Thực trạng công tác quản lý rủi ro trong thủ tục hải quan

09:08, 22/08/2014
.

(Baoquangngai)- Năm 2006, công tác quản lý rủi ro trong thủ tục hải quan đối với hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa được triển khai tại Cục Hải quan tỉnh Quảng Ngãi. Qua gần 8 năm triển khai thực hiện, công tác quản lý rủi ro đã góp phần tạo ra những chuyển đổi căn bản trong phương thức quản lý hải quan, tạo nền tảng cho việc triển khai thủ tục hải quan điện tử.

TIN LIÊN QUAN

Một số kết quả bước đầu

Trong những năm gần đây, lượng doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu tại Cục Hải quan tỉnh Quảng Ngãi ngày càng tăng, các dự án lớn như Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà máy công nghiệp nặng Doosan, Nhà máy luyện cán thép Quảng Liên, Nhà máy đóng tàu Vinashin Dung Quất, Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất… bước vào giai đoạn đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thành dự án và bắt đầu quá trình nhập nguyên liệu để sản xuất, xuất khẩu sản phẩm.

Tại các Hội nghị đối thoại doanh nghiệp, lãnh đạo Cục và phòng Quản lý rủi ro thường xuyên phổ biến các văn bản quy định của Nhà nước về áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động hải quan, các điều ước, chuẩn mực quốc tế mà Hải quan Việt Nam phải đáp ứng đầy đủ khi thực hiện; cũng như những lợi ích mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp qua việc áp dụng phương pháp quản lý rủi ro vào thủ tục hải quan.

Để việc triển khai có hiệu quả, bộ phận quản lý rủi ro (sau này là phòng Quản lý rủi ro) đã thực hiện việc xây dựng các danh mục rủi ro, hồ sơ rủi ro, hồ sơ doanh nghiệp và xây dựng các tiêu chí phân tích phục vụ cho việc phân luồng tờ khai.

Bên cạnh đó, phòng Quản lý rủi ro cũng tăng cường rà soát các mặt hàng có khả năng gian lận về thuế, giá để đưa vào danh sách mặt hàng trọng điểm cần kiểm tra. Phối hợp với các đơn vị liên quan như phòng chống buôn lậu và Xử lý vi phạm, Đội Kiểm soát Hải quan, các Chi cục tiến hành thu thập thông tin doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật, xây dựng các hồ sơ rủi ro và chia sẻ cho các đơn vị khác tham khảo, cũng như tham gia ý kiến về việc xây dựng, phát triển doanh nghiệp ưu tiên.

 

Kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu Dung Quất.
Kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu Dung Quất. Ảnh Internet


Thường xuyên cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật quy định về chính sách mặt hàng để kịp thời ngăn chặn các hành vi cố ý gian lận của doanh nghiệp. Kiểm tra việc triển khai thực hiện áp dụng các tiêu chí rủi ro tại các Chi cục Hải quan; theo dõi, đánh giá tính hiệu quả của các tiêu chí phân tích để đề xuất việc tiếp tục thực hiện hay hủy hiệu lực.

Trong những năm vừa qua việc xây dựng và áp dụng tiêu chí rủi ro trong phạm vi toàn cục được thực hiện đúng quy định, mang lại hiệu quả cao trong việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử tại đơn vị. Bên cạnh đó, việc tự động phân luồng tờ khai nhanh chóng cũng giúp cho doanh nghiệp chủ động được thời gian trong giao nhận hàng, kịp thời đưa hàng hóa về nơi sản xuất, giảm bớt nhân lực, chi phí đi lại làm thủ tục hải quan, lưu kho lưu bãi.

