"Làm mới" nông thôn

01:09, 05/09/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với các xã điểm, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã đi đến chặng cuối trong lộ trình 2011 - 2015. Vậy nên để cán đích NTM đúng kế hoạch, nhiều xã đã sáng tạo những cách “làm mới” nông thôn hết sức hiệu quả và bền vững...

TIN LIÊN QUAN

Trao “cần câu cơm” cho người nghèo

“Có nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ đến chuyện sẽ có một con bò, huống chi là hai, rồi sẽ ba con”, bà Hà Thị Sương ngụ thôn Hòa Bình, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) trải lòng. Thế nhưng, giấc mơ ấy đã trở thành hiện thực vào một ngày cuối năm 2012, khi UBND xã Nghĩa Hòa chọn bò Zê bu sinh sản hỗ trợ cho những hộ nghèo của địa phương. Có điều, trước khi nhận món quà mơ ước ấy, bà Sương bảo đã phải “suy trước tính sau rất kỹ càng”. Lý do, khi biết xã cấp bò, nhiều người rỉ tai nhau nói rằng bò cho là bò...dỏm - tức không ốm yếu cũng mắc bệnh; rồi nhận bò xong, hộ nghèo như bà Sương phải cam kết thoát nghèo...

 

Huy động sức dân để
Huy động sức dân để "làm mới" nông thôn bằng cách hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn. Ảnh: M.HOA

 

Toàn tỉnh phấn đấu có 1 xã đạt NTM vào cuối năm 2014, 16 xã còn lại đạt chuẩn NTM vào năm 2015 và 2016. Để hoàn thành mục tiêu này, UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định 939 về việc phân bổ 100 tỷ đồng từ nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi năm 2014 cho 17 xã điểm để đầu tư thực hiện các chương trình: Kiên cố hóa kênh mương; xây dựng đường giao thông nông thôn, trạm bơm điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và làng nghề nông thôn; hỗ trợ xi măng cho các xã thực hiện Đề án Phát triển giao thông.

Hiểu được tâm tư ấy, lãnh đạo xã đã động viên, cam kết với người dân về chất lượng bò; đồng thời mời cán bộ thú y huyện đến tận trại giống để kiểm tra thể trạng, sức khỏe của bò. Kết quả, 8 con bò Zê bu với giá trị 17 triệu đồng/con, đầu tiên về xã được 8 hộ nghèo đón nhận. Vì “bò khỏe, to, mập, lại được Nhà nước cho tiền, giống trồng cỏ nên ai cũng sướng hết”, bà Nguyễn Thị Phấn ngụ thôn Hòa Phú chen vào câu chuyện. Để minh chứng điều mình nói cả bà Phấn và bà Sương kéo chúng tôi về nhà, chỉ vào con nghé hơn 2 tháng tuổi rồi hồ hởi nói: “Đấy, sau một năm rưỡi nuôi mỗi người chúng tôi có con nghé làm lời, lo gì nghèo nữa”.

Từ thành công trên, năm 2013, UBND xã Nghĩa Hòa tiếp tục dùng nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất NTM để mua 10 con bò, tặng cho 10 hộ nghèo trong xã. Và đến thời điểm này, phần lớn bò đang có chửa. Nhiều chủ bò tự nguyện xin thoát nghèo vì đã có vốn “lận lưng”. Vì vậy nên hiện giờ, tỷ lệ hộ nghèo của xã Nghĩa Hòa chỉ còn 3,5%, thu nhập đạtbình quân  21 triệu đồng/người/năm, đạt 13/19 tiêu chí NTM.

Nói về thành công trên, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa Nguyễn Văn Bá cho rằng: “Quan điểm của địa phương là phải trao cho bà con cái “cần câu” để họ “tự câu cá” kiếm tiền, chứ Nhà nước không thể giúp họ mãi”. Có lẽ vì vậy nên ngoài việc hỗ trợ bò cho hộ nghèo, xã còn làm việc với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện triển khai các gói vốn vay ưu đãi cho hộ cận nghèo, giúp họ có điều kiện phát triển kinh tế.   


Thay đổi tư duy sản xuất

Khác với Nghĩa Hòa, xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh) lại chọn phương án đột phá NTM là thay đổi tư duy sản xuất của người dân thông qua việc dồn điền đổi thửa (DĐĐT) và áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, với đầu tàu là HTX Dịch vụ nông nghiệp nông thôn Tịnh Trà (HTX).

Từ đầu mối này, nông dân Tịnh Trà được tiếp cận và ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất; sử dụng máy móc từ khâu làm đất đến thu hoạch, đóng gói để giảm thiểu chi phí, thất thoát… Kết quả, nông dân Tịnh Trà không chỉ là những người đầu tiên trong tỉnh tham gia sản xuất và hưởng lợi trực tiếp từ thương hiệu lúa giống của mình với chi phí đầu tư giống, phân bón giảm; lợi nhuận gia tăng, mà còn rất “dễ tính” trong việc thực hiện DĐĐT. Bởi nói như lão nông Mai Văn Trà thì “đã dùng máy thì ruộng phải to, đường phải rộng; chứ ruộng kiểu đầu thừa đuôi thẹo thì làm tróc lưng cũng chẳng đủ ăn, nói gì có dư”. Hẳn nhờ suy nghĩ rất thoáng này của nông dân mà chỉ trong hơn 2 năm, 42ha ruộng của địa phương đã được DĐĐT.    

Nhờ hướng đi riêng, không kém phần táo bạo này mà từ một xã đồng gieo, nghèo khó nhất nhì huyện Sơn Tịnh, Tịnh Trà đã “lột xác” thành nơi sản xuất nông sản, đặc biệt là trồng lúa có tiếng và là xã điểm NTM của tỉnh với 15/19 tiêu chí đạt được, thu nhập người dân 21,7 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,7%. Tuy sở hữu những con số ấn tượng ấy, nhưng Chủ tịch UBND xã Tịnh Trà Phan Duy Khánh bảo rằng: “Cán bộ và nhân dân Tịnh Trà sẽ không bao giờ “ngủ quên” trên thành quả ấy mà sẽ đồng lòng thay đổi theo hướng tốt hơn, để người dân Tịnh Trà bớt cái khó, cái khổ và có cuộc sống “tốt hơn khi nông thôn mới cán đích vào năm 2015”.

 

Mỹ Hoa
 


.