(Baoquuangngai.vn)- Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Quảng Ngãi bắt đầu từ đâu? Vấn đề này được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng mổ xẻ, phân tích cho cán bộ và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tại buổi truyền đạt kinh nghiệm về “Nông dân và tái cơ cấu ngành nông nghiệp".
TIN LIÊN QUAN |
---|
Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Quảng Ngãi đã xây dựng kế hoạch theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Theo đó, đến năm 2020 giữ ổn định diện tích lúa, xây dựng 5.000 ha lúa chất lượng cao, tăng diện tích ngô lên hơn 2.000 ha. Duy trì diện tích tỏi Lý Sơn, rau, trong đó có 2.000 tấn rau an toàn, ổn định diện tích mía, phát triển đàn bò, trâu, heo...
Từ nông dân
Thực tế hiện nay, dù đất nước đang phát triển mạnh công nghiệp, nhưng 70% dân số vẫn phụ thuộc vào nông nghiệp. Không ít nông dân vẫn còn nghèo đói, thua thiệt.
Theo Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, nông dân là những người cống hiến nhiều nhất, hy sinh lớn nhất, hưởng thụ ít nhất, được giúp kém nhất, tha thứ cao cả nhất, thích nghi tài giỏi nhất, năng động khôn ngoan nhất...
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trước hết phải bắt đầu từ nông dân. Hãy hỏi nông dân cần gì, cái gì là tốt nhất với họ trước khi quyết định bắt đầu từ đâu? Bài học từ nhiều chính sách hay nhưng áp dụng vào thực tiễn lại không phù hợp, từ việc sản xuất ồ ạt không theo định hướng để rồi người chịu thiệt là nông dân.
Đơn cử như cây thanh long mỗi năm mang về cho người dân Bình Thuận, Ninh Thuận cả tỷ đồng, nhưng khi thương lái dừng mua, thanh long đành làm thức ăn cho bò. Hay như dưa hấu, cà chua Đà Lạt nhiều năm vào vụ cũng làm thức ăn cho bò vì giá rẻ mạt…
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng giải đáp thắc mắc của nông dân trồng chôm chôm ở xã Hành Minh (Nghĩa Hành). |
Ông Huỳnh Sum, thôn Long Bàn Bắc, xã Hành Minh (Nghĩa Hành), một người dân thành công với mô hình trồng chôm chôm cho hay: 10 năm trước, Nhà nước định hướng vùng đất này phù hợp với trồng cây ăn trái, tôi đã mạnh dạn đi đầu trồng thử nghiệm cây chôm chôm. Và kết quả thật bất ngờ. Với 9,3 sào trồng các loại cây ăn quả như chôm chôm, măng cụt, cam, mỗi năm tôi thu lãi hơn 80 triệu đồng.
Ứng dụng khoa học công nghệ
Một vấn đề đặc biệt quan trọng là ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất. Công nghệ sinh học quyết định năng suất, chất lượng sản phẩm.
Ai cũng từng biết, Việt Nam đã từng vượt mặt Thái Lan trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhưng nhờ nước bạn đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất. Hiện nay Việt Nam phải nhập khẩu giống cây trồng từ nước bạn.
Việt Nam tự hào là nước xuất khẩu gạo thuộc top đầu thế giới, nhưng lại nhập khẩu bắp, đậu tương để chế biến thức ăn chăn nuôi. Vậy tại sao, chúng ta không mạnh dạn chuyển những diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng bắp, đậu tương và áp dụng cây chuyển gen để nâng cao năng suất, chất lượng và dung hòa nguồn cung cầu.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng, ngành nông nghiệp Quảng Ngãi còn nhỏ lẻ, manh mún. Giáo sư cũng bày tỏ sự ái ngại trước thực trạng thu hoạch rừng ồ ạt theo kiểu “tận diệt” như hiện nay.
Người trồng rừng có thói quen thu hoạch đồng loạt rồi đốt thực bì, vì đỡ tốn công và nghĩ rằng như thế tro sẽ làm tốt cho đất. Điều này vô hình chung phản tác dụng khi lượng tro sẽ bay theo gió, trôi theo mưa nên đất đai càng cằn cỗi, gây xói mòn, lở núi, vừa gây hiểm họa cháy rừng.
Giáo sư đánh giá cao mô hình liên kết trồng cây nguyên liệu giữa Công ty Lâm nghiệp Ba Tơ và nông dân. |
Viện dẫn kinh nghiệm từ huyện Ba Chẽ. Là một huyện miền núi của tỉnh Quảng Ninh, nhưng có có diện tích rộng hơn tỉnh Thái Bình. Nơi đây phong trào trồng rừng rất phát triển. Để tạo độ phì nhiêu cho đất, sau khi khai thác xong, người trồng rừng trồng dược liệu trong 1 năm sau đó tiếp tục trồng rừng.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Với thực trạng từ ngành nông nghiệp Quảng Ngãi, giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng, chúng ta nên chú trọng phát triển khu vực kinh tế phi nông nghiệp, hình thành khu vực dịch vụ và các nghề phụ, làng nghề truyền thống.
Phát huy vai trò của hội nông dân trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi. Chính sách và biện pháp giảm nghèo cần tập trung vào những “địa chỉ” cụ thể: vùng sâu, vùng xa và các xã đặc biệt khó khăn
Hình thành các tổ liên kết, giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ; khuyến khích áp dụng công nghệ cao, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để tăng thu nhập cho nông dân. Giáo sư đánh giá cao mô hình liên kết trồng cây nguyên liệu của Công ty Lâm nghiệp Ba Tơ và nông dân.
Đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp an sinh xã hội, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Kêu gọi sự tham gia vào các hình thức trợ giúp xã hội, đảm bảo an sinh xã hội bền vững. Mở rộng tuyên truyền về các loại hình BHXH, BHYT trong nông thôn .
Củng cố và đảm bảo điều kiện học và dạy cho hệ thống trường học tại nông thôn. Nâng cao năng lực và có chế độ đãi ngộ ưu tiên cho giáo viên ở nông thôn. Khuyến khích và hỗ trợ việc chọn tuyển và đào tạo nhân lực cho khu vực nông thôn...
Bài, ảnh: Ái Kiều