Ngư dân lên... rẫy

08:10, 13/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mùa biển yên thì đi biển, mùa biển động lại lên rẫy trồng cà phê. Những ngư dân của làng chài Châu Thuận Biển, Phú Quý, An Hải, xã Bình Châu (Bình Sơn) cứ di chuyển như con thoi giữa Hoàng Sa, Trường Sa và vùng cao nguyên Gia Lai, Đắk Lắk …

Mùa “đi”

Tìm về Bình Châu vào một ngày tháng 9 âm lịch, tháng mà ngư dân vẫn thường gọi là tháng cuối mùa ghe. Những tưởng sẽ gặp được đông đủ ngư dân, khi mà biển động, nhưng số ngư dân còn ở lại Bình Châu chẳng được bao nhiêu. Hỏi ra mới biết, phần lớn mọi người đều đã lên Tây Nguyên để chuẩn bị cho mùa thu hoạch cà phê đang gần kề. “Nghề biển đâu làm được quanh năm, tới mùa biển động là nghỉ chẳng biết làm gì. Thôi thì mua rẫy, làm cà phê, tới mùa biển động thì lên Tây Nguyên thu hoạch rồi qua Giêng lại về đi biển”, ngư dân Dương Văn Xuân, ngụ ở xóm Câu, thôn An Hải, xã Bình Châu, cười khề khà.

 

Nhờ chịu khó đi biển và làm rẫy trong mùa biển động mà nhiều ngư dân ở xã Bình Châu đã có cơ ngơi khang trang.
Nhờ chịu khó đi biển và làm rẫy trong mùa biển động mà nhiều ngư dân ở xã Bình Châu đã có cơ ngơi khang trang.


Rời con tàu tròng trành, lên vùng cao nguyên của nắng và gió, lúc đầu, cũng chẳng mấy ai quen. Cái gió trên Tây Nguyên khác với gió biển, khi đêm về cứ lạnh buốt như dội nước đá vào người, ngư dân Xuân so sánh. Nhưng rồi, vì miếng cơm manh áo, vì đôi chân không muốn nghỉ, mà cả trăm ngư dân ở Bình Châu sau khi kết thúc phiên biển, lại tất tả đi làm rẫy. Người nhiều thì dành tiền mua 7-8ha đất trồng cà phê, người ít hơn cũng 1-2ha. Cứ thế, một năm di động từ biển lên non, một năm tròng trành một cảnh hai quê từ Quảng Ngãi thẳng tiến lên Tây Nguyên làm rẫy.

“Trong số 200 ngư dân hành nghề thúng câu rồi đánh bắt gần bờ và xa bờ ở Phú Quý thì đã có hơn 120 ngư dân mua được rẫy cà phê ở Tây Nguyên. Vừa làm biển, vừa làm rẫy, tránh được cảnh nhàn rỗi mùa biển động, lại có thêm thu nhập nên ai cũng ráng dè sẻn mua rẫy như của để dành”, ông Nguyễn Văn Phức - Trưởng thôn Phú Quý cho biết.

Tàu gần nhau, rẫy cũng liền nhau

Nằm nép mình ngay mé biển, phía trước là ngọn hải đăng Ba Làng An, sau lưng là núi, xóm Câu, thôn An Hải, xã Bình Châu ngót nghét chục hộ dân, thì đã có 8 nhà mua được rẫy ở Tây Nguyên. Đi từ đầu đường vào xóm Câu, đến cuối đường, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, hướng ra bờ biển toàn đá. Ở xóm Câu, người sắm được rẫy ở Gia Lai sớm nhất là ông Hai Thịnh, rồi lần lượt đến ông Xuân, ông Lê… Ông Hai Thịnh đi tiên phong vào năm 1992, rồi những năm sau đó, ai muốn mua rẫy, đã có ông “dẫn” đường. Bởi vậy, 8 gia đình ở xóm Câu, đi biển thì đi cạnh nhau, neo trú tàu cũng liền nhau, rồi mua rẫy cũng sát nhau. “Hồi mới lên, mấy anh em chỉ căng ra tấm bạt rộng bằng chiếc chiếu 1,2m rồi nằm đó mà canh rẫy. Nên nếu không dựa vào nhau thì chẳng ai dám một thân một mình ở lại đó”, ông Dương Văn Lê tâm sự.

Đoàn kết giúp đỡ nhau trên biển, lên rẫy vẫn giữ được tinh thần ấy, người dân ở làng vạn chài Phú Quý, An Hải, Châu Thuận Biển…đồng lòng cùng nhau làm giàu. Với giá mỗi hecta cà phê bây giờ đã lên đến 400-500 triệu, ngư dân Bình Châu thật sự đã trở thành những “triệu phú” khi vừa sở hữu tàu, vừa có trong tay vài hecta rẫy cà phê.

Phấn khởi khi mỗi hecta cà phê thu về gần 4,5 tấn, ông Tiêu Viết Hồng, thôn Phú Quý tâm sự: “Ở An Hải rủ nhau mua rẫy ở Pleiku, còn Phú Quý thì mua rẫy chung ở Mang Yang… Vụ vừa rồi, 2ha mang về cho tôi gần 9 tấn cà phê”. Nói đoạn, ngư dân Tiêu Viết Hồng lại tiếp lời: “Làm rẫy, giàu thì giàu thiệt, nhưng mua rẫy cả chục năm rồi mà tui có bao giờ nghĩ tới chuyện ngưng biển. Bởi không có biển, thì mình làm gì có tiền mua rẫy, nên mình phải thủy chung, vẫn quyết bám biển”.
                     

  Bài, ảnh: Ý THU
 


.