Giao đất lâm nghiệp ở Sơn Hà: Cấp giấy chứng nhận nhưng không cấp đất

09:11, 15/11/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) đối với đất lâm nghiệp ở huyện Sơn Hà so với các địa phương khác có kết quả vượt trội. Song, vì phương thức triển khai thực hiện chưa “tận gốc tận rễ” nên hiện tại còn nhiều hộ dân đã được cấp giấy phải mòn mỏi chờ  được giao đất.

TIN LIÊN QUAN


Có “sổ đỏ” mà chẳng có đất!

Tính đến nay, toàn huyện Sơn Hà đã cấp hơn 27.000 GCN QSDĐ lâm nghiệp cho người dân. Sơn Hà là một trong số ít địa phương đã xây dựng bản đồ địa chính chính quy đối với loại đất này. Đó là thành quả khẳng định nỗ lực trong công tác quản lý nhà nước đối với đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện.

Khu đất lâm nghiệp ở núi Hoăn Rà Lừng (Sơn Cao) đã cấp cho dân từ lâu, nhưng đến nay họ vẫn chưa được giao đất.
Khu đất lâm nghiệp ở núi Hoăn Rà Lừng (Sơn Cao) đã cấp cho dân từ lâu, nhưng đến nay họ vẫn chưa được giao đất.


Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND huyện Sơn Hà, trong số GCN QSDĐ lâm nghiệp đã cấp có tới 203 GCN dân nhận đã nhiều năm nay, nhưng đất thì vẫn chưa giao cho dân sử dụng.

Trao đổi vấn đề này, ông Trần Tấn Tài – Phó Phòng TN&MT kiêm Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (VP ĐKQSDĐ) huyện Sơn Hà lý giải: Thực hiện chủ trương của huyện về việc thu hồi bớt một số diện tích đất của hộ dân có diện tích đất sử  dụng quá lớn để cân đối sang cho hộ có ít hoặc chưa có đất lâm nghiệp, Phòng TN & MT phối hợp với xã đo đạc, cấp bổ sung diện tích đất rừng cho một số hộ dân. Tuy nhiên, khi được cấp GCN QSDĐ rồi, người chủ sử dụng đất không mạnh dạn canh tác mà vẫn để cho chủ đất trước đó trồng cây cối, thu lợi trên chính mảnh đất mà mình đứng tên. Lâu ngày họ bị mất đi quyền sử dụng, mặc dù họ được cấp GCN QSDĐ hẳn hoi.

Tuy nhiên, khi trao đổi với những người được cấp GCN QSDĐ này, họ đều cho biết chỉ được xã mời đến cấp giấy, chứ chưa hề được cán bộ xã, huyện đưa ra thực địa cắm mốc, bàn giao diện tích đất đã được cấp. “Mình chỉ thấy cán bộ đưa cho cái “sổ đỏ” thì mình cầm về cất thôi. Còn đất thì mình chẳng biết nó nằm ở đâu, dài, rộng thế nào!” – ông Đinh Văn Ây, xã Sơn Cao bộc bạch. Ông Ây chỉ biết là mình được cấp hơn 1.000m2 đất trồng rừng ở trên núi Hoăn Rà Lừng nhưng trước khi cấp cho ông, người khác trồng keo xanh um trên đất đó. “Chẳng biết đất của mình chính xác nằm ở chỗ nào để mà bảo họ trả cho mình. Mà nếu có bảo chắc họ cũng không đồng ý đâu. Giờ có cái “sổ đỏ” mà chẳng có đất để trồng. Keo con ươm nay lên cao vút rồi cũng đành để đó thôi!” – ông Ây nói.

Chủ trương đúng – thực thi chưa trúng!

Chủ trương của huyện Sơn Hà về cân đối quỹ đất lâm nghiệp từ người quá nhiều sang người có ít hoặc chưa có đảm bảo hạn mức sử dụng theo quy định là đúng. Về thực tế việc nỗ lực đo đạc cấp GCN cho người dân để đảm bảo quyền sử dụng là cần thiết. Song ở đây quy trình triển khai thực hiện giao đất, cấp giấy chứng nhận chưa làm tới nơi tới chốn, dẫn đến để xảy ra tình trạng người dân “có giấy chứng nhận mà không có đất”.

