Cơ chế, chính sách còn "vênh" (Kỳ 1)

02:11, 07/11/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế-xã hội được ban hành, bên cạnh việc tạo động lực để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội thì vẫn còn những quy định còn “vênh” với thực tiễn.

TIN LIÊN QUAN

Kỳ 1: Hỗ trợ đào tạo lao động cho doanh nghiệp: Chính sách có, thụ hưởng khó


Hỗ trợ đào tạo lao động cho doanh nghiệp là một trong những nội dung cơ bản của Quyết định số 52/2013/QĐ-UBND ngày 22.11.2013 của UBND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Đây được đánh giá là chính sách hay, song thực tế triển khai doanh nghiệp lại khó tiếp cận.


Chính sách hay nhưng khó “chạm tay”

Quyết định 52 chính thức có hiệu lực từ ngày 2.12.2013. Sau 10 tháng triển khai thực hiện, toàn tỉnh vẫn chưa có doanh nghiệp nào được thụ hưởng. Với sự “đầu tư” của nhiều sở, ngành với thời gian soạn thảo kéo dài tới 2 năm (trải qua 9 lần chỉnh sửa), Quyết định 52 quy định một số chính sách đầu tư trên địa bàn tỉnh, trong đó có chính sách hỗ trợ đào tạo lao động mới ra đời. Theo đó, mức hỗ trợ đào tạo lao động được doanh nghiệp đánh giá là hấp dẫn: Từ 700 nghìn đồng đến 2 triệu đồng/lao động, tùy vào thời gian đào tạo lao động. Bà Cù Thị Thanh Mai – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh thông tin: “Kể từ khi chính sách mới về hỗ trợ đào tạo nghề có hiệu lực, đã có hơn 15 doanh nghiệp đến Sở trao đổi, nhờ hướng dẫn lập hồ sơ xin hưởng khoản tiền hỗ trợ theo chính sách. Thế nhưng sau khi nghiên cứu kỹ các quy định, họ đều lắc đầu, rút đơn về hết”.
 

 

Công nhân Công ty CP May xuất khẩu Thuyên Nguyên (KCN Tịnh Phong).
Công nhân Công ty CP May xuất khẩu Thuyên Nguyên (KCN Tịnh Phong).

Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Lộc, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, cơ quan chịu trách nhiệm giúp UBND tỉnh chấp bút ban hành Quyết định 52 cho biết: Từ cuối năm 2013 đến nay thu hút đầu tư vào tỉnh giảm, chỉ có 4 dự án cấp mới, trong đó 1 dự án đầu tư vào cụm công nghiệp không thuộc đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề; 2 dự án về chăn nuôi chưa triển khai xây dựng; 1 dự án chế biến bột cá đang triển khai, nhưng đào tạo lao động nông thôn khá đơn giản nên doanh nghiệp không đề xuất xin hỗ trợ”. Tuy nhiên, Sở này chưa đề cập đến việc các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, tăng nhu cầu đào tạo sử dụng lao động, nhưng chưa được hỗ trợ.

Trước khi Quyết định 52 có hiệu lực, tức là vào khoảng 2009 – 2010, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho doanh nghiệp thực hiện theo Quyết định 69 (đã bị bãi bỏ, thay thế bằng Quyết định 52) mặc dù cũng gặp khó khăn trong lập hồ sơ, nhưng toàn tỉnh đã có 10 doanh nghiệp được nhận khoản tiền hỗ trợ này. Tổng số tiền hỗ trợ hơn 900 triệu đồng, trong đó nhiều nhất là Công ty May Thuyên Nguyên (KCN Tịnh Phong) với hơn 230 triệu đồng. Một số doanh nghiệp so sánh rằng: Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề theo những quy định trước có khó, nhưng doanh nghiệp cũng còn có khả năng nhận được hỗ trợ. Còn quy định hiện hành, nhiều quy định có lợi hơn cho doanh nghiệp, nhìn thì thấy dễ nhưng thực tế chẳng dễ.

