Xây dựng thương hiệu cho nông - đặc sản miền núi: Thừa cơ hội, thiếu quyết tâm

10:10, 31/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Xây dựng thành công thương hiệu cho nông - đặc sản miền núi không chỉ giúp nâng cao thu nhập của người dân mà còn là một cách quảng bá, thu hút khách du lịch cho địa phương. Tuy nhiên, hầu hết các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh đều chưa thật sự mặn mà với việc tạo dựng thương hiệu, dù nông - đặc sản tại địa phương rất được người tiêu dùng ưa chuộng.

TIN LIÊN QUAN

Bài học từ cây quế Trà Bồng

Năm 2009, quế Trà Bồng được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận thương hiệu. Năm 2013, Tổ chức Kỷ lục Châu Á công nhận đặc sản quế Trà Bồng xác lập kỷ lục Châu Á. Để cây quế từ một loại cây bản địa có thể trở thành sản phẩm quen thuộc của thị trường trong và ngoài nước, người dân và chính quyền địa phương đã phải cố gắng, nỗ lực suốt một thời gian dài. “Địa phương luôn tận dụng mọi cơ hội quảng bá, giới thiệu nhằm giúp sản phẩm quế Trà Bồng có thể “phủ sóng” khắp mọi nơi. Từ các hội chợ trong, ngoài tỉnh cho đến các hội nghị xúc tiến đầu tư…không nơi nào mà Trà Bồng không mang sản phẩm quế đến trưng bày, quảng bá”, ông Nguyễn Xuân Bắc- Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng chia sẻ kinh nghiệm tạo dựng thương hiệu quế.

 Nhờ chú trọng quảng bá, xây dựng thương hiệu, quế Trà Bồng đã có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Nhờ chú trọng quảng bá, xây dựng thương hiệu, quế Trà Bồng đã có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường.


Không chỉ tích cực thực hiện các phương án quảng bá sản phẩm ra bên ngoài, huyện Trà Bồng còn mở ra nhiều cơ chế “thoáng” cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh quế. Những chính sách ưu đãi về mặt bằng, thuế, vốn sản xuất… luôn được huyện ưu tiên quan tâm. Bởi theo nhận định của ông Nguyễn Xuân Bắc, hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp là cách giúp thương hiệu quế Trà Bồng tạo dựng được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Ông Nguyễn Đức Lương - Giám đốc Công ty TNHH Hương quế Trà Bồng phấn khởi cho biết: “Từ khi huyện và tỉnh ưu tiên quảng bá, phát triển thương hiệu quế Trà Bồng, lượng sản phẩm bán ra của công ty luôn tăng từ 20-30% so với trước đây. Giá thành sản phẩm cũng cao hơn hẳn”.

Song song với công tác chăm lo cho doanh nghiệp, việc phát triển vùng nguyên liệu quế cũng được địa phương đặc biệt quan tâm. Từ diện tích 350ha (năm 2007), đến nay quế Trà Bồng đã đạt diện tích 1.400ha. Hướng đến mục tiêu phát triển vùng chuyên canh quế, huyện Trà Bồng đang từng bước thực hiện việc mở rộng diện tích quế trên địa bàn. Bởi vùng chuyên canh hình thành, không chỉ mở ra cơ hội mới cho người nông dân ở địa phương, mà còn là động lực để Trà Bồng phát triển du lịch, thu hút du khách.

Riêng năm 2014, mọi chương trình hỗ trợ sản xuất, đều được địa phương dồn lực tập trung vào cây quế nhằm tạo nguồn nguyên liệu cho Nhà máy Tinh dầu quế sẽ đi vào hoạt động cuối năm nay. Ông Hồ Văn Linh, xã Trà Hiệp, địa phương có diện tích quế lớn nhất huyện Trà Bồng cho hay: “Người dân địa phương đã từng bỏ quế để theo cây trồng khác, theo nghề khác. Nhưng càng ngày quế càng nổi tiếng, giá quế cũng ngày một tăng, nên bà con bây giờ ai có đất cũng muốn trồng quế”.

Lẽ nào chịu thua thiệt?

Ngoài cây quế Trà Bồng, 6 huyện miền núi của tỉnh ta còn có rất nhiều nông - đặc sản quý, được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, vấn đề xây dựng thương hiệu cho nông - đặc sản vẫn còn khá mơ hồ. “Đầu năm nay, cũng có doanh nghiệp đến làm việc với địa phương về vấn đề khôi phục và phát triển cây chè bản địa. Nhưng rồi, đến giờ vẫn chưa thấy doanh nghiệp quay lại trình phương án”, ông Lê Minh Chí - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Minh Long cho biết.

 

Được người tiêu dụng ưa chuộng vì có vị đặc trưng, nhưng cây chè Minh Long không phát huy được thế mạnh đó.
Được người tiêu dụng ưa chuộng vì có vị đặc trưng, nhưng cây chè Minh Long không phát huy được thế mạnh đó.


Là thương hiệu nông sản duy nhất còn sót lại của huyện Minh Long, tuy nhiên không giống như cây quế Trà Bồng, diện tích chè Minh Long giảm dần theo từng năm. Từ 400-500ha năm 1990, đến nay, cây chè Minh Long chỉ còn xấp xỉ 90ha. Nỗ lực khôi phục lại diện tích chè đã khó, nên theo nhận định của ông Chí, chuyện xây dựng thương hiệu để đưa sản phẩm chè Minh Long ra thị trường trong và ngoài tỉnh lại càng khó hơn.

Còn tại Ba Tơ, dù rượu cần - một loại rượu truyền thống của người Hrê rất được người tiêu dùng “săn đón”, nhưng chính quyền địa phương đến nay vẫn chưa phát huy, quảng bá được cho loại đặc sản quý này. Chị Đặng Thị Hồng Tuyên, người duy nhất ở Ba Tơ nghĩ đến chuyện làm ra rượu cần để bán cho biết: “Tết năm nào tôi cũng ủ 500 ché rượu cần mà vẫn không đủ bán. Không chỉ khách trong huyện, trong tỉnh, mà khách ở Đà Nẵng, TP.HCM cũng đặt mua. Giữa bao nhiêu là tin tức về rượu pha tạp chất này tạp chất kia gây ảnh hưởng cho sức khỏe, thì rượu của núi rừng, của người đồng bào được người tiêu dùng săn đón cũng phải thôi”. Tiềm năng là vậy, lẽ nào chính quyền địa phương không trợ lực để đặc sản này vươn xa?

Bài, ảnh: Ý THU
 


.