Xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp:
Tranh thủ nguồn lực từ doanh nghiệp

01:12, 21/12/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tiến độ xây dựng nông thôn mới (NTM) chậm. Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì loay hoay tìm lối đi. Nguyên nhân của thực trạng trên có nhiều, nhưng tựu chung lại cũng do vốn thiếu, nguồn lực đầu tư yếu…

TIN LIÊN QUAN

Giai đoạn 2011 - 2014, từ nguồn ngân sách và vốn vay, toàn tỉnh đầu tư cho NTM hơn 454 tỷ đồng. Trong khi đó nguồn lực huy động từ bên ngoài còn nhiều hạn chế, nhất là doanh nghiệp (DN). Bởi dù được xem là kênh tiếp sức tiềm năng cho NTM và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhưng hiện DN lại không mặn mà đầu tư vào nông nghiệp vì cho rằng, lĩnh vực này sinh lợi thấp, rủi ro cao nên khó thu hồi vốn.

Đầu tư đúng hướng, nông nghiệp vẫn sinh lời

Đầu tư vào nông nghiệp theo hình thức DN và nông dân liên kết sản xuất – tiêu thụ thì trên địa bàn tỉnh dường như chỉ có Nhà máy Đường Phổ Phong (Nhà máy ĐPP) và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Tơ (Công ty LNBT). Cả hai đơn vị trên đều hợp tác với nông dân theo mô hình Nhà máy ĐPP, Công ty LNBT đầu tư vốn, vật tư (cây giống, phân bón), kỹ thuật sản xuất và chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm đầu ra theo giá cả thị trường. Cách làm này, theo đánh giá của lãnh đạo Công ty LNBT là khuyến khích và nâng cao ý thức của người dân trong việc nhận khoán chăm sóc, bảo vệ, quản lý rừng nhằm hạn chế tình trạng chặt phá, khai thác cây non. Nhưng quan trọng nhất là DN thu hồi được vốn đầu tư và có lãi, mà người dân cũng có thu nhập ổn định.

Thu mua mía tại Nhà máy Đường Phổ Phong.                          Ảnh: MỸ HOA
Thu mua mía tại Nhà máy Đường Phổ Phong. Ảnh: MỸ HOA


Hẳn thế mà mỗi năm, Công ty LNBT đảm nhận trồng mới đến 300 – 350ha rừng, chăm sóc 600 – 700ha rừng 2, 3 năm tuổi và giao khoán cho 1.948 lượt hộ với diện tích trên 2.290ha (1,18 ha/hộ). Điều đáng nói là từ khi hợp đồng làm ăn với Công ty LNBT, người dân – nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đã dần thay đổi cách trồng và khai thác rừng. Đó là không trồng dày, không bán keo non mà phải tuân thủ chu kỳ 7 năm khai thác một lần nên hiệu quả sản xuất tăng rõ rệt. Thế nên sau khi giao nộp sản phẩm cho Công ty, lợi nhuận ăn chia của hộ có khi lên đến 55 – 60 triệu đồng/ha (tỷ lệ ăn chia là nông dân 50%, Công ty 40% và UBND xã nơi có hộ trồng rừng 5%). Anh Phạm Quốc Anh, thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ), người nhận khoán chăm sóc 1 ha keo từ năm 2001 khẳng định: “Qua hai lứa keo, mình được Công ty LNBT chia hơn 80 triệu đồng. Thế là lời rồi. Vì mọi thứ Công ty đầu tư hết, mình chỉ có công trông nom thôi”.

Tạo lực cho DN trước khi thu hút

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Huỳnh Thương thì toàn huyện có hơn 95 nghìn hacta cây lâm nghiệp, chủ yếu là keo. Thế nên mô hình liên kết làm ăn của Công ty LNBT không chỉ giúp nông dân thoát nghèo, cải thiện thu nhập mà còn hỗ trợ địa phương trong việc xây dựng NTM cũng như thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Bởi “muốn xây dựng NTM thành công, người dân phải có “lực” – tức đời sống tinh thần và vật chất ổn định. Mà để có “lực” này, người dân cần được DN trợ sức bằng cách đảm bảo giá cả và đầu ra cho nông sản”, ông Thương khẳng định. Thế nên, ông Huỳnh Thương cho rằng, để đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM cũng như tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh cần tạo lực cho DN trước khi thu hút. Nghĩa là phải có chính sách hỗ trợ đặc thù cho DN tham gia đầu tư vào nông nghiệp – lĩnh vực vốn bị DN “chê” vì tính rủi ro cao nên rất khó thu hồi vốn.

Nhờ liên kết với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Tơ nên hiệu quả sản xuất lâm nghiệp tăng nhờ tình trạng bán keo non giảm.
Nhờ liên kết với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Tơ nên hiệu quả sản xuất lâm nghiệp tăng nhờ tình trạng bán keo non giảm.


Ngay như Nhà máy ĐPP, dù đã góp phần đổi đời cho nhiều người trồng mía nhưng hiện giờ, đơn vị này lại đang bị chính bạn hàng của mình quay lưng. Lý do, giá đường giảm sâu, kéo theo giá mía nguyên liệu trượt thảm. Ấy nên dù Nhà máy trợ giá nhưng nhiều nông dân vẫn kiên quyết chặt bỏ mía để trồng các loại cây khác. Điều này, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đào Minh Hường là “rất đáng tiếc vì không phải đối tượng cây trồng nào cũng có được đầu ra ổn định như cây mía”.

Dẫu biết “vết rạn” giữa Nhà máy ĐPP và nông dân là do tác động của giá cả thị trường, nhưng điều này càng khiến DN ngần ngại và e dè khi quyết định đầu tư vào nông nghiệp. Chẳng trách dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nhưng DN vẫn chưa mặn mà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Có lẽ đã đến lúc tỉnh cần nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách hấp dẫn hơn, phù hợp hơn để DN có thể mạnh dạn và yên tâm đầu tư vào nông nghiệp. Được thế, không chỉ nông dân hưởng lợi mà cả chương trình NTM và tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng sẽ được tiếp sức nhiều hơn.

Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.