Quản lý thực phẩm nông, lâm, thủy sản theo chuỗi: Cần một "nhạc trưởng"

01:08, 13/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù ngành nông nghiệp đã nhiều lần đề cập và tìm giải pháp chấn chỉnh, nhưng xem ra việc quản lý thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn rời rạc từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Nguyên nhân vì đâu?

Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm-thủy sản tỉnh (Chi cục), 6 tháng đầu năm 2014, đơn vị đã kiểm tra, đánh giá điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) tại 27 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm sản và 116 cơ sở thủy sản. Kết quả, có 6 cơ sở xếp loại C, còn lại xếp loại B. Kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi trên 15 mẫu tôm chân trắng. Kết quả, phát hiện dư lượng chì, cadimium và thủy ngân (nhưng dưới mức giới hạn tối đa cho phép).

Chuyện rau bẩn, rau sạch

Chưa bao giờ, người tiêu dùng hoang mang, mất lòng tin vào chất lượng sản phẩm như lúc này khi mà thông tin thực phẩm nông, lâm, thủy sản mất an toàn do “tưới” hóa chất hay “ướp” các loại chất kích thích, kháng sinh liên tục được ngành chức năng phát hiện, cảnh báo. Hẳn thế nên dù đã mất rất nhiều thời gian lựa chọn, xem thông tin các loại rau quả được bày bán tại Siêu thị Coop Mart, nhưng chị Trần Thị Thu Hương (TP. Quảng Ngãi) vẫn đắn đo, e dè.

 

Để bảo vệ người sản xuất và tiêu dùng, nhất thiết phải thực hiện việc quản lý thực phẩm nông-lâm- thủy sản theo chuỗi.
Để bảo vệ người sản xuất và tiêu dùng, nhất thiết phải thực hiện việc quản lý thực phẩm nông-lâm- thủy sản theo chuỗi.


Lý giải thái độ này, chị Hương cho rằng, tuy tin tưởng uy tín của siêu thị, nhưng vì có quá nhiều thông tin, hình ảnh rau được dưỡng bằng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV); rồi củ, quả được tiêm thuốc kích thích, chất tăng trưởng cho lớn nhanh mau chín khiến chị bị ám ảnh, hoài nghi chất lượng tất cả các loại thực phẩm. Từ nông, lâm sản đến thủy sản, từ mẫu mã đến địa điểm bày bán (chợ, siêu thị…). Thế mới có chuyện, “rau xanh, cọng to lá tốt, củ đẹp là mình đã không dám mua vì lo nó được tắm hóa chất; nhưng đến cả rau, quả xấu xí mình cũng ngại vì không chắc họ có ướp gì vào đó không”, chị Hương thổ lộ.   

Dẫu e ngại nhưng dù sao, người tiêu dùng cũng được an ủi vì thực phẩm nông, lâm sản được bày bán tại siêu thị có thông tin nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Chứ ở các chợ thì họ chẳng biết đâu mà lần. Bởi nói như bà Huỳnh Thị Ân thì: “Họ phơi cả đống ra đó, mình thấy vừa mắt, hợp giá thì mua chứ biết đâu là rau sạch, củ bẩn”.

Cũng theo tiết lộ của bà Ân thì “người dân như tôi chỉ biết tin vào bạn hàng mỗi khi mua thực phẩm. Họ nói sao, tôi tin vậy chứ làm sao kiểm chứng chất lượng được. Nhưng vì hơn một lần tôi bị lừa theo kiểu “mua rau sạch, ăn…rau bẩn” nên từ đó, tôi không tin cái gọi là rau, quả sạch nữa”.

Không biết có phải vì lý do trên hay không mà thời gian qua, những người sản xuất rau sạch trên địa bàn tỉnh ngậm ngùi chuyển sang cách làm truyền thống. Bởi “sản xuất rau sạch tốn kém hơn nhưng giá bán của chúng lại bằng, thậm chí thấp hơn rau thường. Thế nên dù muốn, chúng tôi cũng không thể bám vào rau sạch để sống”, ông Đặng Đức, người trồng rau ở xã Nghĩa Dũng (TP. Quảng Ngãi) bộc bạch.     
   
An toàn “từ ruộng đến bàn ăn”     

Lâu nay, việc sản xuất thực phẩm nông lâm thủy sản diễn ra theo kiểu mạnh ai nấy làm; còn việc quản lý thì rời rạc “mỗi ngành một khúc”. Điều này thể hiện qua sự ra đời của một cây xúc xích mà có ít nhất… 3 ngành cùng quản lý là y tế, nông nghiệp và công thương. Nếu như ngành y tế vào cuộc vì đó là thực phẩm, thì nông nghiệp cũng có mặt vì thực phẩm đó làm từ sản phẩm của ngành chăn nuôi, rồi công thương cũng xuất hiện để “soát” việc mua bán ngoài thị trường. Đó là chưa kể một số ngành “hỗ trợ” như: Tài nguyên - Môi trường, Công an, Khoa học - Công nghệ… Có điều, dù được nhiều ngành hợp sức quản lý nhưng kết quả là: Thực phẩm kém chất lượng, sản phẩm nhiễm độc tố hay thuốc BVTV… vẫn “lọt” đến tay người tiêu dùng!

Rõ ràng, công tác quản lý đang bộc lộ nhiều lỗ hổng và bất cập. Trong khi đó, việc quản lý theo chuỗi - nghĩa là bất kỳ công đoạn nào trong quá trình sản xuất cũng được cơ quan chức năng quản lý, giám sát theo mô hình khép kín dường như vẫn chưa được chú trọng. Bởi chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn bắt đầu từ công đoạn cung cấp vật tư nông nghiệp như giống, phân, thuốc, thức ăn chăn nuôi… đến khâu sản xuất là trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt, chế biến và chuyển đến tay người tiêu dùng.

Thế nên, theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm-thủy sản tỉnh Võ Văn Kỷ thì “rất khó triển khai thực hiện mô hình quản lý này dù nó mang lại lợi ích rất lớn cho cả người sản xuất, người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp”. Lý do, quy mô sản xuất của người dân còn nhỏ lẻ, manh mún; đầu ra sản phẩm bấp bênh, ý thức của cả người sản xuất và tiêu dùng hạn chế, hệ thống văn bản quản lý còn nhiều lỗ hổng, cơ chế chính sách khuyến khích phát triển chuỗi thực phẩm an toàn chưa hoàn thiện… Do đó, theo ông Võ Văn Kỷ: “Để quản lý theo chuỗi được đi vào nền nếp, đảm bảo thực phẩm an toàn từ ruộng đến bàn ăn, trước hết phải gỡ nút thắt “mỗi ngành quản lý từng công đoạn khác nhau”. Từ đó mới lựa chọn một “nhạc trưởng” để thống nhất công tác quản lý, kiểm soát việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ”.

Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.