Cẩn trọng với những "shop thời trang di động"

01:01, 16/01/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dịp cuối năm, thị trường quần áo, các sản phẩm thời trang lại nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Bên cạnh các siêu thị, chợ, cửa hàng bày bán đa dạng các loại quần áo, túi xách, giày dép thì các “shop thời trang di động”(STTDĐ) ở vỉa hè cũng đua nhau “mọc” lên trên các con đường dọc Quốc lộ 1 và TP.Quảng Ngãi. Rẻ, phong phú về chủng loại là những ưu điểm để các STTDĐ này được người tiêu dùng bình dân “săn đón”, khiến người ta lãng quên cả chất lượng sản phẩm mình đang cầm trên tay.

TIN LIÊN QUAN

Chỉ cần vài tấm bạt để trải quần áo, móc và những sợi dây dài để treo sản phẩm là đã thành một STTDĐ. Đi dọc vỉa hè của những con đường như Phạm Văn Đồng, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo (TP. Quảng Ngãi)… chúng tôi dễ dàng tìm kiếm những loại quần áo, túi xách thời trang của các nhãn hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước như Việt Tiến, Zara, Lacoste, Gucci, Chanel… với giá khá rẻ. Trong vai một khách hàng, tôi ghé đến một STTDĐ nằm trên đường Lê Lợi.

 

Bày bán quần áo tự do ở đường Lê Lợi (TP. Quảng Ngãi).
Bày bán quần áo tự do ở đường Lê Lợi (TP. Quảng Ngãi).


Chị bán hàng tên Duyên, quê ở Thanh Hóa niềm nở giới thiệu cho tôi các loại váy nữ với đủ thương hiệu, đồng giá bán là 120 nghìn đồng/chiếc (chênh lệch lớn so với giá niêm yết của sản phẩm đồ hiệu ở các cửa hàng thời trang uy tín). Cầm trên tay một chiếc váy hiệu Zara, chị phân tích: “Đồ chị bán toàn hàng hiệu, hàng chất lượng cao thôi! Dịp cuối năm, người ta xả hàng, với một số hàng bị lỗi tí xíu về đường may nên nhà sản xuất mới bán rẻ, chịu lỗ để thu lại vốn đấy. Mặc lên vẫn đẹp chán, không ai biết hàng lỗi đâu em”.  

Những lý lẽ đầy thuyết phục, cùng với sự tư vấn nhiệt tình khiến người mua “xiêu lòng” dù chưa được mặc thử những bộ trang phục ấy. Một khách hàng tên Nguyễn Thị Hồng (39 tuổi), có vẻ hài lòng về chiếc váy ren đang cầm trên tay, nói với người bán hàng: “Váy này đẹp nhưng ở đây không có chỗ thử đồ, chị sợ mặc chật quá em ơi”. Người bán hàng nhanh nhạy nói: “Chị cứ yên tâm. Nếu mặc không vừa, ngày mai ra em đổi nhé! Từ đây đến Tết âm lịch, chiều tối nào em cũng bán chị à”. Chiều ngày hôm sau, tôi đi xe ngang qua đường Lê Lợi và khá bất ngờ, quầy hàng của chị ta đã “bốc hơi”.

Chẳng có hóa đơn, không niêm yết giá cả, không nộp thuế, chất lượng không ai bảo đảm, bán theo thời vụ, dễ dàng di chuyển bất cứ đâu, không cần uy tín… Là những lý do khiến hàng thời trang ven đường có mức giá “hút” người mua mà không nơi nào có thể cạnh tranh được. Một người bán đồ thời trang trên vỉa hè đường Phạm Văn Đồng, chia sẻ: “Tôi thường mở hàng bán từ khoảng 4 giờ chiều đến 9 giờ tối. Khách hàng chủ yếu là sinh viên, học sinh, người lao động phổ thông. Càng gần Tết thì sức mua càng lớn, hàng rẻ, đẹp nên bán rất chạy”.

Trung bình, một chiếc quần jean nam chỉ từ 130-170 nghìn đồng, áo thun nữ chỉ từ 35- 60 nghìn đồng, túi xách từ 50 – 120 nghìn đồng… Đủ các loại nhãn hiệu, nổi tiếng có, xa lạ cũng có. Tưởng chừng như mua được những món đồ rẻ, đẹp nhưng khi mang về nhà, người tiêu dùng mới tá hỏa. Nhiều chiếc áo, quần đã sứt chỉ, sứt nút, dính bẩn, giặt vài lần đã phai màu thậm chí là không mặc được vì không vừa với cơ thể. Lúc đó chẳng biết kêu ai và cũng chẳng thể nào trả hay đổi lại món đồ mình đã mua.

Mặt hàng thời trang bày bán trên vỉa hè dù không đảm bảo chất lượng, hàng giả, hàng nhái tràn lan nhưng với nhu cầu mua sắm cao vào dịp Tết, tâm lý ưa chuộng hàng giá rẻ của người tiêu dùng nên các STTDĐ chưa bao giờ hết khách. Ông Trần Quang Toản – Phó Giám đốc Sở Công thương, kiêm Chi cục Trưởng  Chi cục Quản lý thị trưởng tỉnh, cho biết: Đội quản lý thị trường từng khu vực thường xuyên phối hợp với lực lượng chức năng liên ngành tổ chức kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi kinh doanh, buôn bán, chứa trữ hàng hóa vi phạm pháp luật. Phát hiện, thu hồi nhiều lô hàng quần áo nhập lậu, cho thiêu hủy nhiều hàng xâm phạm quyền, như giả áo cá sấu Lacoste, áo sơ mi Việt Tiến…  

Nhưng để kiểm tra, xử lý triệt để tình trạng bày bán hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo chất lượng trên vỉa hè là vô cùng khó khăn. Bởi giờ giấc buôn bán không cố định, địa điểm thay đổi thường xuyên, khi kiểm tra một cơ sở, thì họ sẽ liên lạc, thông báo với nhau để thu dọn hàng ở các cơ sở buôn bán khác. Chính vì thế, người dân phải là “người tiêu dùng thông minh”, có ý thức tự bảo vệ quyền lợi của mình, bằng cách mua hàng hóa ở địa điểm tin cậy.


Bài, ảnh: HIỀN THU


 


.