Vốn vẫn "trú" ở các ngân hàng

02:10, 13/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cuối tháng 9, thời điểm mà dòng vốn thường được khơi thông “chảy” về các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đầu tư các dự án, cho vay tiêu dùng... Thế nhưng, do cầu yếu, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ nên không ít doanh nghiệp chẳng màng vay vốn, trong khi nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư huy động tăng đột biến. Do vậy, nguồn vốn hiện vẫn “trú” ở các ngân hàng khá dồi dào.

TIN LIÊN QUAN

Dù lãi suất tiền gửi liên tục giảm trong thời gian gần đây, nhưng tại các ngân hàng, khách hàng gửi tiền tiết kiệm vẫn đông đúc, số tiền gửi tiết kiệm cứ liên tục tăng. Theo thống kê của Giám đốc Phòng Khách hàng doanh nghiệp thuộc Chi nhánh Oceanbank Quảng Ngãi Phạm Văn Ưng thì lãi suất huy động của chi nhánh giảm còn 5,5 – 7,5% (tùy vào huy động ngắn hay dài hạn). Thế mà, từ đầu năm đến nay, ngân hàng vẫn huy động vốn đạt 4.000 tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, dư nợ cho vay chỉ đạt từ 1.100 – 1.200 tỷ đồng, với lãi suất 7,5 – 7,8%/năm đối với ngắn hạn và 10 – 12%/năm đối với dài hạn. Trừ các chi phí, dự phòng rủi ro, ngân hàng vẫn còn dôi dư hơn 2.000 tỷ đồng.

Nguồn vốn ở các ngân hàng khá dồi dào.
Nguồn vốn ở các ngân hàng khá dồi dào.


Huy động tốt nhưng cho vay ra khó không chỉ là thực tế tại Oceanbank Quảng Ngãi, mà hầu hết các ngân hàng trên địa bàn Quảng Ngãi đều rơi vào tình trạng này. Ông Nguyễn Trung Hận – Giám đốc Chi nhánh SeAbank Quảng Ngãi, lo ngại, bản chất hoạt động của ngân hàng là cho vay để trả lãi suất huy động. Tuy nhiên, trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp “không còn khỏe” để sử dụng đồng vốn sinh lợi nên đã chọn nơi “trú ngụ” ở ngân hàng cho an toàn nên nguồn huy động luôn tăng.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương – Phó Giám đốc Vietinbank Quảng Ngãi cũng nhận định vấn đề lưu thông tiền tệ để sinh lợi hiện nay trên thị trường là rất khó khăn. Số dư nợ hiện nay ở ngân hàng là 3.400 tỷ đồng, nhưng đa số là khách hàng cũ, vay dài hạn từ các năm trước. Từ đầu năm đến nay, dư nợ cho vay tăng trưởng khá chậm, tụt giảm nhiều so với đầu năm. Trong khi tiền huy động từ đầu năm đến nay lên đến 164 tỷ đồng, nâng tổng nguồn huy động lên đến 2.850 tỷ đồng.
Hiện nay, nguồn vốn khá dồi dào ở hệ thống ngân hàng Quảng Ngãi.

Để tránh rủi ro, nhiều ngân hàng đã chọn cách đưa dòng vốn huy động tập trung chủ yếu vào mua trái phiếu, tín phiếu. Có ngân hàng thì chuyển đồng vốn quay ngược về hội sở chính để phân bổ cho các chi nhánh khác có tiềm năng hấp thụ vốn tốt hơn. Lý giải cho điều này, ông Phạm Văn Ưng cho rằng, “thị trường Quảng Ngãi quá nhỏ hẹp. Trong khi có quá nhiều ngân hàng cạnh tranh. Thay vì cạnh tranh cho vay, thì ngân hàng sẽ tìm cách huy động với giá rẻ để phân tán ra các thị trường khác nhằm mục đích đem lại hiệu quả cao hơn”.

Đa số khách hàng giao dịch tại các ngân hàng là gửi tiết kiệm.
Đa số khách hàng giao dịch tại các ngân hàng là gửi tiết kiệm.


Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng có những chính sách để giữ vững và mở rộng thị phần trên thị trường Quảng Ngãi. Từ nay đến cuối năm, Chi nhánh Oceanbank sẽ tập trung vào các lĩnh vực cho vay kinh doanh xăng dầu, hướng vào thị trường xuất khẩu, cho vay tiêu dùng. Đối với lĩnh vực cho vay lưu động, ngân hàng giảm lãi suất từ 7 – 7,9% xuống còn 6,9%/năm. Đối với cho vay xuất khẩu, ngân hàng dành khoảng 35 triệu USD, với lãi suất chỉ 2,8%/năm.

Trong thời điểm cuối năm, thường thì thị trường ấm dần, Chi nhánh Vietinbank Quảng Ngãi cũng tung ra nhiều gói sản phẩm để phục vụ nhu cầu người vay. Ngân hàng đã chuẩn bị gói 3.000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng và cho vay sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ.

Để nguồn vốn tín dụng thật sự chảy mạnh vào sản xuất, kinh doanh thì giữa ngân hàng và doanh nghiệp phải thật sự có sự chia sẻ với nhau. Tại diễn đàn kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp được tổ chức cuối tháng 7 vừa qua, các doanh nghiệp kiến nghị cần hạ lãi suất hơn nữa cho phù hợp với khả năng của doanh nghiệp, để doanh nghiệp có phương án chuyển những khoản vay cũ, lãi suất cao về mức lãi suất mới; đẩy mạnh cho vay ưu đãi các lĩnh vực ưu tiên... Nhưng đến nay đã hơn 3 tháng mà lãi suất thì vẫn không thay đổi nhiều.

Thời gian đến trong khi chờ đợi hạ lãi suất hợp lý, các doanh nghiệp cần tiết giảm chi phí đầu vào, tăng cường công tác quản trị, xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh đáp ứng được yêu cầu cho vay của ngân hàng… Có vậy nguồn vốn mới lưu thông tốt trong những tháng cuối năm.

Bài, ảnh: MAI HẠ
 


.