Những khó khăn, hạn chế và một số giải pháp

Quản lý rủi ro là công tác nghiệp vụ mới và khó, đòi hỏi cán bộ làm công tác quản lý rủi ro phải tinh thông nghiệp vụ và giàu kinh nghiệm thực tế để có thể nắm bắt kịp thời các chính sách; thu thập, phân tích thông tin về doanh nghiệp, hàng hóa XNK; bên cạnh sự nỗ lực triển khai và những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện công tác quản lý rủi ro tại Cục Hải quan tỉnh Quảng Ngãi thời gian qua vẫn còn tồn tại một số hạn chế như:

Một số cán bộ công chức do mới được tuyển dụng nên chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế về thủ tục hải quan cũng như khả năng nhận biết các dấu hiệu vi phạm trong bộ hồ sơ hải quan cũng như công tác thu thập, phân tích thông tin, xác định đối tượng trọng điểm có rủi ro cao. Trong khi đó, tại một số khâu nghiệp vụ đòi hỏi phải bố trí cán bộ công chức có kinh nghiệm như giám sát quản lý, giá tính thuế, kiểm tra sau thông quan,.. nên lực lượng làm công tác quản lý rủi ro còn khá mỏng.

Thông tin, dữ liệu đóng vai trò hết sức quan trọng trong quản lý hải quan hiện đại, đặc biệt là trong việc áp dụng kỹ thuật quản lý rủi ro, là căn cứ để đưa ra các quyết định về hình thức, mức độ kiểm tra hải quan. Tuy nhiên, thời gian qua tại đơn vị công tác thu thập, xử lý thông tin còn phân tán, chồng chéo và không tập trung về một đầu mối nhất định như mảng thông tin thuộc lực lượng QLRR, lực lượng kiểm soát chống buôn lậu, kiểm tra sau thông quan, giá thuế…

Hệ thống thông tin đã được xây dựng từng bước đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ, tuy nhiên nhiều phần mềm hệ thống còn phân tán, chưa đồng bộ, chưa tích hợp lại với nhau thành một khối thống nhất; cơ sở dữ liệu còn phải thực hiện thao tác truyền nhận giữa các cấp nên dễ dẫn đến sai lệch. Hạ tầng mạng còn yếu, hiện tượng lỗi, tắc nghẽn hệ thống vẫn còn xảy ra phổ biến.

Để khắc phục tình trạng trên cần thực hiện một số giải pháp sau:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về áp dụng kỹ thuật quản lý rủi ro trong thủ tục hải quan hiện đại cho toàn thể cán bộ công chức cũng như cộng đồng doanh nghiệp; xem công tác quản lý rủi ro là nhiệm vụ của tất cả công chức làm công tác nghiệp vụ chứ không riêng của bộ phận quản lý rủi ro, từ đó định hướng việc thực hiện phối hợp thu thập, phân tích thông tin, đánh giá hiệu quả, chất lượng áp dụng quản lý rủi ro trong quy trình nghiệp vụ hải quan.

- Tăng cường công tác thu thập, trao đổi, cung cấp thông tin giữa Phòng Quản lý rủi ro với các đơn vị nghiệp vụ trong Cục. Các thông tin thu thập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị như đối tượng trọng điểm về buôn lâụ, nguy cơ vi phạm của người xuất nhập khẩu cần phải được cung cấp kịp thời đến bộ phận quản lý rủi ro để phân tích, đánh giá.

- Các Bộ ngành cấp trên chỉ đạo các ngành tại địa phương như công an, thuế, quản lý thị trường, viện kiểm soát, kế hoạch đầu tư… tăng cường phối hợp thực hiện các thông tư liên tịch về trao đổi, cung cấp thông tin nghiệp vụ. Xác định đây là một kênh thông tin rất cần thiết cho lực lượng hải quan tiến hành xây dựng các hồ sơ rủi ro, xác định đối tượng trọng điểm, phục vụ cho công tác kiểm tra, giám sát hải quan.

- Hệ thống thông tin, dữ liệu cần được xây dựng trên cơ sở tích hợp thành một khối thống nhất nhằm phục vụ tốt hơn trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Đặc biệt là cơ sở dữ liệu cần phải tập trung, đáp ứng tốt nhất yêu cầu chia sẻ, tra cứu trực tiếp, hạn chế việc truyền nhận dữ liệu giữa các cấp, dễ gây nên sai lệch số liệu.



Lương Công Danh

 


.