"Vẫn hát khúc quân hành"

10:08, 04/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Xuất ngũ trở về với đời thường, họ đều chọn nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình để an cư. Gác lại những năm tháng chiến tranh gian khổ trong ký ức, các cựu chiến binh này quyết tâm lập nghiệp, xây dựng các mô hình kinh tế thành công  từ bản lĩnh người lính Cụ Hồ và niềm tin “Bàn tay ta làm nên tất cả/Có sức người sỏi đá cũng  thành cơm”.

Tạo dựng cơ ngơi trên vùng đồi

Năm 1986, từ chiến trường Campuchia ông Đoàn Quang Chánh trở về quê hương thôn Trường Lệ, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) để sinh sống. Vùng đất nghèo khó lúc bấy giờ chỉ toàn là đồi trọc, khô cằn. Vợ chồng ông dựng căn chòi gần hồ nước để làm nơi trú thân, xây chuồng nuôi heo, khai hoang sản xuất. Lúc ấy, cuộc sống nhọc nhằn, khốn khó, “1 gạo độn 5 mì” ăn không đủ no, khiến vợ chồng ông càng thêm nỗ lực quyết tâm vượt nghèo.

Ngôi biệt thự giữa núi rừng là thành quả của những tháng ngày lao động miệt mài, cực nhọc của ông Đoàn Quang Chánh.
Ngôi biệt thự giữa núi rừng là thành quả của những tháng ngày lao động miệt mài, cực nhọc của ông Đoàn Quang Chánh.


Nơi đang ở khó khăn, nguy hiểm nên hai vợ chồng ông Chánh bàn nhau chuyển vào phía đồi núi xa hơn để khai hoang. Vợ mở quán nước nhỏ bán cho những người qua đường, chồng vào rừng đốn củi, chặt nứa. Tằn tiện, chắt chiu từng đồng một để sống qua ngày và tích cóp làm ăn. Rồi hai vợ chồng ông vay tiền đầu tư làm ăn, khai hoang đất đồi để trồng đót, trồng keo, xây chuồng trại lớn hơn để nuôi heo, bò; xây bể trên núi để lấy nước, kéo ống dẫn nước về tận nhà để sinh hoạt, sản xuất.  

Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng cơ ngơi do hai vợ chồng ông gây dựng nên gồm, những rừng keo xanh bát ngát, hồ nuôi cá, chuồng trại, các loại xe cơ giới như xe tải, máy đào đang hoạt động. Ông Chánh cũng vừa xây dựng cây xăng đưa vào kinh doanh phục vụ cho bà con vùng núi này... Tận mắt chứng kiến những thành quả ấy, mới cảm nhận được sức lao động miệt mài, cần mẫn mà hai vợ chồng ông bỏ ra. Càng thêm bất ngờ khi ông Chánh chỉ tay xuống nền đất chúng tôi đang đứng kể lại. Ngày trước nơi này chỉ toàn là hố sâu, vùng trũng. Hai vợ chồng đã gánh từng thúng đất để lấp lại, cứ đổ dần dần lên, từ ít thành nhiều. Lúc trước chỉ dùng sức người, khi có thêm phương tiện thì huy động xe cơ giới để đổ. Diện tích đất đã đổ hơn 5 ngàn mét khối với độ sâu hơn cả chiều dài một cây dừa trưởng thành.

Căn nhà xây theo kiểu biệt thự giữa núi rừng bạt ngàn là cơ ngơi do chính công sức lao động, mồ hôi, nước mắt vợ chồng ông làm ra. Ông đầu tư cho con cái học hành bài bản. Đó là niềm vui, hạnh phúc lớn nhất của gia đình ông.

Hăng say làm kinh tế, ông Chánh còn là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Trường Lệ. Ông luôn nhiệt tình đóng góp công sức vào các hoạt động của địa phương. Hiện nay, khu chuồng trại của gia đình ông đã cho một người em ở gần mượn để làm ăn, gọi là em nhưng thật ra không có bà con gì. Hỏi ông tại sao lại giúp một người không họ hàng thân thích gì như vậy, ông chỉ mỉm cười trả lời, thấy cực khổ lại có chí làm ăn nên gia đình ông giúp đỡ vậy thôi. Có lẽ cũng bởi đã thấm thía những cực khổ đã trải qua nên ông càng đồng cảm, chia sẻ với những vất vả của người khác.

Học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Ngay từ khi còn nhỏ, ông Huỳnh Thân ở thôn Khánh Giang, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) đã thay cha mẹ mất sớm làm nông nuôi các em. Lớn lên ông đi bộ đội. Năm 1979 từ chiến trường Campuchia, ông phục viên trở về với cuộc sống đời thường. Trong bề bộn khó khăn của cuộc sống lúc bấy giờ, ông luôn trăn trở, suy nghĩ  tìm cách thoát khỏi cuộc sống nghèo khó.  Sống ở vùng rừng núi, ông nghĩ mình phải dựa vào đồi núi để sống, rồi hai vợ chồng ông khai khẩn đất đai trồng mì, mía.

Năm đầu tiên, ông mua hạt về ươm giống, trồng 10ha keo. Thành quả đã đến sau 6 năm dài chăm sóc, chờ đợi, ông thu được 150 triệu đồng. Với bản lĩnh người lính Cụ Hồ không ngại khó khăn, vất vả, quyết chí làm ăn, ông đầu tư trồng thêm 5ha keo lai, sao đen và 5ha mía. Luôn chịu khó học hỏi kinh nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi, ông  Thân mở rộng mô hình kinh tế của mình thành trang trại trồng keo ghép và đầu tư chăn nuôi. Đến nay, trang trại của ông Thân có 120 con heo rừng, 10 con nhím, 50 con bồ câu Pháp, hơn 100 con gà, 1,5 ha cây ăn quả các loại, 15ha keo, 10 ha mía... Hằng năm, gia đình ông thu nhập sau khi trừ các chi phí còn khoảng 450 triệu đồng.

Mỗi năm, mô hình trang trại của gia đình ông Huỳnh Thân thu nhập khoảng 450 triệu đồng.
Mỗi năm, mô hình trang trại của gia đình ông Huỳnh Thân thu nhập khoảng 450 triệu đồng.


Không chỉ có của ăn của để trong gia đình, mô hình trang trại của gia đình ông còn giúp giải quyết việc làm cho 20 lao động người địa phương. Trong các cuộc họp, ông còn chia sẻ kinh nghiệm làm ăn cho bà con trong vùng, hỗ trợ về con giống và kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, gia đình ông Thân đã giúp cho 12 hộ gia đình thoát nghèo bền vững. Ông Thân hiện đang là Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh thôn Khánh Giang, có nhiều đóng góp cho các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, phong trào địa phương. Ông đã được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp về những cống hiến, nỗ lực của mình. Đặc biệt mới đây ông Huỳnh Thân vinh dự là một trong hai người được tỉnh cử đi dự Hội nghị biểu dương người có công tại Quảng Nam.

Ông Trần Ngọc Phái - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hành Tín Đông cho biết, ông Đoàn Quang Chánh, Huỳnh Thân là những cựu chiến binh - nông dân tiêu biểu, sản xuất, kinh doanh giỏi và có nhiều đóng góp với địa phương. Những cựu chiến binh dám nghĩ dám làm các mô hình kinh tế này không chỉ mang lại thu nhập và nâng cao đời sống gia đình mà còn góp phần làm thay đổi, nâng cao diện mạo xã miền núi Hành Tín Đông.


Bài, ảnh: Bảo Hòa
 


.