Hàng Việt chất lượng lên miền núi: Lúc có, lúc không

01:10, 07/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, việc đưa hàng Việt về các huyện miền núi đã có nhiều chuyển biến, tạo điều kiện để người dân nơi đây mua sắm, tiêu dùng hàng Việt chất lượng, giá cả hợp lý. Tuy nhiên, sau khi kết thúc những phiên chợ, những chuyến hàng này thị trường hàng hóa miền núi lại trở về vốn có của nó: Hàng dạt, chất lượng kém, giá cả cao hơn nhiều so với miền xuôi.


Những chuyến hàng Việt kiểu  “buôn chuyến”

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Khuyến công (Sở Công thương) phối hợp với UBND các huyện miền núi Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long, Trà Bồng tổ chức “Phiên chợ hàng Việt”. Mục đích là quảng bá, giới thiệu và góp phần đưa hàng Việt chất lượng, giá cả hợp lý về tận miền núi, vùng cao phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Kết quả đã đạt được như mục tiêu đề ra, song theo đánh giá của người dân miền núi thì hoạt động này chưa đáp ứng được yêu cầu. Phiên chợ chỉ tổ chức trong vòng 2 – 3 ngày là “rút”, các mặt hàng chưa phong phú, đa dạng, chưa sát thực với nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Người dân huyện miền núi Ba Tơ chọn mua hàng hóa tại phiên chợ hàng Việt ở thị trấn Ba Tơ.
Người dân huyện miền núi Ba Tơ chọn mua hàng hóa tại phiên chợ hàng Việt ở thị trấn Ba Tơ.


Chị Đinh Thị Chót, thôn Mang Po, xã Sơn Ba (Sơn Hà) biết tin tại Di Lăng có phiên chợ hàng Việt, chị đi bộ từ làng xuống “phố núi” để mua hàng. Thế nhưng khi đến nơi, chợ đã bắt đầu thu dọn, chẳng mua được thứ gì. “Mình nghĩ chợ phải bán dài ngày, đâu biết là bán có 2 hôm là thôi đâu”- chị Chót cho biết. Còn theo bà Đinh Thị Bơi, thôn Tà Pa, xã Sơn Thượng (Sơn Hà) thì, “cứ tưởng có phiên chợ hàng Việt, xuống mua được hàng tốt, giá rẻ chứ. Hàng mình cần không có, lại phải đặt mua của những người bán lẻ kia thôi”.

Từ khi tổ chức Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đến nay, bằng nhiều nỗ lực, Sở Công thương đã tìm nhiều giải pháp để kết hợp với chính quyền, doanh nghiệp đưa hàng về nông thôn, miền núi. Song do kinh phí hạn hẹp, những chuyến hàng về miền núi vẫn còn thưa thớt, hàng hóa đơn điệu, chủ yếu vẫn dựa vào sự nhiệt tình tham gia của doanh nghiệp. Vì thế hiệu quả mang lại chưa cao.

Cần xây dựng “chợ phiên” ổn định

Tại Quảng Ngãi, hiện nay hệ thống chợ miền núi còn nhiều bất cập, hạn chế, trong đó huyện Tây Trà sau 11 năm tách lập vẫn chưa hình thành được một chợ nào. Khi mới xây dựng, huyện này cũng quy hoạch chợ trung tâm huyện, song do không phù hợp với nhu cầu thực tế, chợ xây dựng sau đó đã không phát huy hiệu quả. Việc cung ứng hàng hóa lên miền núi, đặc biệt là huyện Tây Trà chủ yếu vẫn do “chợ di động”  phục vụ. Điều này, xét về góc độ cung ứng hàng hóa đơn thuần thì nhanh và lợi hơn so với đầu tư xây dựng chợ. Tuy nhiên, nếu xét ở góc độ mục đích, ý nghĩa của “tiêu chí chợ” thì “chợ di động” không thể thay chế chợ miền núi được.

Trong Hội thảo Quốc gia “Phát triển thương mại miền núi, hải đảo” do Bộ Công thương tổ chức tại Quảng Ngãi, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng: Chợ miền núi có vai trò quan trọng, đó là kênh phân phối hàng hóa, nơi giao lưu văn hóa. Nếu tổ chức chợ hằng ngày không được thì có thể tổ chức theo phương thức chợ phiên theo tháng như một số tỉnh phía Bắc. Khi có chợ miền núi, kể cả là chợ hoạt động theo kiểu chợ phiên thì mới tính đến chuyện đưa hàng Việt về miền núi mới đạt hiệu quả.

Về phía tỉnh Quảng Ngãi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Thị Loan cho rằng, hoạt động đưa hàng Việt về miền núi như cách làm vài năm gần đây chỉ là giải pháp tình thế, làm theo phong trào. Hiện tại, thị trường hàng hóa ở miền núi không khan hiếm song hàng hóa đảm bảo chất lượng vẫn chưa lên được với người dân. Thậm chí có không ít đối tượng kinh doanh lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng đưa hàng kém chất lượng, hàng hết hạn sử dụng, hàng giả lên miền núi. “Xây dựng kênh phân phối hàng Việt ổn định, tăng cường kiểm soát thị trường thì hàng Việt chất lượng mới có thể đến được với đồng bào miền núi” – bà Đinh Thị Loan, khẳng định.


Bài, ảnh: THANH NHỊ

 


.