Những "con ong" chăm chỉ

04:10, 20/10/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Xuất phát điểm là những hộ nghèo và cận nghèo, nhiều chị em phụ nữ đã không cam chịu với hoàn cảnh mà tìm cách vươn lên vượt khó. Với nỗ lực của bản thân và sự giúp đỡ từ những chị em khác, họ đã tìm hướng đi để thoát nghèo, vun vén cho cuộc sống gia đình ngày càng ấm no và hạnh phúc. Những người phụ nữ ấy được ví như những con ong chăm chỉ, cần mẫn dâng mật ngọt cho đời.
Về thăm cơ ngơi của chị Trần Thị Lệ Thủy ở thôn Thế Lợi, xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh) hôm nay, không ai nghĩ rằng ngôi nhà khang trang của gia đình chị từng là một mái tranh xiêu vẹo với nỗi cơ cực nghèo đói vây quanh. Nhờ vào bàn tay hay lam hay làm, chị Thủy đã không phải đi làm thuê làm mướn mà tự mình làm chủ kinh tế gia đình. Nhớ lại những năm tháng nghèo khổ, chị Thủy bộc bạch: “Quanh năm gia đình tôi chỉ biết làm ruộng. Cực nhưng tiền chẳng đủ lo cho 2 con ăn học, suốt ngày chỉ cho nghĩ cách chạy đi mượn tiền của họ hàng, người quen để trang trải. Nghĩ cứ vậy hoài thì chẳng thể khá nổi nên tôi tìm cách vay vốn làm ăn”.
 
Nói là làm, năm 2010, qua tổ chức Hội phụ nữ của xã, chị Thủy mạnh dạn vay 15 triệu đồng để làm vốn phát triển sản xuất. Từ nguồn vốn này chị mua 2 con heo nái và đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, chị mua 10 heo con về nuôi lấy thịt trong khi chờ 2 heo nái sinh sản. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc cũng như cách phòng trị bệnh, nên đàn heo của chị thường xuyên mắc bệnh, do đó chị quyết định tham gia lớp sơ cấp thú y của Hội phụ nữ huyện tổ chức.

 

Thu nhập chính của gia đình chị Thủy là nhờ vào mô hình nuôi heo lên đến hàng trăm con mỗi năm
Thu nhập chính của gia đình chị Thủy là nhờ vào mô hình nuôi heo lên đến hàng trăm con mỗi năm.
 
Từ đó, đàn heo của gia đình phát triển ổn định, bắt đầu sinh sản và cho thu nhập. Kinh tế gia đình chị dần khá lên, có tiền để trả nợ ngân hàng và đầu tư mở rộng chăn nuôi. Hiện tại trong chuồng nhà chị Thủy có 7 con heo nái sinh sản, bình quân hàng năm xuất trên 170 con heo thịt, chị thu lãi gần 100 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi năm chị xuất bán hơn 200 con gà thịt và nuôi chim bồ câu để phát triển kinh tế gia đình.
 
Không chỉ đảm đang với vai trò một người vợ, người mẹ, chị Thủy còn khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của mình trong các phong trào ở địa phương, nhất là thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Chị chia sẻ: “Nhờ Hội phụ nữ, các đoàn thể tạo điều kiện quan tâm giúp đỡ tạo điều kiện vay vốn mở rộng chăn nuôi, từ đó mình học hỏi thêm các trang trại ở các địa phương khác áp dụng cho gia đình mình nên có hiệu quả, thu nhập cũng ổn định hơn trước kia, mình luôn luôn có ý tưởng lúc nào cũng muốn mở rộng chăn nuôi để phát triển kinh tế”.
 
Cũng có chí làm giàu như chị Thủy, nhưng chị Nguyễn Thị Chi ngụ ở thôn Bình Thanh, xã Trà Bình (Trà Bồng) lại phát triển kinh tế theo hướng chăn nuôi kết hợp trồng rừng. Sau 4 năm lao động cật lực, giờ chị Chi không những xóa tên gia đình mình khỏi danh sách hộ nghèo, mà còn là hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đây là điều mà ít người phụ nữ ở huyện miền núi có thể làm được.
 
Năm 2009, từ số tiền vay ít ỏi 5 triệu đồng, chị đã mua 2 con bê về nuôi. “Nhà nghèo thì mình phải tính sao để thoát nghèo. Chứ không thể để cha mẹ khổ, đến đời con cái cũng khổ theo được”- chị Chi kiên định nói về chuyện thoát nghèo. Với ý nghĩ đó, vợ chồng chị đã chịu khó làm ăn, đến nay,  từ 2 con bê ban đầu, đàn bò hơn 10 con đã yên vị trong chuồng của gia đình chị.

 

Từng là hộ nghèo, đến nay gia đình chị Chi đã là một trong những hộ có kinh tế bền vững tại địa phương nhờ vào sự cần cù chăm chỉ của vợ chồng chị
Từng là hộ nghèo, đến nay gia đình chị Chi đã là một trong những hộ có kinh tế bền vững tại địa phương nhờ vào sự cần cù, chăm chỉ của vợ chồng chị
 
Chưa dừng lại ở đó, với nguồn thu từ việc nuôi bò, chị Chị tiếp tục phát triển qua việc trồng trọt. Chị cùng gia đình chăm bẵm khai hoang lấy đất trồng keo. Đến khi mồ hôi của chị thấm nhòa trên một dải đất rừng mênh mông, cũng là lúc gia đình chị có hơn 10ha keo lai, 2ha mì và thanh long ruột đỏ. “Vừa làm vừa học, cả hai vợ chồng tôi đều cố gắng làm ăn kiếm tiền nhưng cũng chăm chỉ đi tập huấn kỹ thuật để về áp dụng những cái mới để làm cho hiệu quả hơn. Giờ mỗi năm, gia đình thu nhập hơn 100 triệu đồng. Đỡ khổ nhiều rồi!”- Chị Chị trút lòng về thời gian cực khổ vừa qua.
 
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, chị Chi luôn hỗ trợ cho bà con ở địa phương và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi để cùng nhau phát triển kinh tế. Đồng thời, chị cũng là hội viên nhiệt tình tham gia công tác hội phụ nữ và sẵn sàng giúp đỡ về vật chất cũng như tinh thần cho những gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn ở địa phương.
 
 
Bài, ảnh: Thanh Phương
 

.