Ông Trần Tấn Tài cho biết thêm: “Trước khi thu hồi bớt một phần diện tích đất của hộ có quá nhiều đất lâm nghiệp để cấp cho hộ ít đất hoặc chưa có đất, xã và huyện đã tổ chức họp các hộ dân. Sau đó đo đạc thực tế, xác định thửa đất, lập phương án cân đối; thông qua phương án này trước dân. Dân đồng tình mới thực hiện”. Tuy nhiên, chiếu theo quy định thì vẫn chưa đủ vì yếu tố cơ bản, quyết định, cơ sở pháp lý cần thiết cho việc triển khai chủ trương đúng đắn này vẫn chưa có. Ngay cả việc ra quyết định thu hồi bớt một phần diện tích đất của hộ có nhiều đất cũng không có. Đã vậy, khi cấp GCN QSDĐ cho người dân, chính quyền và ngành chức năng huyện Sơn Hà cũng không tổ chức giao đất trên thực địa để người dân biết mà quản lý, sử dụng.

Bao giờ dân có đất?

Để giải quyết tồn tại này, ngày 7.3.2014 UBND huyện Sơn Hà đã ban hành Kế hoạch số 15/KH-UBND; trong đó yêu cầu UBND xã tổ chức kiểm tra, rà soát kết quả cấp GCN QSDĐ đất lâm nghiệp; phối hợp với phòng chuyên môn xác định rõ nguyên nhân vì sao có giấy mà chưa có đất để tham mưu cho UBND huyện xử lý, điều chỉnh. Đồng thời, đối với khoảng 150 GCN QSDĐ lâm nghiệp có thông tin sai sót khác, như sai tên, thửa đất, số chứng minh nhân dân… phải lập thủ tục điều chỉnh, cấp đổi cho người dân, tạo điều kiện để dân thực hiện quyền của chủ sử dụng đất. Tuy nhiên, đến nay đã qua nửa năm, việc triển khai chỉ đạo này mới tới khâu… thống kê số liệu. Tuy nhiên, đó chỉ là con số, không có các phân tích cụ thể từng trường hợp kèm theo.

“Phòng sẽ tích cực phối hợp với các địa phương để rà soát, phân loại từng trường hợp. Hiện nay huyện đã xây dựng được bản đồ địa chính chính quy đối với đất lâm nghiệp nên việc giải quyết giao đất cho dân theo đúng diện tích ghi trong giấy chứng nhận cũng thuận lợi hơn”, ông Trần Tấn Tài cho biết. Tuy nhiên, bao giờ thì giải quyết dứt điểm những vướng mắc này thì Phòng TN&MT huyện Sơn Hà chưa dám khẳng định.

Ngoài ra, mới đây huyện Sơn Hà đã phải ra quyết định thu hồi 28 GCN QSDĐ lâm nghiệp của người dân xã Sơn Thượng vì cấp chồng lấn, cấp trùng diện tích. Đó là việc sửa sai, nhưng điều này cũng phán ánh một thực tế là công tác quản lý đất lâm nghiệp của địa phương vẫn còn bất cập.

Theo thống kê, huyện Sơn Hà hiện có 70% nội dung khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai, trong đó có không ít trường hợp phát sinh khiếu nại từ những sai sót của chính quyền trong cấp giấy tờ đất lâm nghiệp. Vì thế, việc giải quyết rốt ráo, tận gốc rễ trong cấp GCN QSDĐ mà chưa giao đất cho 203 trường hợp nêu trên là yêu cầu cấp thiết. Một mặt vừa giải quyết quyền lợi chính đáng của dân, mặt khác còn hạn chế khiếu nại tố cáo, củng cố niềm tin của nhân đối với chính quyền.

Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.