạng: Tiện ích nhưng rủi ro

01:01, 12/01/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chỉ cần có trong tay một chiếc điện thoại di động hoặc một sản phẩm công nghệ bất kỳ có kết nối internet, qua một vài thao tác, chúng ta đã có thể sở hữu món hàng mình muốn. Tiện ích của việc mua hàng trên mạng là điều phải thừa nhận, nhưng đi kèm với nó luôn là những rủi ro mà không phải ai cũng lường trước được.


“Nghiện” mua sắm online

Cầm chiếc điện thoại trên tay, Phương Dung (học sinh Trường THPT Trần Quốc Tuấn) tỏ ra khá thành thục trong việc lướt web mua hàng. Nhiều trang facebook bán quần áo và mỹ phẩm từ Quảng Ngãi, Đà Nẵng, cho đến TP.HCM, Dung đều thuộc “nằm lòng”. Dung cho biết, cứ rảnh là em lên face xem có món gì hay, độc đáo không. Người bán cứ úp hình liên tục, không xem không được. Mà xem bao nhiêu cũng chẳng lo chủ hàng dòm ngó như mua ngoài tiệm. Nhưng ngặt nỗi, xem rồi thấy thích mà không mua lại cảm thấy bứt rứt khó chịu lắm.

Mua hàng online ngoài việc người mua được thuận tiện trong việc lựa chọn mẫu mã thì giá cả cũng có phần “dễ thở” hơn, bởi người bán không tốn chi phí thuê mặt bằng. Vì lý do này mà nhiều bạn trẻ đã bỏ ra không ít thời gian để săn lùng những món hàng giá rẻ trên mạng.

 “Cứ mỗi lần em lùng mua được trên mạng món hàng vừa đẹp vừa rẻ, tụi bạn ngưỡng mộ lắm. Hôm trước, em còn mua được cho đứa bạn chiếc điện thoại iphone 5s trên mạng, giá “mềm” hơn mua ngoài cửa hàng đến 3 triệu đồng. Em còn ship được hàng hiệu giảm giá ở Mỹ về, sang tay bán lại cũng lời được kha khá tiền. Vậy nên nhiều khi ghiền “săn” hàng quá quên cả ăn, cả ngủ”, Nhật Minh - sinh viên Trường Đại học Tài chính Kế toán vô tư nói.

Cảnh giác không thừa

Tại nhiều gian hàng trên các trang web nổi tiếng như: enbac.com, raovat123.com, rongbay.com… hay các trang facebook, dễ dàng bắt gặp những lời hướng dẫn cách mua hàng: “Chuyển khoản 100%. Sau khi chuyển khoản, nhắn tin vào điện thoại thông báo cho mình biết nhé. Mình sẽ chuyển hàng cho bạn theo hình thức chuyển phát nhanh nhất ngay sau khi nhận được tiền”.

Việc người mua bắt buộc phải đặt niềm tin vào người bán, làm không ít khách hàng gặp cảnh “dở khóc, dở cười”. Chị Nhung (21 tuổi), ở đường Lê Văn Sỹ (TP.Quảng Ngãi) bực bội bảo: “Mình đặt mua áo khoác đôi tặng người yêu, nhưng áo cho anh ấy họ gởi về quá chật. Trong khi trước đó mình đã gửi số đo kỹ lưỡng. Còn chất lượng vải thì thôi, khỏi bàn. Hình ảnh quảng cáo và sản phẩm ngoài đời một trời một vực. Mình gọi điện, nhắn tin phản ánh thì người bán “lặn mất tăm”, vậy là mất toi 700 ngàn”.

Ở Quảng Ngãi hiện chưa có hành vi lừa với hình thức kinh doanh thương mại điện tử bị tố giác và nhờ đến cơ quan chức năng vào cuộc xử lý. Tuy nhiên, trước tình trạng nhiều người tiêu dùng hiện nay đang bị những đối tượng xấu lợi dụng bán hàng nhái, kém chất lượng, ông Nguyễn Vỹ Đại – Chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Quảng Ngãi nói: Những nạn nhân mất từ vài trăm đến một triệu đồng thường “tặc lưỡi” cho qua và xem đó là bài học xương máu của bản thân mà không khiếu nại đến cơ quan chức năng. Ngoài ra, do phương thức thanh toán tiền và chuyển hàng không được đăng ký nên cơ quan chức năng cũng gặp khó trong việc xử lý khi có tranh chấp xảy ra.

“Thời điểm cuối năm, nhu cầu mua sắm qua kênh thương mại điện tử tăng cao, sẽ là điều kiện thuận lợi cho đối tượng làm ăn không chính đáng hoạt động. Để không bị “mắc bẫy”, người mua cần phải nâng cao cảnh giác, tra cứu kỹ và tham khảo nhiều nguồn thông tin để có thể lựa chọn được cho mình cửa hàng uy tín”, ông Đại khuyến cáo.


Thu Hiền


 


.