Nụ cười nhà nông

05:09, 05/09/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Lâu lắm rồi nông dân trong tỉnh mới có được niềm vui trọn vẹn khi liên tiếp được mùa lúa cả vụ sản xuất lúa đông xuân và hè thu, chăn nuôi thì ít bị dịch bệnh, các loại rau màu khác cũng bớt cảnh “được mùa rớt giá”…

TIN LIÊN QUAN

Chưa có vụ hè thu nào, nông dân xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) lại háo hức, rộn ràng như năm nay. Lý do, ngoài chuyện cây lúa “sống khỏe, bông nhiều, chắc hạt” thì, sự có mặt của mô hình Cánh đồng mẫu lớn (CĐML) khiến ai cũng hồi hộp, mong chờ đến ngày gặt lúa. Bởi nói như ông Phan Diễn, một trong 201 hộ tham gia mô hình thì: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi làm lúa theo kiểu chung giống, chung cách bón phân và chăm sóc nên không biết năng suất thế nào, mặc dù lúa nhìn cũng mát mắt lắm!”. Có lẽ vì thế mà khi giống lúa VN121 vừa tròn 89 ngày, bà con nơi đây đã vội vàng “gặt chiến” để thỏa mãn tính tò mò. Kết quả, lúa CĐML đạt 67 tạ/ha, cao hơn loại sản xuất đại trà gần 8 tạ/ha.

 

Niềm vui trúng mùa lúa của nông dân.                          Ảnh: M.H
Niềm vui trúng mùa lúa của nông dân. Ảnh: M.H


Thoạt nghe, nhiều người hoài nghi. Vì lâu nay, dù có trúng mùa thì năng suất lúa ở đây cũng hiếm khi vượt ngưỡng 60 tạ/ha. Thế nhưng khi nhìn những bao tải lúa chất đống trên ruộng, rồi nghe các hộ hạch toán rằng, chi phí sản xuất lúa trên CĐML giảm 20 - 30%, trong khi năng suất tăng 15 - 30%... thì nhiều người khấp khởi mừng. Bởi, “lúc đầu nghe làm lúa CĐML mà chỉ sạ có 4,5kg giống/sào (bình thường là 7-8 kg/sào), rồi lượng phân bón ít nên tôi bán tín bán nghi. Nhưng giờ thì tôi tin. Ít giống, ít phân mà lúa vẫn nhiều. Nông dân quá lợi!”, ông Bùi Phú hồ hởi nói.      
   
Cùng niềm vui “được mùa lúa, được cả kỹ thuật” với nông dân Hành Thịnh là bà con đồng bào dân tộc Hrê thôn Gò Chè, xã Long Sơn (Minh Long). Bởi vụ hè thu này, lần đầu tiên họ được tận mắt nhìn ruộng lúa trĩu hạt vàng óng, cây không bị ngả đổ, lúa cũng chẳng “nơi dày chỗ mỏng” do sâu bệnh gặm nhấm như mọi lần. Đây cũng là vụ đầu tiên, bà con Gò Chè thu về được 7 - 8 bao lúa/sào - con số mà từ bao đời nay, có nằm mơ họ cũng không dám nghĩ tới. Anh Đinh Ka Lơm (thôn Gò Chè) bảo: “Đất ở đây xấu lắm! Mấy vụ trước, một sào lúa nhà mình chỉ được 2 - 3 bao thôi, may lắm thì được 4 bao nhưng mà lúa bổi (hạt dé) nhiều lắm, còn nay thì bội thu!”.

Để giúp bà con nơi đây thay đổi thói quen canh tác ấy, nhằm gia tăng sản lượng lúa nên vụ hè thu này, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư (Trạm) huyện Minh Long đã “cầm tay chỉ việc” cho họ thông qua mô hình “Cải tiến kỹ thuật sản xuất lúa nước miền núi” tại cánh đồng Gò Gụ. Sau 3 tháng được cán bộ Trạm hướng dẫn cách dẫn nước, ngâm ruộng làm đất, dùng vôi khử phèn, bón lót bằng phân chuồng, ủ giống bằng lá chuối để mầm mọc đều không thối, rồi cân đong lượng phân trước khi bón... nên không chỉ năng suất lúa “nhảy vọt”, mà thói quen sản xuất của bà con cũng có sự chuyển biến. “Giờ tôi biết mình chỉ sạ 5kg giống/sào thôi; bón phân, phun thuốc đuổi sâu bệnh đúng kỳ chứ không thích đâu làm đó nữa”, ông Đinh Văn Trễ bộc bạch.

Ngoài hai địa phương trên, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư cũng đã mang CĐML và kỹ thuật sản xuất lúa nước đến với nông dân các huyện Tư Nghĩa, Đức Phổ, Trà Bồng, Sơn Hà. Theo đánh giá của Phó giám đốc Trung tâm Lê Văn Việt thì: “Thành công của những mô hình này không dừng lại ở năng suất, sản lượng; mà là giúp nông dân hiểu rằng, nếu sản xuất đúng kỹ thuật, họ vẫn có thể có lời và sống khỏe với cây lúa”.

 Rõ ràng, bên cạnh sự dễ chịu của thời tiết thì việc thay đổi tư duy trong sản xuất của người dân mới là yếu tố tiên quyết tạo nên những thành quả trên. Hy vọng rằng, yếu tố ấy sẽ tiếp tục được phát huy để nhà nông mãi có được nụ cười mãn nguyện.

Mỹ Hoa
 


.