Doanh nghiệp Quảng Ngãi, một năm vượt khó

09:01, 01/01/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong một năm có nhiều biến động, nhưng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn nỗ lực vượt khó, qua đó đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

TIN LIÊN QUAN

Năm 2014, các nền kinh tế lớn phát triển theo hướng đẩy nhanh tăng trưởng nhưng có nhiều yếu tố rủi ro trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ. Trong khi đó, nhiều nền kinh tế mới nổi gặp trở ngại từ việc thực hiện chính sách thắt chặt để giảm áp lực tiền tệ. Trong nước, tình hình sản xuất kinh doanh vẫn còn bị tác động bởi những khó khăn từ những năm trước chưa được giải quyết triệt để như áp lực về khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao, sức ép nợ xấu còn nặng nề, hàng hóa trong nước tiêu thụ chậm, năng lực quản lý và cạnh tranh của doanh nghiệp thấp. Ở Quảng Ngãi, hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực xây dựng, chế biến gỗ, dăm và bất động sản còn khó khăn, chưa đủ sức phục hồi. Một số dự án có vốn đăng ký đầu tư lớn, nhưng chậm thực hiện hoặc tạm dừng...

 

Doanh nghiệp vượt khó đã giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.            Ảnh: Thanh Long
Doanh nghiệp vượt khó đã giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Ảnh: Thanh Long


Tuy nhiên, trong khó khăn, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn nỗ lực tìm kiếm các hợp đồng để duy trì sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm cho người lao động. Điểm đáng chú ý là trong năm qua, thị trường xuất nhập khẩu đã có sự biến động do những ảnh hưởng từ thị trường Trung Quốc, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh vẫn chủ động tìm kiếm thị trường mới, nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu cả năm đã cán mốc 650 triệu USD, vượt kế hoạch đến 36,8%. Ông Ngô Văn Tươi-Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông sản thực phẩm chia sẻ, khó khăn lớn nhất trong năm qua là thị trường xuất khẩu có sự biến động lớn do ảnh hưởng từ thị trường xuất khẩu truyền thống Trung Quốc. Và để có thị trường xuất khẩu vững chắc, Công ty đã phải dồn lực mở rộng thị trường sang các nước Đài Loan, Malaysia, Indonesia và Hàn Quốc.

Đồng hành cùng doanh nghiệp, tỉnh tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách của Trung ương về hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn; tổ chức Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp; tôn vinh doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu. Bên cạnh đó là tổ chức đào tạo kiến thức quản trị doanh nghiệp; nâng cao năng lực cán bộ làm công tác quản lý doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành  chính liên quan đến đầu tư; nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ, phục vụ doanh nghiệp.

Trong năm 2014, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức đối thoại trực tiếp với hàng trăm doanh nghiệp để lắng nghe nguyện vọng, nắm bắt những khó khăn, đề xuất của doanh nghiệp trong việc giải quyết những vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh. Tiếp sức cùng doanh nghiệp, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã thành lập tổ "phản ứng nhanh" để theo dõi và đề xuất các biện pháp hỗ trợ, xử lý đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn đột xuất trong sản xuất, kinh doanh. Giám đốc Công ty CP Tiến Thành Trần Văn Quỳnh cho hay, sự quan tâm hỗ trợ kịp thời từ Ban quản lý các KCN tỉnh là việc làm thiết thực trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn như hiện nay, để doanh nghiệp đủ sức trụ vững trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều khó khăn, biến động.

Sản phẩm tinh bột mì của Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi được đóng gói xuất khẩu.
Sản phẩm tinh bột mì của Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi được đóng gói xuất khẩu.


Sự vào cuộc của các ngành liên quan đã tập trung tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn, đầu tư, mở rộng thị trường. Bà Phạm Thị Thuý Kiều - Giám đốc Vietcombank Quảng Ngãi cho biết, trong thời gian qua, Vietcombank Quảng Ngãi là ngân hàng hàng đầu trên địa bàn với thị phần tín dụng chiếm hơn 30%; các dự án do Vietcombank đầu tư đều phát huy hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội địa phương. Vietcombank Quảng Ngãi luôn ưu tiên cho vay đối với doanh nghiệp xuất khẩu, những doanh nghiệp giải quyết nhiều lao động, cũng như doanh nghiệp tiêu thụ được nguồn nguyên liệu dồi dào của địa phương.

Chính sự trợ lực kịp thời, nên hoạt động của các doanh nghiệp vẫn mang nhiều gam màu sáng. Nếu như trong năm có 225 doanh nghiệp ngừng hoạt động, 13 doanh nghiệp tạm nghỉ chưa đóng mã số thuế thì có đến 336 doanh nghiệp thành lập mới, có 65 doanh nghiệp ra kinh doanh lại, nâng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh hơn 4.830 doanh nghiệp. Không những thế, tại KKT Dung Quất có 7 dự án được điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, còn tại các Khu công nghiệp tỉnh có 5 dự án được điều chỉnh tăng vốn.

Hoạt động của các doanh nghiệp đã đưa lĩnh vực công nghiệp tiếp tục có sự chuyển biến tích cực. Hầu hết các sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất đạt và vượt kế hoạch, nâng tổng giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt trên 20.650 tỷ đồng, vượt kế hoạch 6,7%. Trong khi đó, hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục đà phát triển tốt, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước đạt gần 34 nghìn tỷ đồng, tăng 13,2%, vượt kế hoạch đề ra.

Bài, ảnh: Hoàng Triều
 


.