Sức lan tỏa từ cuộc thi "hoa hậu bò"

10:10, 20/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hào hứng, vui nhộn và ý nghĩa – đó là nhận xét của nông dân trong tỉnh khi tham gia, xem và cổ vũ cho cuộc thi bò cái lai Zê bu sinh sản tỉnh Quảng Ngãi lần thứ III năm 2014.

TIN LIÊN QUAN

Từ cuộc thi…

Gắn bó với nghề nuôi bò lai từ nhiều năm nay nhưng chưa bao giờ bà Phạm Thị Thu Mẫu, ngụ thôn An Sơn, xã Phổ Nhơn (Đức Phổ) lại nghĩ có ngày mình lại đưa chúng đi tham gia thi... cấp tỉnh! Chẳng thế mà khi dắt cặp bò lai to béo, bộ lông màu nâu sậm óng mượt ra sân khấu, bà Mậu cứ bẽn lẽn dù bò của mình nhận được nhiều lời trầm trồ, khen ngợi của khán giả. Lý do theo bà Mậu là “tôi run vì đông người xem quá; lại lo vì nhìn bò ai cũng to, khỏe và đẹp”. Tuy nhiên, đó chỉ là cảm xúc ban đầu, chứ khi cùng mẹ con con bò bước vào phần trình diễn ngoại hình, thể chất lẫn cân nặng, bà Mậu liền hồ hởi: “Con nái lai này mắn đẻ lắm, đều đặn mỗi năm một con. Mà bê con lại chóng lớn, mới 5 tháng mà nặng hơn một tạ rồi đấy!”.

Bò lai là đối tượng đang được nông dân trong tỉnh lựa chọn phát triển.
Bò lai là đối tượng đang được nông dân trong tỉnh lựa chọn phát triển.


Còn ông Cao Văn Nam, ngụ thôn Canh Mo, xã Sơn Nham (Sơn Hà) cũng không khỏi tự hào khi nói đến “hoa hậu bò” nhà mình dù trông nó có vẻ “mẹ ốm, con nhỏ”. Nhưng “nó mới đẻ, phải nuôi con nên còn ốm. Chứ hai tháng trước, nó mập khỏe, lông mượt và đẹp lắm nên mới được cán bộ chọn đi thi đấy chứ !”.  
 

Chủ tịch UBND tỉnh vừa phê duyệt Dự án cải tiến nâng cao chất lượng giống bò thịt tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2014 – 2018 (Dự án) với tổng kinh phí thực hiện trên 8,5 tỷ đồng. Mục tiêu của Dự án là thực hiện phối giống cho 62.500 lượt bò với tỷ lệ bò có chửa bê lai chất lượng cao đạt 95% – tức 9.375 con ở 7 huyện đồng bằng, thành phố. Ngoài ra, Dự án cũng tiến hành đào tạo nguồn cán bộ, thú y viên và tập huấn kỹ thuật chăm sóc bò cho nông dân…

Ngoài bà Mậu, ông Nam thì cuộc thi bò cái lai Zê bu sinh sản lần này còn thu hút 5 cặp bò tiêu biểu của 5 hộ đến từ TP. Quảng Ngãi, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Sơn Tịnh và Ba Tơ. Dù mỗi con có một vóc dáng, một màu lông và một dòng máu lai khác nhau, nhưng tựu chung lại, chúng là những bò cái mập khỏe, mắn đẻ lại “mát sữa” nên cho ra đời những chú bê khỏe mạnh, hay ăn, chóng lớn. Ấy nên lão nông Trương Tài, ngụ xã Tịnh An (TP. Quảng Ngãi) khi đến xem cuộc thi đã nói vui: “Bò dự thi cặp nào cũng đẹp. Tôi nhìn mà thèm. Kỳ này tôi phải dò hỏi kinh nghiệm rồi nuôi bò mới được”.

… đến kế hoạch nuôi bò

Nói là làm. Cuộc thi kết thúc, ông Tài đến gặp chị Mậu – chủ nhân của cặp bò cái lai đoạt giải “hoa hậu” năm 2014 để hỏi kinh nghiệm. Chị Mậu vui vẻ chia sẻ: “Con nái tốt có thân hình rộng, chân khỏe, móng chắc, da mịn lông mềm dày mượt, tạp ăn, bầu vú căng đều”. Dường như vẫn chưa thỏa mãn với câu trả lời trên, ông Tài nhờ chúng tôi giới thiệu cho vài hộ có tiếng “mát tay” nuôi bò, rồi những địa chỉ cung cấp bò giống uy tín trong và ngoài tỉnh để trực tiếp đến tìm hiểu, học hỏi. Lý giải sự thận trọng này, ông Tài tiết lộ: “Tôi dự định mua vài ba con bò cái để gầy đàn. Mà nghe đâu giá 20 - 25 triệu đồng/con, nghĩa là tôi phải đầu tư cả trăm triệu đồng nên phải cẩn thận”.  

Không chỉ nông dân mà hiện giờ, nhiều địa phương trong tỉnh cũng xem bò là đối tượng đứng đầu danh sách giúp họ hoàn thành tiêu chí thu nhập và hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới. Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Trần Văn Sương tiết lộ: “Cùng với đàn trâu, chúng tôi đã rà soát và quy hoạch 3 xã là Trà Xuân, Trà Phú, Trà Bình để phát triển đàn bò lai theo hướng tập trung”. Trong khi đó, Bình Sơn cũng đang tích cực nâng tỷ lệ đàn bò lai của huyện vượt con số 49%/tổng đàn.

Quả thật, dù đã quá quen với đối tượng này nhưng qua cuộc thi “hoa hậu bò”, nông dân lẫn chính quyền cơ sở hiểu hơn đặc tính và giá trị của nó. Từ đó các địa phương đã hoạch định chính sách thúc đẩy phong trào chăn nuôi bò lai, góp phần nâng số lượng đàn bò trong tỉnh từ 274.000 con, với 56% bò lai năm 2014 lên 320.000 con và bò lai chiếm 60% vào năm 2020.
 

MỸ HOA
 


.