Minh Long: Khôi phục cây chè truyền thống

04:12, 18/12/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chè xanh Minh Long là cây đặc sản có giá trị về nhiều mặt, nhất là trong phát triển kinh tế kết hợp với bảo vệ môi trường sinh thái. Vì thế, huyện Minh Long đã chú ý đến vấn đề phục hồi và phát triển cây chè truyền thống vốn nổi tiếng ở vùng đất này.

TIN LIÊN QUAN

Trong cơn mưa phùn nhỏ hạt, chúng tôi lội suối, rồi men theo triền đồi tìm đến rẫy chè của anh Đinh Văn Châm ở thôn Mai Lãnh Hữu, xã Long Mai,  đúng vào lúc hai vợ chồng anh đang trồng chè theo mô hình trồng mới giống chè địa phương do Trung tâm khuyến nông huyện Minh Long thực hiện nhằm khôi phục lại cây chè xanh Minh Long.

Cán bộ khuyến nông huyện Minh Long (bên phải) đến tận rẫy hướng dẫn kỹ thuật trồng chè cho vợ chồng anh Đinh Văn Châm.
Cán bộ khuyến nông huyện Minh Long (bên phải) đến tận rẫy hướng dẫn kỹ thuật trồng chè cho vợ chồng anh Đinh Văn Châm.


Cây chè xanh Minh Long là cây truyền thống của đồng bào dân tộc Hrê, lâu nay vẫn được coi là cây chè sạch do người sản xuất không dùng phân bón và thuốc trừ sâu nên đã trở thành thương hiệu được thị trường ưa chuộng. Có lúc cây chè xanh Minh Long đã phát triển lên đến 500ha, nhưng do những năm gần đây thị trường nông sản như mì, keo “lên ngôi” nên đồng bào chặt phá chè để trồng cây nguyên liệu. Vì thế mà diện tích chè của Minh Long hiện giờ chỉ còn 90ha. Anh Châm cho biết: Trước đây, cha của anh cũng trồng chè và gắn bó với cây chè nhiều năm. Nhưng khi cây mì, cây keo lên giá, nhiều người (trong đó có cha  anh) đã phá chè để trồng keo.

Dù vậy, gần đây, khi thấy chè xanh lên giá tới 5 ngàn đồng/lọn (khoảng nửa ký), anh Châm tin tưởng rằng cây chè Minh Long có giá trị kinh tế cao và bền vững, lâu dài hơn những cây nguyên liệu khác. Đấy chính là cơ sở để anh Châm vẫn cố giữ lấy đất để trồng lại cây chè theo mô hình trồng mới giống chè Minh Long do Trạm Khuyến nông huyện thực hiện bằng nguồn vốn Chương trình 30a của huyện, chứ không bán khu rẫy, dù có nhiều người dưới xuôi hỏi mua với giá hơn nửa tỷ đồng.

 Trong mùa mưa này, Trạm Khuyến nông huyện đã hỗ trợ giống chè được ươm hạt tuyển chọn từ cây chè truyền thống và hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng chè, chăm sóc cây chè cho từng hộ dân tham gia dự án. Vợ chồng anh Châm đã “bán non” rẫy mì để lấy đất trồng chè. Hiện anh đã trồng được 6.500 cây theo đúng quy trình kỹ thuật, tỷ lệ sống khá cao. Vợ chồng anh Châm còn dự định trong những năm tới sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích cây chè truyền thống.

Anh Phan Thanh Trí - cán bộ của Trạm Khuyến nông-Khuyến ngư huyện Minh Long, cho biết thêm: Hiện nay tại xã Long Mai đã có 5 hộ đồng bào dân tộc Hrê  trồng chè theo mô hình này với diện tích 1 ha/5 hộ. Trạm đã hợp đồng với người có kinh nghiệm tuyển chọn hạt chè từ cây chè truyền thống của địa phương ươm trong túi bầu (không lai ghép) rồi giao cho hộ dân trong hợp đồng trồng chè tại rẫy của mình.

Cán bộ khuyến nông đến tận nơi hướng dẫn cho đồng bào kỹ thuật trồng và chăm sóc. Theo quy trình này thì 3 năm sau chè bắt đầu cho thu hoạch với chu kỳ dài tới mấy chục năm. Đây là mô hình khuyến nông đầu tiên triển khai thực hiện thí điểm mô hình khôi phục lại cây chè Minh Long truyền thống.

Huyện Minh Long cũng đã xây dựng kế hoạch từ năm 2015 trở đi, mỗi năm sẽ đầu tư cho một xã trong huyện trồng mới một hécta chè truyền thống nguyên chủng gốc chè Minh Long để trình diễn mô hình cho đồng bào, trước khi nhân ra diện rộng nhằm khôi phục cây chè Minh Long. Hướng đi tuy chậm, song đây là điều đáng mừng cho số phận của cây chè xanh Minh Long đang đứng trước nguy cơ “mất gốc.”
 

Bài, ảnh: Nguyễn Khâm
 


.