Nản vì thủ tục

Bà Cù Thị Thanh Mai – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho rằng: Quyết định 52 quy định bắt buộc người lao động được doanh nghiệp đào tạo nghề phải có chứng chỉ dạy nghề mới được hỗ trợ. Rồi doanh nghiệp phải tự bỏ kinh phí đào tạo trước, sau đó hoàn thành hồ sơ thông qua Sở để đề nghị hoàn trả chi phí. Trong khi nhiều doanh nghiệp thực tế tuyển hàng ngàn lao động, tổ chức đào tạo, tập huấn thật sự nhưng họ không có chức năng cấp chứng chỉ đào tạo nghề cho người lao động. Nếu đi hợp đồng đào tạo với các trung tâm để người lao động có chứng chỉ thì doanh nghiệp lo sợ sẽ “lộ bí quyết công việc” và cũng có thể trung tâm đào tạo không đáp ứng được ngành nghề mà doanh nghiệp muốn đào tạo. Doanh nghiệp thà không được hưởng chính sách này còn hơn là để trung tâm đào tạo tay nghề cho người lao động vừa không đảm bảo chất lượng, vừa lộ bí mật của doanh nghiệp.

Đã vậy, quy trình, thủ tục hồ sơ giải quyết hỗ trợ đào tạo nghề cho doanh nghiệp cũng chẳng đơn giản chút nào. Tại một cuộc khảo sát, đại diện Ban Quản lý các KCN tỉnh, ông Bùi Văn Lai cho biết: “Doanh nghiệp phải trải qua 9 bước thủ tục khá khó khăn, như lập kế hoạch đào tạo, làm văn bản đề nghị đến cơ quan chức năng, sau đó cơ quan này mới lập tờ trình đề nghị cơ quan có thẩm quyền; hợp đồng đơn vị đào tạo nghề… kéo dài cả năm chưa xong”. Trong khi các cơ quan liên quan than rằng chính sách này có quá nhiều tồn tại, bất cập, thì ông Nguyễn Đăng Lộc – Phó Giám đốc Sở KH&ĐT lại cho rằng: “Chính sách hỗ trợ này ban hành chưa đến 1 năm và trên thực tế cũng chưa thực hiện hỗ trợ cho dự án nào, do đó chưa phát sinh tồn tại, hạn chế để có thể kiến nghị, đề xuất tháo gỡ”.

Theo một số doanh nghiệp trong tỉnh, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề theo Quyết định 52 là chính sách đúng đắn, người lao động và doanh nghiệp khấp khởi mừng. Song giữa chính sách và thực tế lại còn khoảng cách quá xa. Cái khó nhất là quy định cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp thì lại chưa rõ ràng. Đại diện Ban quản lý các KCN tỉnh, ông Bùi Văn Lai cho rằng: “Khó khăn về thủ tục doanh nghiệp có thể nỗ lực để vượt qua vì là quy định bắt buộc. Còn cái vướng ở chỗ thiếu những quy định trách nhiệm cụ thể, dẫn đến thiếu sự hướng dẫn tận tình của cơ quan nhà nước thì chắc chắn doanh nghiệp phải chào thua”.

Hiện nay, chỉ tính riêng các khu công nghiệp của tỉnh gồm Tịnh Phong và Quảng Phú đã có 48 doanh nghiệp hoạt động, với hơn 12.000 động làm việc. Trong đó nhiều doanh nghiệp sử dụng hàng ngàn lao động. Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh cần nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung, “mở rộng cửa” hơn để doanh nghiệp có thể được hưởng chính sách này. Chẳng hạn bỏ quy định phải có chứng chỉ đào tạo; chi hỗ trợ có thể dựa vào cơ sở là bảng lương, danh sách tham gia BHYT, BHXH… Còn Ban quản lý các KCN tỉnh kiến nghị: Nên giao cho Ban Quản lý các KCN làm đầu mối hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục liên quan, để thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Bởi trên thực tế đã nảy sinh những bất cập, khó khăn dẫn đến doanh nghiệp không thể thụ hưởng chính sách ưu đãi này.
 
Bài, ảnh: THANH NHỊ

*Kỳ 2: Điệp khúc vướng mặt bằng, “khát” vốn


 

.